Là địa bàn giáp ranh, hạ tầng giao thông giữa Quảng Nam và Đà Nẵng kết nối liên hoàn. Vậy nay, “huyết mạch” nối liền của nền kinh tế giữa 2 địa phương có diện mạo ra sao trước khi hợp nhất?
Liên thông nhiều tuyến
Nằm khu vực ven biển phía bắc Quảng Nam, tuyến ĐT603B qua địa phận TP.Hội An và thị xã Điện Bàn kết nối liên thông với đường ven biển Trường Sa của TP.Đà Nẵng. Sự liên hoàn của tuyến đường ven biển qua 2 địa phương (thuộc đường ven biển Việt Nam) với đường Võ Chí Công kéo dài đến gần đường vào sân bay Chu Lai. Dịch chuyển về phía tây, ĐT607 thuộc địa phận Hội An, Điện Bàn có điểm đầu tuyến kết nối vào đường Trần Đại Nghĩa (Đà Nẵng) với quy mô 6 làn xe.
Hành trình từ Bắc vào Nam, Đà Nẵng và Quảng Nam không chỉ có chung đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh đi qua, mà có trục quốc lộ (QL) 1 chạy dọc xuyên suốt. Khu vực giáp ranh mà tuyến QL này kết nối giữa xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang và phường Điện Thắng Bắc, Điện Bàn đều được mở rộng có quy mô 3 làn xe mỗi bên.
Giao nhau với tuyến ĐT609 tại ngã 3 Cẩm Lý (xã Điện Hồng, Điện Bàn), tuyến ĐT605 của Quảng Nam vượt cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, băng đồi Bồ Bồ liên thông với trục đường qua trung tâm xã Hòa Tiến (Hòa Vang).
Một điểm đáng chú ý, nhiều tuyến đường mà 2 địa phương có chung tên gọi gồm cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, QL14B, QL14G. Đặc biệt, cầu Quảng Đà là biểu tượng nghĩa tình, đoàn kết, thủy chung, son sắt giữa hai anh em từng chung một nhà.
Sau khi thông xe kỹ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng, cây cầu này đang tiếp tục được xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng sẽ kết nối liên thông từ QL14B (địa phận xã Hòa Khương, Hòa Vang), vượt sông Yên nối vào dự án đường vành đai phía bắc Quảng Nam (các xã Điện Tiến, Điện Hòa, Điện Bàn)
Cần tiếp tục đầu tư
Đối với QL14B dài 74km, nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây 2; cung đường bắt đầu từ cảng Tiên Sa, vượt nút giao QL1 tại Hòa Cầm, lên các huyện Đại Lộc và Nam Giang (cuối tuyến giáp đường Hồ Chí Minh, tại thị trấn Thạnh Mỹ).
Hiện trạng qua Đà Nẵng, đoạn đầu tuyến lên đến nút giao với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (xã Hòa Nhơn, Hòa Vang) đã mở rộng quy mô 6 làn xe.
Đến ngày 25/11/2023, thành phố tiếp tục khởi công dự án nâng cấp, cải tạo mở rộng QL14B từ nút giao cao tốc đến xã Hòa Khương (điểm cuối lý trình km32+185,09), giáp ranh xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) có quy mô 6 làn xe.
Qua địa phận Quảng Nam, đoạn từ xã Đại Hiệp đến thị trấn Thạnh Mỹ dài 41,9km chỉ có 2 làn xe (nền đường rộng 9m). Hiện nay, lưu lượng phương tiện qua QL14B tăng rất nhanh; có cả xe tải từ Lào về qua QL14D, xuống QL14B. Tuyến QL14B có lưu lượng xe bình quân khoảng 4.813 xe ô tô/ngày đêm; trong đó xe tải nặng từ 3 trục trở lên chiếm 1.232 xe/ngày đêm.
Lưu lượng phương tiện như trên đã vượt quá khả năng chịu tải, QL14B xuất hiện tình trạng hư hỏng rạn nứt, lún cục bộ, đặc biệt là vệt bên trái tuyến. Quảng Nam đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương hỗ trợ kinh phí đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng QL14B. Vì vậy, sau khi hợp nhất, việc chuẩn bị dự án đầu tư cần được tiếp tục, xúc tiến nhanh.
Một tuyến giao thông rất quan trọng hiện đang kết nối giữa Quảng Nam và Đà Nẵng về phía tây bắc là QL14G. Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và đô thị huyện Đông Giang - ông Nguyễn Đức Huy cho biết, QL14G có chiều dài 66km kết nối huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) với huyện Đông Giang, trong đó đoạn qua Đông Giang dài 41km. Theo quy hoạch, QL14G có quy mô cấp đường cấp IV, 2 làn xe, mặt cắt ngang rộng 7,5m.
Đoạn qua địa phận Đà Nẵng đã được nâng cấp, mở rộng nhiều vị trí, lưu thông diễn ra thuận lợi góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong khi đó, hiện trạng mặt đường QL14G thuộc Quảng Nam chủ yếu chỉ rộng 4-5m.
Những năm qua, cử tri địa phương từng nhiều lần phản ánh tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của Đông Giang và cả Tây Giang. Do đó, cử tri kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan quan tâm đầu tư, nâng cấp tuyến huyết mạch này.
Trước thực trạng của QL14G, sau khi hợp nhất Quảng Nam và Đà Nẵng (dự kiến lấy tên là TP.Đà Nẵng), thành phố cần tiếp tục kiến nghị, nghiên cứu xúc tiến nguồn lực đầu tư mở rộng trục huyết mạch này.
Cung đường QL14G nếu mang một diện mạo mới tươi sáng sẽ góp phần đạt được mục tiêu mở rộng không gian phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, trước hết là để người dân địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội vươn lên giảm nghèo bền vững.