Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục

XUÂN PHÚ 17/02/2022 07:39

Ngành GD-ĐT đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2022 - 2025.

Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc) đạt chuẩn năm 2015 đến nay đã quá hạn nhưng chưa được công nhận lại. Ảnh: X.P
Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc) đạt chuẩn năm 2015 đến nay đã quá hạn nhưng chưa được công nhận lại. Ảnh: X.P

Kết quả nổi bật

Thực hiện Nghị quyết số 11 (25.4.2017) của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, thời gian qua, ngành giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, trong đó có mục tiêu xây dựng trường học đạt các mức kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia.

Các địa phương cũng vào cuộc mạnh mẽ với quyết tâm cao, xem xây dựng trường chuẩn quốc gia vừa là mục tiêu vừa là động lực để các cơ sở giáo dục xây dựng và phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Theo chỉ tiêu Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy, đến năm 2025 tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp toàn tỉnh là 70% mầm non, 95% tiểu học, 80% THCS và 60% THPT.

Với kết quả hiện tại, ngoài mầm non đã vượt (mầm non hơn 76%), các bậc học còn lại đều có khoảng cách khá xa (tiểu học gần 80%, THCS gần 58% và THPT 22%).

Vì vậy, để thực hiện chỉ tiêu này, ngành GD-ĐT phấn đấu đến năm 2025 có thêm 116 trường đạt chuẩn, trong đó 18 tiểu học, 61 THCS, 22 THPT và 15 trường mầm non.

Nhờ đó, sự nghiệp GD-ĐT Quảng Nam những năm gần đây có bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt nhiều kết quả nổi bật.

Tại hội nghị sơ kết đánh giá kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc giai đoạn 2016 - 2021 và bàn nhiệm vụ, phương hướng giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh được tổ chức mới đây, báo cáo của Sở GD-ĐT cho biết, trong 5 năm qua con số trường đạt chuẩn tăng từ 425 lên 495 trường.

Tính đến nay, có 172/226 trường mầm non, 186/223 trường tiểu học, 125/216 trường THCS, 12/54 trường THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Ấn tượng hơn, số trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh thuộc tốp đầu khu vực các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Ông Châu Văn Thủy - Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT) cho rằng, công tác xây dựng trường chuẩn trên địa bàn tỉnh thời gian qua có tác động tích cực, làm thay đổi diện mạo trường học, công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học. Từ đó, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như Điện Bàn, Đại Lộc, Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành… có kết quả xây dựng trường chuẩn khá cao.

Những băn khoăn

Năm 2012, Trường Phổ thông DTNT tỉnh trở thành trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của khối trường THPT. Theo quy định, quyết định đạt chuẩn sẽ hết hiệu lực sau 5 năm và các trường phải làm thủ tục để kiểm tra công nhận lại. Tuy nhiên, đến nay bước sang năm thứ 10 nhà trường vẫn chưa thể đề nghị sở kiểm tra công nhận đạt chuẩn lại.

Giải thích nguyên nhân, thầy giáo Trần Đức Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng nhiều hạng mục cơ sở vật chất xuống cấp nặng chưa được đầu tư nâng cấp nên không thể đề nghị công nhận đạt chuẩn. Kế hoạch năm 2022 đầu tư các hạng mục như khối phòng học, khu nhà đa năng, cải tạo khu hiệu bộ, nhà ở học sinh để đáp ứng yêu cầu công nhận lại trường chuẩn quốc gia.

Trường Phổ thông DTNT tỉnh không phải là trường hợp cá biệt. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có đến 108 trường đạt chuẩn quốc gia cũng rơi vào tình trạng quá hạn do chưa đề nghị kiểm tra công nhận lại, trong đó 12 trường THPT, 29 mầm non, 44 tiểu học, 23 THCS.

Ngoài lý do cơ sở vật chất xuống cấp, chưa được đầu tư kịp thời, theo ông Châu Văn Thủy, còn có một số khó khăn khác như thay đổi quy định về trình độ đào tạo đối với giáo viên (Luật Giáo dục năm 2019 yêu cầu cao hơn về trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học dẫn đến nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn), tỷ lệ học sinh/lớp tại thành phố, khu công nghiệp khá cao.

Ở bậc tiểu học, số trường học đạt chuẩn tại thời điểm năm 2021 còn giảm so với năm 2016 mà nguyên nhân là do nhập trường (từ 274 xuống còn 233 trường) nên không còn đạt chuẩn.

Để khắc phục những tồn tại, khó khăn, thực hiện hoàn thành chỉ tiêu đề ra giai đoạn 2022 - 2025, tại hội nghị vừa qua, sau khi nghe ý kiến thảo luận của các đơn vị, trường học, Sở GD-ĐT đã thống nhất giải pháp trong thời gian tới sẽ tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo về lộ trình xây dựng trường chuẩn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các cấp, ngành, cha mẹ học sinh, nhân dân và toàn xã hội, đồng thời tích cực huy động nguồn lực, nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, cũng phải đảm bảo sự hài hòa trong việc đầu tư xây dựng trường chuẩn. Không chạy theo thành tích, quá chú trọng những trường chuẩn mà để một số trường xuống cấp, hư hỏng ảnh hưởng đến công tác dạy và học.

Gần 400 giáo viên mầm non, tiểu học, THCS được nâng chuẩn

Sở GD-ĐT cho biết, thực hiện Nghị định 71 (30.6.2020) của Chính phủ, từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay đã phối hợp với Trường Đại học Quảng Nam tổ chức thực hiện đào tạo nâng trình độ chuẩn cho 398 giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, đạt 50% chỉ tiêu UBND tỉnh giao.

Theo quyết định UBND tỉnh, sẽ có 798 giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh được đào tạo để nâng trình độ chuẩn trong năm học 2021 - 2022. UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở GD-ĐT phối hợp với Trường Đại học Quảng Nam thực hiện đào tạo nâng trình độ chuẩn cho giáo viên.

Được biết, Trường Đại học Quảng Nam chịu trách nhiệm đào tạo 570 giáo viên thuộc 8 ngành đào tạo như giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non, sư phạm Toán học, sư phạm Vật lý, sư phạm Sinh học, sư phạm Ngữ văn, Công nghệ thông tin, tiếng Anh và có trách nhiệm liên kết đào tạo với các trường có uy tín trong nước để thực hiện đào tạo cho 228 giáo viên thuộc các ngành nghề còn lại.

Toàn tỉnh có gần 2.300 học viên chương trình giáo dục thường xuyên

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, tính đến cuối học kỳ I năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 59 lớp với gần 2.300 học viên đang theo học chương trình giáo dục thường xuyên. Trong đó, 3 lớp với 48 học viên chỉ học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, 56 lớp với 2.240 học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với học nghề.

Việc tổ chức học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với học nghề được triển khai tại các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh được xem là giải pháp 2 trong 1, giúp học viên sau khi kết thúc chương trình học nghề có thêm chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT để có thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và học cao hơn.

Hỗ trợ phát triển văn hóa đọc cho học sinh các trường phổ thông

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát triển văn hóa đọc cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh từ năm 2022 đến 2025 nhằm thực hiện Nghị quyết 21(19.4.2021) của HĐND tỉnh.

Theo đó, hỗ trợ gần 53 tỷ đồng (vốn ngân sách tỉnh, huyện và nguồn xã hội hóa) cho các trường phổ thông mua sắm trang thiết bị phòng đọc, sách, tài liệu bổ sung, tài liệu số và cải tạo phòng đọc thư viện điện tử cho 2 trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Thánh Tông.

Mục tiêu của kế hoạch là phấn đấu đến năm 2025 có 100% trường học tối thiểu có 1 thư viện, mỗi điểm trường có tủ sách dùng chung, phòng đọc học sinh có không gian thân thiện, sử dụng phần mềm quản lý thư viện, các trường tiểu học và THCS hoàn thành xây dựng “thư viện lớp học”.

Về hoạt động phát triển văn hóa đọc, 100% học sinh được tiếp cận, sử dụng thông tin tại thư viện, tổ chức tốt Ngày sách Việt Nam tại tất cả trường học, cán bộ thư viện được đào tạo, tập huấn nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO