(QNO) - Ngày 12.6, tại điểm dừng chân 31 Nguyễn Thái Học (TP.Hội An) diễn ra buổi giao lưu với nhà văn Nhật Chiêu và cô giáo Đoàn Thị Liệp, chủ đề “Áo dài Việt Nam và tình yêu văn học”.
Sự kiện do Câu lạc bộ Không gian đọc Hội An - Trường Đại học Phan Châu Trinh và Hội quán các bà mẹ phối hợp tổ chức, với sự hỗ trợ của Trung tâm VH-TT TP.Hội An.
Nhà văn Nhật Chiêu và cô giáo Đoàn Thị Liệp tham gia buổi giao lưu. |
Cô giáo Đoàn Thị Liệp - dạy văn 39 năm, được các thế hệ học trò nhớ đến với lời dặn dí dỏm: “Học văn là học cái đẹp nhân cách con người, là học cái đẹp của tình yêu quê hương đất nước. Vì vậy, người dạy văn phải đẹp và người học văn cũng phải đẹp”. Trong ký ức của học sinh, cô Liệp luôn được nhắc tới bởi những bài văn, bài thơ được cô chuyển tải qua gần 200 bộ áo dài duyên dáng. Trong sự nghiệp dạy văn, cô Liệp đã dày công tự thiết kế và đặt may gần 200 bộ áo dài. Và có lẽ đây là tủ sách giáo khoa bằng áo dài độc nhất vô nhị được kết tinh từ sự tâm huyết và sáng tạo của một người thầy. Cô Đoàn Thị Liệp là một trong những nhân vật của chương trình Điều ước thứ bảy của VTV3.
Những bộ áo dài đẹp nhất trong bộ sưu tập của cô Đoàn Liệp được các độc giả là học sinh, sinh viên, giáo viên của thành phố di sản trình diễn trong khí thân mật của buổi giao lưu “Áo dài Việt Nam và tình yêu văn học” tại Hội An.
Nhà văn, dịch giả Nhật Chiêu - nổi tiếng với những cuốn sách biên khảo và dịch về văn hóa, văn học Nhật Bản như “Tuyển tập truyện ngắn hiện đại Nhật Bản”, “Thơ ca Nhật Bản”, “Văn học Nhật Bản”, “Nhật Bản trong chiếc gương soi”, “Basho và thơ Haiku”… Ngoài ra, ông còn được biết đến là một nhà thơ với những tập thơ “Tôi là một kẻ khác”, “Người về với như”…
Trong buổi giao lưu, nhà văn Nhật Chiêu và cô giáo Đoàn Thị Liệp chia sẻ những câu chuyện về tình yêu với các tác phẩm văn học trong và ngoài nước, được thể hiện qua bộ sưu tập áo dài với những hoa văn độc đáo, sang trọng và tinh tế.
Ngoài ra, nhà văn Nhật Chiêu, từng có nhiều năm gắn bó với văn hóa và văn học Nhật Bản chia sẻ những kinh nghiệm của người Nhật trong việc đưa trang phục kimono vào cuộc sống đời thường.
Với mong muốn lan tỏa tình yêu với dài Việt Nam trong cộng đồng và đưa áo dài gần gũi với cuộc sống đời thường, toàn bộ khách mời và các độc giả thiếu nhi cùng những người tham gia buổi giao lưu “Áo dài Việt Nam và tình yêu văn học” sẽ mặc áo dài trong suốt thời gian diễn ra chương trình.
Đặc biệt, sau buổi giao lưu, Hội quán các bà mẹ dành tặng các học sinh, sinh viên 20 bộ áo dài chuyền tay của hội quán.
KHIẾU THỊ HOÀI