Chuyến đi đầu tiên này, thuyền cập cảng Phan Thiết. Từ đời ông bà cho tới nay, người Quảng Nam - Đà Nẵng đã vào Phan Thiết làm ăn. Vào cuối tháng 8 âm lịch, khi ngọn gió nồm vừa trở bấc, ngư dân Quảng Nam - Đà Nẵng lên thuyền, dựa hướng gió xuôi vào Phan Thiết đánh cá mòi.
Qua giới tuyến đón được gió bấc đầu mùa, thuyền chạy nhanh nhưng đến Bình Thuận cũng mất hơn tuần lễ. Thuyền cập bến, lẽ ra Võ Mai - Bí thư Chi bộ làm công việc trình giấy tờ tại cảng, nhưng Võ Mai đi lần đầu không rành công việc, nên Trần Cân công tác trong ngành lâu năm đi kèm.
Hai người vừa trình bày, bọn cảnh sát “nhìn mặt bắt hình dong”, không chịu đòi xem giấy tờ, cử ngay hai tên cùng xuống thuyền với ông Mai, ông Cân. Trong khi hai tên cảnh sát xuống thuyền, ông Trần Tấn Mới lại lên bờ liên hệ công việc.
Họ đếm trên thuyền chỉ có 4 người, kể cả ông Mai, ông Cân. Nếu khai báo thêm ông Mới thì vi phạm nội quy “chưa có phép nhập cảng, người không được lên bờ”. Hai tên cảnh sát không cấp giấy thông hành, nhưng đã biết chắc con số 4 người trên thuyền.
Sáng hôm sau, hai tên cảnh sát lại đến cùng lúc ông Mới trở về lại thuyền. Nhận thấy tín hiệu bất an, ông Mới dừng trên bờ quan sát. Khi hai cảnh sát rời đi, ông Mới bơi thúng cập thuyền. Không có danh sách trên thuyền, nhưng có giấy tờ tùy thân ông Mới vẫn sống trà trộn hợp pháp để chỉ huy hoạt động.
Chuyến đi đạt mục đích, thời tiết đã lập xuân, gió nồm bắt đầu thổi mạnh, thuyền nhổ neo chạy về miền Bắc. Khi ở cảng ông Mới có thể trà trộn, lẫn tránh trong đám đông ngư dân, khi ra khơi ông Mới không thể trốn thoát khi gặp địch truy xét giấy tờ. Ông Mới phải bắt xe đò về Quảng Nam, liên hệ manh mối đi bộ dọc Trường Sơn ra miền Bắc. Thuyền về tới Nghệ An, mấy tháng sau ông Mới cũng tới đất Bắc.
Học xong lớp vô tuyến, Hai Phu về B4 đóng vai ngư phủ cùng đồng hương lên thuyền vào Nam. Từ đầu năm 1963 đến cuối năm 1973 anh đã đi trót lọt 17 chuyến. Như thường lệ cuối tháng 8 âm lịch, các ông giương buồm nương gió bấc chạy vào, cuối tháng Giêng âm lịch dựa gió nồm chạy ra.
Những năm đầu đi bằng thuyền buồm, mỗi năm chỉ đi một chuyến, từ năm 1968, bắt đầu chạy thuyền máy, năm đi được vài ba chuyến, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ trên giao. Đi thuyền máy hay thuyền buồm phụ thuộc ở miền Nam, ngư dân hiện thời ra khơi bằng loại thuyền gì, mẫu thuyền phải giống để tránh bị lộ.
Nơi đến thường là Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang, ít khi cập cảng Đà Nẵng. Vào Đà Nẵng dễ gặp ngư dân cùng quê, lộ tông tích. Từ Bắc vào Nam các ông giả dạng ngư dân, từ Nam ra Bắc giả dạng thuyền buôn chở đầy nước mắm, dầu rái, lá đệm làm buồm, đó là những hải sản, thổ sản có sẵn ở các cảng Phan Thiết, Nha Trang.
Vào Nam ra Bắc cả chục năm trời, Đoàn Phu từng trải vô vàn chuyện hiểm nguy vì địch, vì sóng gió không thể nào nhớ hết. Có lần thuyền vừa chạy vào vùng biển Quảng Trị gặp tàu tuần tra của địch. Chúng cho tàu kẹp sát truy hỏi, ông Mới nhanh miệng: “Các ông có về Đà Nẵng không, ghe tui máy trục trặc, dắt dùm bọn tui, ham cá quá chạy miết ra ngoài ni, chừ máy trục trặc mà dầu còn nhiều, về tới nơi bọn tui sớt dầu bù cho các ông…”.
Sĩ quan người Đà Nẵng, nghe các ông nói rặt giọng Quảng, lại nghe sớt dầu liền hạ giọng, cho lính quăng dây dắt thuyền ông Mới cập cảng Đà Nẵng.
Năm 1973, 4 người đồng hương Tỉnh Thủy cùng về ngành giao thông tình báo trên biển thì 3 người đã quá tuổi 45, không đủ sức chống chọi với bão tố giữa biển khơi; ông Mới, ông Cân cũng đã xuống sức phải chuyển sang công tác ở đất liền, một mình Đoàn Phu trụ lại ở đơn vị B4. Hơn 10 năm trường trải sóng nước, Đoàn Phu đã trở thành lính già thay ông Mai giữ vị trí Bí thư Chi bộ B4.
Sau Hiệp định Paris ký kết, Đoàn Phu được lệnh đến Ô tàu Hải Dương đón chị Thuyên vào Nha Trang liên hệ với một người bà con đang nắm giữ chức vụ quan trọng của địch nhưng là cơ sở của ta.
Nếu công việc suôn sẻ, Đoàn Phu nằm lại hoạt động trong lòng địch. Anh Hai chỉ biết công việc của chị Thuyên liên quan đến số phận của anh trong thời gian tới là như vậy. Còn chị ấy đi đâu, liên hệ với người sĩ quan ngụy kia bằng con đường nào, anh hoàn toàn không biết.
Đến thị trấn sông Cầu, chị Thuyên bắt xe đò vào thành phố. Sau một tháng, chị đến làng chài Đại Lãnh báo người bà con đó gặp sự cố, không thể tiếp tục cộng tác cho ta, hai người lên thuyền trở về miền Bắc.
Liên tục cùng đồng đội chiến đấu đến ngày toàn thắng, tháng 5/1975 theo lệnh của Tổng cục Tình báo, Đoàn Phu là một trong những chiến sĩ tình báo đưa Đội thuyền B4 về bàn giao cho Quân khu 5 tại cảng Đà Nẵng.
Đến nay hầu hết những người cùng thời, cùng thuyền với Đoàn Phu năm xưa đã trở thành người thiên cổ. Ông Trần Tấn Mới được phong Anh hùng lực lượng vũ trang từ năm 1973, ông Trần Cân được phong Anh hùng lực lượng vũ trang cách đây mấy năm và đang ở Hội An.
Riêng Đoàn Phu, năm 1976 sau khi nước nhà thống nhất, ở tuổi bốn mươi mới lấy vợ và vẫn liên tục công tác trong ngành tình báo đến khi về hưu mang quân hàm đại tá. Và giờ đây ở tuổi 87, ông sống cùng vợ con cháu chắt trong một căn nhà giản dị tại TP.Đà Nẵng.
Ông đích thực là người con của biển, sống trên biển, chung thủy với biển, trọn đời phục vụ cho Đảng, cho dân trong thời chiến cũng như thời bình. Đoàn Phu - một chiến sĩ cách mạng thanh bạch, kiên trung. Anh là niềm tự hào của người dân làng biển Tỉnh Thủy quê tôi.