(VHQN) - Tại miền Trung, dấu ấn còn lại của nền văn hóa cổ Chămpa có thể xem là minh chứng sống động nhất cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ. Niên đại của các di vật khảo cổ được tìm thấy trải dài từ những thế kỷ trước Công nguyên (CN) cho đến thời tiền hiện đại.
Trang sức
Từ thời tiền sử khoảng 500 năm trước CN, trong nền văn hóa nổi tiếng Sa Huỳnh, các nhà khoa học chứng minh rằng cư dân cổ ở miền Trung đã tiếp xúc với văn hóa đại lục Ấn Độ qua trao đổi các mặt hàng cao cấp như mã não, các loại trang sức bằng đá quý và vàng.
Tại di tích Lai Nghi bên bờ sông Thu Bồn, các nhà khảo cổ đã phát hiện hai di vật trang sức làm bằng đá mã não có hình sư tử và hình chim, cùng hàng nghìn hạt chuỗi làm từ chất liệu thủy tinh đúc nhiều màu và mã não. Tất cả di vật đều là đồ tùy táng được tìm thấy trong các ngôi mộ chum - một kiểu thức mai táng độc đáo của người Sa Huỳnh.
Các nhà khoa học cho rằng hình tượng sư tử bằng mã não tìm thấy tại Lai Nghi được gọi là “Sư tử dòng họ Thích Ca”, đó là minh chứng sinh động cho hoạt động của Phật giáo sơ kỳ tại các vùng thị tứ thiết lập ven biển ở Đông Nam Á.
Đáng chú ý, loại hình di vật này cũng đã được tìm thấy với số lượng tương đối lớn ở nhiều vương quốc Đông Nam Á cổ như Miến Điện, Indonesia, trong đó nổi bật là Thái Lan.
Đó là những trung tâm phân phối hoặc trao đổi mặt hàng cao cấp mang tính tôn giáo này đến các vùng thị tứ ở Đông Á như Trung Hoa và Hàn Quốc. Như vậy cư dân Sa Huỳnh ở miền Trung đã góp mặt trong các hoạt động hải thương sớm kết nối Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Hoa.
Ngôn ngữ
Vào khoảng thế kỷ 3 - 5, qua những bi ký ghi chép bằng ký tự Siddham của Nam Ấn, chúng ta biết được rằng các vương triều sớm nhất ở miền Trung được thiết lập, trong đó có hai tấm văn khắc nổi tiếng là bia Võ Cạnh và bia Mỹ Sơn.
Bia Võ Cạnh, có niên đại khoảng thế kỷ 3 - 5, cho biết tên một vương triều được dựng bởi vua Sri Mara[n] hùng cứ vùng Khánh Hòa ngày nay, ngài cúng dường nhiều cơ sở tôn giáo tại địa phương. Còn bia Mỹ Sơn dựng dưới triều vua Bhadravarman hay Phạm Hồ Đạt (380 - 415).
Bia Mỹ Sơn của vua Bhadravarman chứng minh rằng Bà-la-môn giáo đã được tổ chức có hệ thống và được hoàng gia Chămpa bảo trợ. Điều đó cho thấy tôn giáo và văn hóa Ấn Độ đã được tôn sùng tại vương quốc này và đã trở thành nền tảng cho các hoạt động của vương triều.
Trong xu hướng đó, tiếng Phạn đã trở thành ngôn ngữ bác học của Chămpa. Nó được giới tinh hoa bao gồm quý tộc và tu sĩ sử dụng rộng rãi, chuyển tải những trào lưu tôn giáo, triết học đương thời của Ấn Độ đến với vương quốc này.
Thông qua hệ thống văn bia viết bằng tiếng Phạn, chúng ta biết được rằng những bộ sử thi lỗi lạc của văn học Ấn Độ như Mahabharata và Ramayana đều đã lưu truyền rộng rãi tại vương quốc này.
Đặc biệt, chúng được minh họa trên các tác phẩm điêu khắc kể chuyện sinh động của nghệ thuật Chàm từ thế kỷ 7 - 13. Các trích đoạn chính của hai bộ sử thi này đã được nghệ nhân Chàm tuyển chọn và hình tượng hóa trên các tác phẩm điêu khắc, thể hiện hình ảnh các nhân vật theo quan điểm thẩm mỹ và tôn giáo riêng của Chămpa.
Điều này chứng minh cho sự hiểu biết thấu đáo các nội dung được kể trong Ramayana; đó cũng là bằng chứng cho một sinh hoạt văn học khá phổ biến trong đời sống của cư dân Chămpa ngày xưa.
