Giao thoa giữa thơ và nhạc

THANH BÌNH  (thực hiện) 03/03/2013 14:04

Năm 2012 được xem là năm khá thành công với nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, đặc biệt là sự ra đời của album “Giấc mơ”  tập hợp 16 ca khúc phổ nhạc từ thơ của anh. Anh chia sẻ:

Năm qua, tôi có nhiều niềm vui. Chẳng phải lớn lao gì lắm, nhưng gom góp lại mỗi thứ một ít, thì kết quả ấy cũng đáng mừng. Một tập thơ tình in ấn cẩn thận, đằm tay vừa đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn TP.Đà Nẵng năm 2012. Một album 16 ca phúc do các nhạc sĩ phổ thơ mình, đã được tổ chức giới thiệu với đông đảo công chúng yêu thơ tại Quảng Nam, quê hương thân yêu của mình. Cũng tại đêm thơ - ca ấy, đài QRT đã thực hiện phóng sự văn nghệ “Nguyễn Ngọc Hạnh - Ký ức dòng sông”, đài DRT với “Nguyễn Ngọc Hạnh - Sông chỉ một dòng”, VTV Đà Nẵng với phim ca nhạc “Dáng quê”. Mỗi chương trình đều có một nét riêng, độ dài khoảng 30 phút, trong đó phim ca nhạc “Dáng quê” được giải thưởng tại Liên hoan phim truyền hình toàn quốc tổ chức ở Nghệ An…

Trình bày ca khúc phổ thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh.
Trình bày ca khúc phổ thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh.

Hiện nay, người làm thơ ngày càng đông nhưng công chúng yêu thơ ngày càng giảm dần. Thơ ca không còn mặn mà như ngày xưa nữa. Thế mà tôi có được những sự kiện ấy quả là điều may mắn. Tất cả đều đến với tôi bất ngờ, vì khi đang in tập thơ tình, bạn bè bảo tôi anh có nhiều thơ phổ nhạc sao không phát hành luôn album để giới thiệu với công chúng cùng lúc hai đứa con sinh đôi. Và thế là hơn 20 ca khúc do các nhạc sĩ phổ thơ tôi từ mấy chục năm trước đến nay được tập hợp lại và chọn ra 16 bài hát đáng yêu nhất để làm nên album “Giấc mơ” như anh đã biết.

P.V:Là người có nhiều tác phẩm được chọn phổ nhạc, anh có thực sự hài lòng với những ca khúc ấy? Ưu điểm và nhược điểm của ca khúc có ý nghĩa gì đối với một nhà thơ?

Vui, vì thơ mình được người ta hát lên, có sức lan tỏa rộng lớn. Còn hài lòng thì chưa hẳn. Tôi vẫn thích đọc nguyên bản thơ mình hơn, vì nó là chính tôi. Có một số bài sau khi phổ nhạc đã để lại ấn tượng, tác phẩm thơ của mình được người nhạc sĩ sáng tạo một lần nữa lấp lánh hơn, sâu lắng hơn như ca khúc “Phút giao thừa” của nhạc sĩ Trọng Đài, “Qua đò nhớ mẹ” (Nguyễn Ngọc Tiến), “Nhớ mùa hoa ven sông” (Đình Thậm), “Dòng sông còn lại” (Thái Nghĩa), “Xuân muộn” (Nguyễn Duy Khoái), “Mênh mang Bà Nà” (Quỳnh Hợp)... Cũng có bài sau khi phổ nhạc tự nó chết yểu, chưa kịp để ca sĩ hát lên một lần nào!

P.V: Có ý kiến cho rằng, vì sự dễ dãi trong sáng tác khi người nhạc sĩ chưa thực sự thẩm thấu ý nghĩa của tác phẩm thơ khiến nhiều ca khúc hạn chế về ngôn từ, chiều sâu lẫn tầm ảnh hưởng đến khán giả. Anh suy nghĩ gì về điều này?

Nguyễn Ngọc Hạnh (trái) nhận hoa chúc mừng từ người yêu thơ.
Nguyễn Ngọc Hạnh (trái) nhận hoa chúc mừng từ người yêu thơ.

Tôi không đi tìm nhạc sĩ để phổ thơ mình, tất cả đều tình cờ, ngẫu nhiên mà thôi. Cách đây gần 20 năm, khi nhạc sĩ Trọng Đài được thành phố Đà Nẵng mời vào viết ca khúc, ông đã bắt gặp bài thơ của tôi trên Tạp chí Du lịch và mang về Hà Nội sáng tác ca khúc “Phút giao thừa”. Còn trường hợp bài “Qua đò nhớ mẹ” thì thú vị hơn. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Tiến là người Việt xa quê, hiện đang sống ở Mỹ, anh đọc bài thơ này trên trang báo mạng và nung nấu suốt nhiều năm mới viết thành ca khúc. Mới đây, trong một lần về Việt Nam biểu diễn, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Tiến có nói với khán giả ở TP.Hồ Chí Minh rằng, cứ mỗi lần anh ôm đàn hát lên ca khúc này, bà con cộng đồng người Việt xa quê đều rơi nước mắt.

Hay một trường hợp khác, bài thơ “Làng” của tôi vốn được nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh phổ cách đây đã gần 30 năm rồi, cũng vậy. Còn nhớ buổi sáng hôm ấy, tình cờ anh đã gọi điện mời tôi đi cà phê để khoe đã phổ “Ký ức làng quê”, nhưng rồi cũng chính bài thơ này nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thành “Làng” và từ Sài Gòn gửi về Đà Nẵng tặng tôi. Mới đây hơn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm lại âm thầm phổ bài thơ “Làng” thành ca khúc “Làng trong tôi” và đoạt giải tư của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong năm vừa qua.

Như thế đấy, câu chuyện giao thoa giữa thơ và âm nhạc không dễ dàng cậy nhờ như một thứ ban ơn của người này cho người khác, mà là sự cộng hưởng của nhà thơ và nhạc sĩ trước tác phẩm của mình.

P.V:Trong sự giao thoa ấy, mối quan hệ cảm xúc của nhạc sĩ với thơ thế nào?

Tôi nghĩ trong sáng tác, tất cả đều cần những cảm xúc có thật, những giao thoa tự nhiên giữa nhà thơ và nhạc sĩ; chẳng có sự áp đặt nào, rủ rê nào để dắt nhau vào thế giới tâm hồn của công chúng cả. Và cũng không dễ dàng khi một nhạc sĩ khi chưa thấu tình, chưa tri âm với thơ mà có thể tạo ra những giai điệu dạt dào chắp cánh cho thơ đâu.

Thơ phổ nhạc xưa nay vốn không mới mẻ gì. Đấy là sự trùng phùng, duyên nợ. Những bài thơ phổ nhạc nổi tiếng của Phạm Duy với thơ của Phạm Thiên Thư, Huy Cận, Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Định… đều xuất phát từ sự tri âm ấy. Ca khúc có thể từ một bài thơ hay nhưng cũng có khi từ một bài thơ bình thường nhưng qua tài năng của người nhạc sĩ nó trở thành bài hát đi sâu vào lòng người.

- Xin cám ơn nhà thơ.

 THANH BÌNH  (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giao thoa giữa thơ và nhạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO