(QNO) - Như một cái hẹn thường niên, sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ XI” mỗi cuối tháng 8 tại phố cổ
Ông Võ Phùng. |
Chính thức khai mạc vào tối ngày 24.8, sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” với rất nhiều chương trình, hoạt động mang tính truyền thống diễn ra từ ngày 23 đến 25.8. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An, cơ quan trực BTC cho rằng sự kiện giao lưu lần thứ XI vẫn khẳng định sức sống từ cộng đồng.
Những sự kiện tổ chức thường niên không tránh khỏi sự lặp lại. Càng đòi hỏi trách nhiệm và quyết tâm từ 2 bên Hội An – Nhật Bản và các ngành hữu quan. Nhưng, lặp lại những chương trình luôn được chờ đợi như gấp giấy origami, thử mặc áo Yukata, kể cả các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản chẳng hạn… chính là bản sắc tinh thần giao lưu.
Nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc trong sự kiện |
Còn phía Hội An, các trò chơi Bài Chòi, trình diễn nghệ thuật cổ truyền, ẩm thực…, hay như trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của cả 2 phía càng nhiều càng hấp dẫn. Chính nó tạo nên nội dung thực sự sống động. Các hoạt động thể thao cũng vậy, ví dụ như đua thuyền ngang, năm nào cũng thu hút rất đông du khách không chỉ của Nhật Bản mà cả các nước khác.
PV:Thưa ông, theo kết cấu chương trình thì hình như phạm vi hoạt động của sự kiện lần này được thu hẹp lại so với những năm trước?
Ông Võ Phùng: Chúng ta khu biệt không gian không có nghĩa là bớt đi nội dung, thậm chí lần này nội dung còn nhiều hơn nữa. Trọng tâm nằm ở nội dung chương trình và đây cũng là cách làm tiết kiệm, bớt chi phí tốn kém về sân khấu, âm thanh, ánh sáng…
Không gian giao lưu nằm ở phố cổ. Chính những góc phố, con đường phố cổ trở thành những sân khấu nhỏ, trải đều trên các tuyến phố. Sự kiện lần này lấy đình Cẩm Phô làm tâm điểm, đường Nguyễn Thị Minh Khai làm không gian phụ trợ cộng với các tuyến đường không thể thiếu trong khu phố cổ như Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng...
Trình diễn thủ công truyền thống Nhật Bản. |
Đặc biệt, các doanh nghiệp Nhật bản đang làm ăn tại Hội An và cả doanh nghiệp Hội An đã bắt đầu có sự chia sẻ, cộng cảm. Ví dụ như trình diễn nghề “may nhanh”, trang phục thời trang, trải nghiệm mặc trang phục truyền thống Hội An của Công ty Zaly. Hay quy trình chế biến, thưởng thức Cao lầu ở Nhà hàng Cây Sả, cơ sở thêu Faifo với trình nghề thêu truyền thống Hội An…
PV:Theo ông kỳ vọng, thành công của sự kiện lần này nằm ở đâu?
Ông Võ Phùng: Sự kiện lễ hội của chúng ta đã trở thành định kỳ, đến hẹn lại lên. Một sự kiện được công chúng, du khách và các phía thừa nhận nên mới có đến lần thứ XI.
Vậy sự thành công chính là ở tính truyền thống, sự liên tục của nó. Thứ hai, các hoạt động tổ chức từ lần thứ nhất đến bây giờ vẫn được chờ đợi và chắc chắn sẽ tiếp tục thu hút du khách. Thứ ba, thành phố bắt đầu có những định hướng hiệu quả, đó là đưa lễ hội về với công chúng, với cộng đồng. Phía Nhật cũng vậy, đã huy động ngày càng đông các tổ chức, doanh nghiệp tham gia. Tất nhiên, đây là bước khởi đầu nhưng tôi tin chắc rằng, những sự kiện lần sau, sự tham gia của cộng đồng càng lúc càng cao. Chính cái gì của cộng đồng thì sẽ sống được trong cộng đồng!
PV:Xin cảm ơn ông !
QUỐC HẢI (thực hiện)