Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được triển khai thực hiện ở huyện Tây Giang đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và từng bước thay đổi được nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Một buổi chi trả dịch vụ môi trường rừng tại xã Tr’hy, Tây Giang. |
Giao khoán rừng cho dân
Đều đặn hàng tháng, nhóm tuần tra bảo vệ rừng của anh Pơloong Ức - trưởng thôn Dầm I, xã Tr’hy, lại bắt đầu chuyến đi sâu vào rừng già với nhiệm vụ kiểm tra, nắm bắt tình hình trong phạm vi diện tích rừng mà nhóm của anh được giao khoán bảo vệ. Nhóm hộ vệ rừng của anh Pơloong Ức gồm 25 hộ, nhận quản lý bảo vệ hơn 150ha rừng tự nhiên, tuần tra 2 lần mỗi tháng. Khoảng 3 - 5 ngày lại có một nhóm khác gồm 5 người thay phiên kiểm tra rừng, phát đường băng cản lửa. “Mình thường xuyên nhắc nhở bà con trong thôn không được chặt phá cây cối, chú trọng bảo vệ rừng già và mọi người thực hiện tốt. Trong các đợt tuần tra rừng, nếu phát hiện trường hợp người ngoài xâm phạm, phá rừng, săn bắt động vật hoang dã, chúng tôi sẽ lập tức báo ngay cho kiểm lâm địa bàn xử lý kịp thời” - A Pơloong Ức cho biết.
Thôn Dầm I có 49 hộ, chia thành 2 nhóm hộ tham gia quản lý bảo vệ gần 300ha rừng. Từ khi có chính sách chi trả DVMTR được triển khai, người dân ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo vệ rừng. Nếu như trước đây, khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng người dân địa phương vào rừng chặt cây lấy gỗ làm nhà, phát đốt nương rẫy… thì những năm gần đây, tình trạng này gần như không còn tái diễn. Chị Ating Thị Tâm - thành viên nhóm tuần tra chia sẻ: “Trước đây, người dân hay chặt phá cây cối, chưa có ý thức bảo vệ rừng, bây giờ có chủ trương chi trả tiền cho việc bảo vệ rừng, người dân nhận khoán và cùng nhau bảo vệ rừng”. Ông Clâu Rinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tr’hy, cho biết, việc thực hiện chi trả DVMTR đã giúp cho người dân có ý thức bảo vệ rừng tốt hơn, qua theo dõi, không có gia đình nào lén vào rừng phát rẫy làm nương, khai thác gỗ trái phép, cũng không có các trường hợp người từ khu vực khác đến phá rừng. Hàng tháng, hàng quý người dân luôn tuần tra theo định kỳ, kịp thời phát hiện các trường hợp gây hại đến rừng trong khu vực mình được giao nhận quản lý, bảo vệ.
Nâng cao ý thức bảo vệ rừng
Trên địa bàn xã Tr’hy có tổng diện tích hơn 6.000ha rừng, trong đó đã giao cho 13 nhóm hộ thuộc các thôn trên toàn xã quản lý, bảo vệ hơn 5.000ha. Ngay sau khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai, các hộ dân đều đồng ý nhận giao khoán và thực hiện tốt việc tuần tra bảo vệ rừng. Kết quả này là nhờ có sự kiên trì của lực lượng kiểm lâm và Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Bắc Sông Bung cũng như chính quyền các địa phương trong việc tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ rừng. Để người dân thật sự gắn bó với rừng, thấy được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ những cánh rừng tự nhiên, BQL rừng phòng hộ Bắc Sông Bung đã giao khoán cụ thể cho từng nhóm hộ. Ông Lê Viết Sang - Hạt trưởng kiêm Giám đốc BQL rừng phòng hộ Bắc Sông Bung cho biết, công tác tuyên truyền, vận động bà con nhận khoán ý thức về trách nhiệm bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị thời gian tới.“BQL sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương thực hiện việc chi trả DVMTR, thường xuyên cắt cử cán bộ bám sát cơ sở, tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng cho người dân thôn bản qua các đợt chi trả DVMTR, để người dân thấy được trách nhiệm của mình trong quản lý bảo vệ rừng” - Ông Sang nói.
BQL rừng phòng hộ Bắc Sông Bung thực hiện chi trả DVMTR trên địa bàn 5 xã thuộc lâm phận quản lý gồm Tr’hy, A xan, Lăng, Ch’ơm và Ga ry với diện tích hơn 26.000ha rừng cho 1.650 hộ của 73 nhóm hộ. Nhờ có chính sách chi trả DVMTR mà nhận thức của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng từng bước được nâng cao. Không chỉ vậy, chính sách này còn góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
XUÂN THỊNH