Tôn giáo
Quan trọng hơn, sự thẩm thấu tư tưởng thâm sâu của triết học Ấn Độ cũng được người Chàm thể hiện trên các tác phẩm nghệ thuật. Triết lý nòng cốt của tín ngưỡng Bà-la-môn giáo được biết trong hệ thống giáo lý Pashupata, là bộ kinh dạy về sự giải thoát khỏi những ràng buộc của thân xác để đạt đến sự giác ngộ.
Kinh này ca ngợi lối sống khổ hạnh của thần Shiva. Nội dung kinh được minh họa sinh động trên đài thờ nổi tiếng Mỹ Sơn E1, có niên đại vào đầu thế kỷ 8. Trên đó, nhiều cảnh khắc họa hình ảnh các vị đạo sư bôi tro lên thân thể và thiền định trong rừng sâu. Đây là tác phẩm duy nhất trong nghệ thuật Đông Nam Á mô tả lối sống khổ hạnh qua sinh hoạt hằng ngày của các tu sĩ Bà-la-môn tại thánh địa Mỹ Sơn.
Phật giáo cũng được truyền bá mạnh mẽ tại Chămpa. Vào thế kỷ 5, khi Đàn Hòa Chi tấn công Chămpa, có thể là kinh đô ở vùng Trà Kiệu, vị tướng nhà Hán đã cướp đi hơn một trăm nghìn lượng vàng và vô số kinh Phật, sự kiện này được cổ sử Trung Hoa nhắc lại nhiều lần.
Đồng thời những cảng - thị Chămpa đã trở thành nơi trú ngụ lý tưởng cho các nhà sư Trung Hoa trên đường hành hương và thỉnh kinh tại Ấn Độ. Theo ghi chép của cao tăng Nghĩa Tịnh, vào thế kỷ 7, tông phái Phật giáo nguyên thủy đã hoạt động mạnh mẽ tại Chămpa.
Tuy nhiên, phải đến thế kỷ 8, trào lưu Phật giáo Mật tông phát triển, thì Chămpa cùng với các vương triều hàng hải phía nam như Srivijaya và Shailendra đã thiết lập những trung tâm Mật giáo quan trọng để truyền bá tông phái này vào Trung Hoa.
Các vị sư tổ Mật tông nổi tiếng như Kim Cang Trí, Bát Nhã là người gốc Ấn Độ, đều ghé đến Chămpa và giúp phát triển Mật giáo mà chứng cứ là sự thành lập Phật viện Laksmindra-Lokesvara đồ sộ tại Đồng Dương năm 875 dưới triều vua Phật tử Jaya Indravarman.
Văn hóa khác biệt
Sự tinh thông Phạn ngữ và sử dụng thuần thục ký tự Siddham đã giúp các học giả Chămpa tiếp cận sâu sắc văn minh Ấn Độ, như triết học, văn học, nghệ thuật và nhiều ngành kỹ thuật. Người Chàm đã ứng dụng lịch Saka của Nam Ấn vào sinh hoạt từ những thế kỷ đầu CN (lịch Saka chênh lệch với Dương lịch 78 năm, thí dụ năm 700 Saka = 778 CN).
Người Chàm chia thời gian trong một tuần thành 7 ngày, một năm thành 12 tháng, dựa vào đó, họ theo dõi chu kỳ của tự nhiên nhằm tổ chức thuận tiện cho các hoạt động đời sống. Hiện nay, lịch Saka vẫn được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng người Chăm ở Nam Trung Bộ được ấn định và sắp xếp bởi các chức sắc Bà-la-môn.
Mặc dù tọa lạc ở trung độ của tuyến hàng hải nối liền Nam Á và Đông Á, giữa hai nền văn hóa lớn là Ấn Độ và Trung Hoa, nhưng vương quốc Chămpa đã chọn sự giao lưu với Ấn Độ hơn là với Trung Hoa.
Nguyên nhân này được giới học giả có thẩm quyền nhận định rằng, sở dĩ người Chàm từ chối tiếp cận văn hóa Hán ngữ, là vì họ cố giữ vững bản sắc văn hóa độc đáo của mình nhằm bảo vệ vương quốc dưới sự bành trướng của văn hóa Hán.
Do đó, người Chàm đã phải tạo ra một sự khác biệt với các quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Hán của Trung Hoa. Trong bối cảnh đó, họ đã xây dựng được mối liên kết bền vững với các quốc gia láng giềng chịu ảnh hưởng văn hóa Phạn ngữ của Ấn Độ trong vùng Đông Nam Á.