Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản: Hội tụ hai nền văn hóa

VĨNH LỘC 16/08/2016 08:49

Được tổ chức lần đầu vào năm 2003, lễ hội giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản đã trở thành sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng, thu hút sự quan tâm của công chúng và du khách trong và ngoài nước. Trong chương trình lễ hội lần này, sẽ có nhiều hoạt động mới lạ, đặc sắc của hai nền văn hóa Việt - Nhật.

 Thông qua lễ hội, khách Nhật Bản đến Hội An ngày càng nhiều trong những năm gần đây.Ảnh: VĨNH LỘC
Thông qua lễ hội, khách Nhật Bản đến Hội An ngày càng nhiều trong những năm gần đây.Ảnh: VĨNH LỘC

Sôi nổi nhiều hoạt động

Diễn ra từ ngày 15 đến 16.8 tại Hội An, chương trình “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 14” diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, giao lưu, giải trí đặc sắc nhằm mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị về văn hóa hai dân tộc. Có thể kể đến như trưng bày các sản phẩm thời trang và hàng thủ công mỹ nghệ, chụp ảnh lưu niệm với áo yukata và kimono, dạy viết Thư pháp Nhật Bản, các hoạt động trải nghiệm làm lồng đèn, gấp giấy Origami, gấp lá dừa, múa rồng Nhật Bản, múa thiên cẩu, giao lưu đường phố và các trò chơi dân gian trẻ em Việt Nam - Nhật Bản… cùng nhiều hoạt động, hội thảo, du lịch phụ kèm khác. Đặc biệt, lần đầu tiên đã diễn ra hoạt động tái hiện đám cưới của công nữ Ngọc Hoa với thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro (thế kỷ XVII). Công nữ Ngọc Hoa cũng là người Việt đầu tiên sang Nhật định cư, nay truyền thuyết và vật dụng trang điểm của công nữ vẫn còn được lưu truyền ở Nagasaki.

Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội, TP.Hội An cũng phát động kêu gọi người dân địa phương và du khách hưởng ứng “Ngày không ăn thịt vì môi trường và sức khỏe”. Phục vụ cho hoạt động ý nghĩa này, tại vườn tượng An Hội đã diễn ra dịch vụ ẩm thực chay với các món ăn được chế biến phong phú, hấp dẫn, giúp mang lại cho du khách những phong vị mới lạ về văn hóa ẩm thực ở Hội An. Một điểm nhấn khác của lễ hội lần này chính là “Hội hoa đăng - báo hiếu, Hội An 2016”, sự kiện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mục đích nhắc nhở mọi người về công đức sinh thành, dưỡng dục của các bậc phụ mẫu. Đúng 18 giờ ngày 16.8, từ các đình, chùa, tịnh xá… chư tăng ni, phật tử và đoàn rước sẽ diễu hành về vườn tượng An Hội để thực hiện các nghi thức phóng sanh, phóng đăng và cầu nguyện quốc thái dân an. Kết thúc chương trình, người dân và du khách sẽ cùng hòa mình trong không khí sôi nổi của các điệu múa bon Nhật Bản, trống cơm, dân vũ…

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản và hội hoa đăng - báo hiếu là hai sự kiện có ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa, tinh thần đối với người dân Hội An và du khách đến đây. Với mục tiêu vun đắp tình hữu nghị ngày càng bền chặt giữa hai dân tộc và tuyên truyền giáo dục truyền thống đạo hiếu đến với người dân, các hoạt động này sẽ góp phần quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người Hội An sâu sắc hơn trong lòng du khách.

Thúc đẩy thị trường

Dù mục đích chính hướng đến là tăng cường tình đoàn kết của 2 dân tộc, nhất là giữa Hội An với các thành phố Sakai, Oda, tỉnh Nagasaki nhưng không phủ nhận hiệu quả lan tỏa của lễ hội là rất lớn. Qua 13 lần tổ chức sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản, tỷ lệ khách Nhật Bản đã gia tăng khá tốt và đến nay chiếm vị trí thứ 6 trong tổng cơ cấu khách quốc tế đến Hội An. Riêng năm 2015 khoảng hơn 112 nghìn lượt khách đã đến Hội An và Quảng Nam. Đây là con số ấn tượng nếu so với khoảng 1 triệu lượt khách Nhật Bản đã đến Việt Nam trong năm này. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An khẳng định, lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản sẽ là chất xúc tác nhằm hướng đến xây dựng thị trường du lịch khách Nhật Bản bền vững, và đây cũng phù hợp với chủ trương chung của ngành du lịch Quảng Nam là hướng đến thị trường khách Đông Bắc Á, trong đó có Nhật Bản. “Theo nghiên cứu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, điểm hấp dẫn nhất của thị trường khách Nhật Bản là có thời gian lưu trú dài (từ 5 đến 7 ngày) và khả năng chi trả cao (khoảng 1.861USD/ khách), cao hơn hẳn khách du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiện tại, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về chi tiêu du lịch nước ngoài. Phố cổ Hội An với các di tích gắn với người Nhật sẽ là địa điểm thú vị để đón thị trường khách này” - ông Phùng cho biết.

Theo ông Fukada Hiroshi -  Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Hội An đã trở thành một biểu tượng cho mối quan hệ giao lưu lâu đời giữa Nhật Bản và Việt Nam. Thông qua các kỳ lễ hội, tầm quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam ngày một tăng lên. Cùng với đó là sự hiểu biết lẫn nhau trên các lĩnh vực văn hóa cũng như giao lưu giữa con người với con người ở cấp độ nhân dân hai nước. Đó không chỉ là các giá trị văn hóa truyền thống với ẩm thực, kimono mà còn mở rộng ra các hoạt động văn hóa đại chúng như truyện tranh Manga, phim hoạt hình Anime, phong cách hóa trang Cosplay… đều đã được người Việt Nam đón nhận và yêu thích. Vì vậy, để làm sâu sắc hơn mối liên hệ giữa các nước, và con người tại các nước, việc thúc đẩy giao lưu văn hóa là không thể thiếu. “Việc thấu hiểu văn hóa giữa đôi bên sẽ giúp tạo nên sự tôn trọng và tin tưởng với đối phương, và sự tích lũy của những tình cảm đó sẽ góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa các nước. Tôi mong muốn lễ hội Hội An - Nhật Bản bắt đầu từ ngày hôm nay sẽ trở thành một trong những khởi đầu cho mối giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam như vậy. Đặc biệt, tôi cũng cảm nhận rằng, đây là cơ hội truyền tải văn hóa Nhật Bản, đồng thời là minh chứng cho mối quan hệ hữu hảo giữa nhân dân hai nước Nhật Bản và Việt Nam nhìn từ sự hợp tác giữa các đoàn thể của Nhật Bản và TP.Hội An để làm nên lễ hội này. Tôi hy vọng người Việt Nam, người Nhật Bản cùng du khách đến di sản văn hóa thế giới Hội An có thể cùng tham gia và thưởng thức lễ hội. Từ đó hiểu hơn và có sự đồng cảm sâu sắc với mối quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta để cùng hướng về tương lại tươi sáng và thịnh vượng” - Đại sứ Fukada Hiroshi nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản: Hội tụ hai nền văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO