Tuy Tổ kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa (ĐTNĐ), thuộc Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay, nhưng tình hình trật tự ATGT trên sông nước vẫn chưa được cải thiện.
Tuyên truyền nhiều
Theo ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Đoạn Quản lý ĐTNĐ Quảng Nam (đơn vị thường trực Tổ kiểm tra liên ngành năm 2013), đoàn đã thực hiện cấp, phát hàng nghìn tờ rơi, tài liệu… đến với các đơn vị, tổ chức, cá nhân, người điều khiển phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Mỗi lần ra quân, các thành viên chú trọng kiểm tra nhắc nhở, ký cam kết với các chủ bến đò, bến khách ngang sông và các phương tiện giao thông trên các tuyến về công tác đảm bảo ATGT trong quá trình hoạt động, chở đúng tải trọng cho phép, ra - vào neo đậu đúng nơi đúng chỗ. Xử lý và hướng dẫn hoàn thiện thủ tục cho các chủ bến, bãi vật liệu ven sông không lấn chiếm hành lang an toàn và kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ. Cạnh đó, đoàn còn kiểm tra pháp lý các phương tiện trên các tuyến và tàu cao tốc vận chuyển hành khách, hàng hóa từ Hội An đi Cù Lao Chàm.
Tai nạn xảy ra bất kỳ lúc nào trước cảnh hành khách chen chúc nhau trên mỗi chuyến đò.Ảnh: K.KHIÊM |
Chủ bến đò Ông Đốc (xã Điện Hồng, Điện Bàn) - bà Lê Thị Thương cho hay, thực tế mỗi lần đến đây kiểm tra, các thành viên của tổ đã giải thích cho chủ đò và người lái sự cần thiết phải trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và các thiết bị an toàn khác của phương tiện theo quy định. Nỗ lực tuyên truyền và vận động mọi người cùng thực hiện việc mặc áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh khi đi đò. Đối tượng nào có nhu cầu, tổ sẵn sàng hướng dẫn thủ tục mở bến theo Thông tư số 25/2010/TT-BGTVT của Bộ GTVT và Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý hoạt động bến khách ngang sông, bến dân sinh trên địa bàn Quảng Nam cũng như các văn bản pháp luật khác có liên quan. “Mọi thắc mắc về thủ tục đăng ký, đăng kiểm phương tiện, học và thi lấy bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa đều được đoàn giải đáp kịp thời” - bà Thương nói.
Hiệu quả thấp
“Để từng bước xây dựng, phát triển phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, công tác kiểm tra liên ngành ĐTNĐ cần được duy trì thường xuyên. Bên cạnh kiểm tra, xử lý các vi phạm, cần phải kết hợp chặt chẽ hoạt động tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn pháp luật đến mọi thành phần, mọi đối tượng tham gia giao thông để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành các quy định về giao thông ĐTNĐ. Tăng cường hơn nữa việc phối hợp, kiểm tra của các cơ quan chức năng nhằm xử lý dứt điểm tình trạng phương tiện chở khách, chở quá số người quy định, chở quá tải, quá khổ tại các bến; phương tiện vận chuyển khách du lịch, vận chuyển hàng hóa, khai thác vận chuyển cát sỏi không đăng ký, đăng kiểm. Đồng thời ngăn chặn không cho các phương tiện hoạt động trên các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn, không đầy đủ các thủ tục quy định”. (Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh - ông Trương Văn Cận) |
Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - ông Trương Khuê đánh giá, mặc dù thường xuyên được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện pháp luật về trật tự ATGT, song ý thức chấp hành từ phía chủ bến thủy nội địa, bến khách ngang sông còn nhiều vấn đề tồn tại. Riêng năm 2013, tổ kiểm tra liên ngành làm việc với hơn 50 bến thủy nội địa, bến khách ngang sông (46 bến khách ngang sông và dọc sông) thì có đến 10 bến không có giấy phép hoạt động. Tiêu biểu như là bến thủy nội địa Cửa Đại (TP.Hội An); bến du lịch hồ Phú Ninh (Phú Ninh); bến Tam Sơn, Tam Hải (Núi Thành); bến Phú Đa, bến Dầu (Duy Xuyên); bến Trà Linh (Hiệp Đức); bến Hanh Đông và bến phà Nông Sơn (Nông Sơn). Bến Tam Quang (Núi Thành) có giấy phép nhưng không còn hiệu lực theo Luật Giao thông ĐTNĐ. Các doanh nghiệp kinh doanh cũng như chủ phương tiện đang hoạt động trong hồ Phú Ninh, hồ Khe Tân (Đại Lộc) chưa hoàn thiện hồ sơ thủ tục, chưa có bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
Thực trạng đáng báo động hiện nay chính là việc nhiều chủ bến thờ ơ đầu tư xây dựng nhà chờ, cầu tàu, đường dẫn lên xuống, lắp đặt báo hiệu ĐTNĐ, nội quy bến, bãi, niêm yết giá cước theo quy định. Phương tiện thì trốn tránh đăng ký, đăng kiểm; không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Các bến đò Bạch Đằng - Cẩm Kim (TP.Hội An), Thuận Tình (TP.Hội An) - Duy Hải (Duy Xuyên) hay tại một số hồ chứa nước, đò ngang vận tải khách thường xuyên vượt quá số người quy định, chở quá tải, quá khổ trong giờ cao điểm. Một số chủ đò không trang bị đủ áo phao, vật nổi cứu sinh nhưng chưa được xử lý ngăn chặn triệt để. Ông Trương Khuê thông tin thêm, Tổ kiểm tra liên ngành thực thi nhiệm vụ trên hơn 250 phương tiện các loại (83 phương tiện cao tốc hoạt động tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm) đã phát hiện 30 phương tiện thiếu thiết bị phòng cháy chữa cháy; dụng cụ nổi, áo phao cứu sinh không đầy đủ. Ngoài ra còn có hơn 20 trường hợp không làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện “nói không” với chứng chỉ chuyên môn hoặc bằng thuyền trưởng...
Theo thừa nhận của ngành, ban chức năng, không ít bến đò, bến khách ngang sông hiện nay hoạt động không có giấy phép. Nguyên nhân là do lượng khách qua lại không nhiều, hoạt động theo mùa vụ, thiếu kinh phí đầu tư xây dựng và nhất là thiếu sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương.
KHẢI KHIÊM