Thực tiễn ở nhiều địa phương miền núi trong tỉnh, việc giao rừng do UBND xã quản lý cho cộng đồng quản lý, bảo vệ, chăm sóc bước đầu phát huy hiệu quả.
Cộng đồng giữ rừng
Tại một số địa phương trên địa bàn huyện Nam Giang như thị trấn Thạnh Mỹ, UBND xã Cà Dy, nhiều diện tích rừng do UBND xã/thị trấn quản lý đã được giao cho cộng đồng thôn quản lý, bảo vệ và bước đầu có hiệu quả tích cực. Tại Thạnh Mỹ, diện tích rừng ở thôn Mực, thôn Dung, thôn Pà Dương, Pà Dấu hiện đã được giao hết cho cộng đồng thôn quản lý, bảo vệ. Trong đó, thôn Mực có 259 hộ, hơn 150 hộ nghèo, thôn đã thành lập 3 tổ quản lý bảo vệ rừng với 88 thành viên. Ngoài nguồn kinh phí nhận được từ công tác quản lý, bảo vệ rừng, địa phương còn hỗ trợ vật nuôi như gà, vịt, hỗ trợ cây keo giống để người dân hưởng lợi.
Từ khi các tổ quản lý bảo vệ rừng hoạt động, có sự giám sát của ban quản lý cộng đồng thôn ở các địa phương, tình trạng phá rừng đã giảm hẳn. Anh A hó Ben, thành viên Tổ quản lý bảo vệ rừng thuộc nhóm 3 (thôn Dung) chia sẻ, anh tham gia tổ bảo vệ rừng đã được 4 năm. “Mình không thể đi hết một lượt mà lên lịch để đi. Không chỉ bảo vệ rừng khỏi bị chặt phá, những thành viên của tổ còn được hưởng lợi từ rừng như khai thác lâm sản phụ gồm mây rừng, mật ong, nấm... nên đời sống có phần được cải thiện” - A hó Ben chia sẻ.
Ông Doãn Bing - Chủ tịch UBND xã Cà Dy cho biết, diện tích có rừng trên địa bàn xã khoảng 11.000ha, hiện có khoảng 30 - 40% người dân được hưởng lợi từ rừng từ cơ chế giao khoán, hỗ trợ cấp giống cây trồng, con vật nuôi... Ban quản lý bảo vệ rừng của xã hoạt động với 15 người; ở mỗi thôn có tổ quản lý rừng gồm 9 - 15 thành viên, riêng thôn Rô có tới 15 người do diện tích lớn. “Rừng do xã quản lý hiện nay nên giao cho nhóm hộ thì dân chủ hơn vì cộng đồng là những người gắn bó với rừng. Họ nắm bắt rất tốt các vụ vi phạm khai thác rừng mà các đối tượng là người nơi khác đến. Khi giao rừng cho cộng đồng thì rừng gắn với lợi ích người dân, người dân cũng bám rừng tốt hơn” - ông Doãn Bing nói.
Tại xã Phước Lộc (Phước Sơn), việc thí điểm giao rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ bước đầu phát huy hiệu quả. Theo ông Hồ Văn Long - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, hiện diện tích rừng do UBND xã làm chủ khoảng 300ha, phần lớn đã giao cho 6 thôn. Thuận lợi là bà con người bản địa, thường xuyên đi rừng nên nắm bắt được đâu là rừng tốt, đâu là diện tích mình quản lý. Khi phát hiện sai phạm họ kịp thời phản ánh, lập biên bản, báo cáo lên trên. Xã Phước Lộc hướng đến việc phát triển các loài cây dược liệu dưới tán rừng như trồng cây đẳng sâm, ba kích, sâm 7 lá... hỗ trợ giống đến cộng đồng giúp tăng sinh kế từ rừng. Ngoài Phước Lộc, xã Phước Xuân cũng triển khai thí điểm giao rừng cho cộng đồng...
Nhân rộng mô hình
Trên địa bàn Quảng Nam có nhiều mô hình giao khoán cho cộng đồng và lập tổ tuần tra bảo vệ rừng. Theo Sở NN&PTNT, giao rừng cho cộng đồng được xem là mô hình được nhiều địa phương đánh giá phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Hiện một số đơn vị như Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương, Sông Kôn cũng đề xuất tỉnh chuyển hình thức giao khoán cho cộng đồng mà nòng cốt là tổ bảo vệ rừng cộng đồng. Tuy chưa có mô hình nào là đúng cho mọi trường hợp, song qua thực tiễn thì mô hình giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng mà nòng cốt là tổ bảo vệ rừng của cộng đồng (gồm những người khỏe mạnh, tâm huyết bảo vệ rừng) đã bảo vệ rừng hiệu quả hơn, số tiền người tham gia được nhận tăng lên.
Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, sở đã đề xuất tỉnh nhân rộng mô hình giao rừng tự nhiên do xã quản lý cho cộng đồng. Sở NN&PTNT tiếp tục xây dựng kế hoạch giao rừng cho cộng đồng, dự kiến triển khai thí điểm ở Nam Giang, Tây Giang với diện tích hơn 3.000ha. Cùng với đó, Dự án Kwf10 cũng triển khai giao rừng do UBND xã quản lý cho cộng đồng tại huyện Nam Giang và Phước Sơn, Nam Trà My. Dự án Kwf10 ngoài hỗ trợ quỹ bảo vệ rừng còn hỗ trợ quỹ hỗ trợ thôn bản nhằm tạo điều kiện phát triển sinh kế cho người dân vùng dự án. Mô hình đang tiếp tục nhân rộng, đồng thời thực hiện Nghị định 75 của Chính phủ về các chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. “Theo đề xuất của Sở NN&PTNT, đối với rừng tự nhiên chưa có chính sách nào đầu tư, cơ chế quản lý bảo vệ sẽ tiến hành giao cho cộng đồng và được hưởng cơ chế từ Nghị định 75 (dự kiến có 94.000ha). Hai năm qua, tỉnh mới giao khoán trên dưới 75.000ha và tiếp tục giao trong thời gian tới. Toàn bộ diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh sẽ được giao khoán quản lý bảo vệ và phát triển từ nhiều chương trình, chính sách” - ông Hưng nói.
Theo ông Lê Minh Hưng, năm 2019, Sở NN&PTNT kiến nghị tỉnh tiếp tục bổ sung ngân sách, giao cho các xã tổ chức các đội chuyên trách bảo vệ rừng. Rừng bây giờ phải giao cho cộng đồng quản lý, không giao khoán cho nhóm hộ, hộ gia đình chung chung như trước đây nữa. Chủ trương của tỉnh là thống nhất giao quyền chủ động cho các chủ rừng, tức là các ban quản lý rừng sẽ ký kết hợp đồng với các đội bảo vệ rừng chuyên trách. Mỗi thôn sẽ tuyển chọn một số người ở địa phương, thành lập một số tổ 5 - 7 người/tổ, tùy theo diện tích. Quy mô dự kiến khoảng 100 - 150ha sẽ tuyển dụng 1 người, sẽ trả lương, công tác phí, bảo hiểm như viên chức, được ký hợp đồng lâu dài. Ban quản lý rừng cộng đồng xã, thôn được thành lập sẽ điều hành lực lượng đó. Lực lượng tổ bảo vệ rừng cộng đồng phải đi tuần tra, quản lý rừng liên tục dưới sự giám sát của các ban. Tỉnh sẽ trang bị máy tính bảng cung cấp xuống tới xã, tới chủ rừng, tới kiểm lâm trên địa bàn giúp theo dõi diễn biến rừng, theo dõi công tác tuần tra, bảo vệ rừng tốt hơn. Với đà này, rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn, cuộc sống người dân cũng sẽ được cải thiện.
HOÀNG LIÊN