Ở vùng quy hoạch trồng các loại cây dược liệu quý, Nam Trà My triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng; khoán diện tích bảo vệ cụ thể đến tay người dân và chủ rừng.
Từ giao khoán rừng...
Có được củ sâm quý như vàng ở Ngọc Linh, chính là nhờ hệ sinh thái rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt. Ông Hồ Văn Hinh, một tỷ phú ở xã Trà Linh cho biết, loài sâm Ngọc Linh sống dưới tán rừng già, nếu rừng mất thì “cây thuốc giấu” cũng đâu sống sót. Vừa qua, một doanh nghiệp đến đốn ngã 5 cây gỗ lớn, đồng bào Xê Đăng rất bức xúc.
Thời điểm này, Nam Trà My có 39 nhóm hộ (527 hộ) trồng sâm Ngọc Linh ký cam kết thuê dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99. Ngoài ra, có 5 công ty và Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam được cho thuê DVMTR với diện tích 197ha. Riêng đối với Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My đã lập thủ tục và đề nghị UBND tỉnh phê duyệt cho thuê diện tích 85ha làm vườn giống gốc. Ngành nông nghiệp đánh giá, hầu hết nhóm hộ, các doanh nghiệp sử dụng rừng đúng mục đích. Tuy nhiên, trong 5 công ty được phép thuê DVMTR trồng sâm thì Công ty CP Giấy miền Trung mới trồng được hơn 0,2ha nhưng nằm ngoài vị trí ranh giới diện tích được phê duyệt. Cá biệt Công ty Dược phẩm Hoa Thiên Phú thuê DVMTR nhưng chưa sử dụng, buộc phải chấm dứt hoạt động.
Với nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng theo các cơ chế, chính sách hiện hành, ngành lâm nghiệp địa phương rất nghiêm khắc với các trường hợp ngồi không nhưng được hưởng lợi. Điển hình, năm 2018, Hạt Kiểm lâm huyện Nam Trà Try buộc phải loại bỏ 4 nhóm gồm 1.178 hộ không đảm bảo sức khỏe, đối tượng không chịu tham gia bảo vệ rừng, vi phạm Luật Lâm nghiệp. Chính quyền mạnh dạn thành lập và đưa vào hoạt động 13 chốt bảo vệ rừng tại các tuyến đường, các “điểm nóng” thường xảy ra phá rừng. Hiện 180 hộ dân của các xã Trà Vinh, Trà Vân, Trà Don, Trà Mai, Trà Nam nhận khoán bảo vệ gần 1.500ha rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9.9.2015 của Chính phủ. Ngoài ra, các nhóm hộ của xã Trà Vinh và Trà Vân được giao bảo vệ gần 1.100ha do Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý. Năm 2018, Nam Trà My phát hiện 54 vụ vi phạm liên quan đến phá rừng, xử lý 51 vụ (trong đó có 2 vụ khởi tố hình sự), tịch thu gần 220m3 gỗ các loại.
… đến bảo tồn vùng dược liệu
Từ Nghị quyết số 41, ngày 7.12.2017 của HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2018 – 2025, đến nay Nam Trà My đã hỗ trợ từ phương án phát triển sản xuất gần 12.000 cây và nhân dân tự trồng khoảng hơn 100 nghìn cây, với diện tích trồng mới 24ha. Còn với cây quế Trà My, 90 hộ dân thuộc hai xã Trà Dơn và Trà Leng được hỗ trợ 90 nghìn cây quế, với diện tích trồng 83ha. Bằng chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững, gần 293 hộ đăng ký thoát nghèo được hỗ trợ quế giống trồng 220ha và nhân dân tự trồng khoảng 50ha. Ngoài ra, Nam Trà My phối hợp với Trung tâm Lâm sản ngoài gỗ đang triển khai lựa chọn 20 cây quế đầu dòng và xây dựng vườn giống quế chuyển hóa với quy mô 10ha để lấy hạt làm giống; xây dựng vườn giống quế gốc với quy mô 5ha nhằm phát triển bảo vệ thương hiệu quế Trà My.
Phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My cho biết, thời gian qua tại khu dân cư Khe Chữ (thôn 2, xã Trà Bui) và khu dân cư Tắk Buôn (thôn 3, xã Trà Vân) còn triển khai trồng cây đinh lăng, cây quế. Trồng và phục hồi rừng được 845,5ha (trong đó trồng quế Trà My 558,5ha và trồng giổi là 287ha), độ che phủ rừng đến nay của huyện hơn 55%. Năm 2018, từ Nghị quyết số 202/2016/NQ-HĐND ngày 26.4.2016 của HĐND huyện, địa phương còn hỗ trợ nhân dân trồng 20ha sa nhân tím và 25ha cây đẳng sâm. Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu khẳng định, các đề án, nghị quyết HĐND cấp tỉnh, huyện về bảo tồn, phát triển vùng dược liệu đã đi vào đời sống. Cơ chế đột phá đã làm cho người dân có thể lấy rừng nuôi rừng, phát triển đời sống sản xuất, giảm nghèo bền vững. “Hệ sinh thái rừng nguyên sinh được giữ gìn tốt thì mới phát triển vùng dược liệu như ý muốn, vì vậy chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho nhóm hộ, chủ rừng hay thuê DVMTR cần triển khai chặt chẽ và hiệu quả” - ông Bửu nói.