Khu vực châu Á đang gánh chịu nhiều tác động nghiêm trọng khi số lượng phương tiện giao thông tăng cao.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) thống kê, mỗi năm có 44 triệu người tại khu vực ở các vùng nông thôn di chuyển lên thành phố, tức có khoảng 120 nghìn người mỗi ngày. Đây là xu hướng tất yếu khi các vùng thành thị chiếm đến 80% trong tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, khi số dân gia tăng đông đúc là lúc các phương tiện giao thông phát triển mạnh, cứ mỗi 5 - 7 năm thì số lượng tăng gấp đôi.
ADB ước tính chỉ riêng tình trạng kẹt xe tại nhiều thành phố gây thiệt hại từ 2 - 5% GDP toàn khu vực vì tiêu tốn thời gian, giá cả đi lại cao. Song, nguy hiểm nhất là khói thải từ các động cơ tham gia giao thông như ô tô, xe máy đã đến mức báo động. ADB dẫn chứng, nếu như năm 2009, khói thải từ các loại phương tiện giao thông chiếm 23% tổng lượng khói thải toàn cầu, tỷ lệ này tiếp tục tăng 46% vào năm 2035. Con số này tiếp tục tăng, đạt đến mức 80% đến năm 2050, nếu khu vực và thế giới không ra tay hành động khẩn cấp để giảm khí thải, bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân mắc phải các căn bệnh liên quan đến môi trường như các căn bệnh về hô hấp gia tăng, kéo theo tỷ lệ tử vong ngày càng tăng, đồng thời làm mất 2 - 4 GDP tăng trưởng kinh tế của khu vực.
Giao thông đông đúc tại các đường phố của châu Á. Ảnh: ADB |
Điển hình là thành phố New Delhi của Ấn Độ, hiện có đến 16 triệu ô tô lưu thông hàng ngày tại thành phố. Theo xu hướng này thì đến năm 2020, số lượng ô tô tại đây sẽ tăng lên con số 30 triệu. Còn tại thủ đô Bắc Kinh, từ năm 2013, chính quyền dùng nhiều biện pháp để giảm khoảng 5 triệu ô tô cá nhân tham gia mỗi ngày khi mức độ ô nhiễm tại đây đạt kỷ lục và thuộc diện nghiêm trọng nhất thế giới. “Thật sự không hiểu tại sao nhiều người ngày càng ưa chuộng các loại phương tiên cá nhân trong các thành phố lớn vốn quá đông đúc như hiện nay, trong khi đây là vấn đề gây tổn hại cho môi trường là rất lớn, bên cạnh nhiều hệ lụy khác. Bởi vậy, thách thức lớn của khu vực là làm sao mọi người ý thức được hành động của mình, tham gia các phương tiện công cộng để giảm lượng khí thải” - Tyrrell Duncan, chuyên gia tư vấn lĩnh vực giao thông của ADB nói.
Hiện, nhiều thành phố lớn trên thế giới như tại Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, trong hoàn cảnh thuận lợi, nhiều người dân đã có thói quen sử dụng phương tiện đi lại bằng xe đạp thân thiện với môi trường. Do đó, theo ADB, người dân khu vực châu Á cần được khuyến khích sử dụng xe đạp đến công sở nếu quãng đường cho phép hay những người làm cùng công sở, cùng địa điểm nên được khuyến khích sử dụng các loại phương tiện chung hay phương tiện công cộng. Ngoài ra, các phát minh, ứng dụng thực tiễn các công nghệ tiết kiệm nhiên liệu hay sử dụng các nhiên liệu thân thiện môi trường càng được phát huy, đề cao và chú trọng.
Báo cáo trên đây của ADB được đưa ra cũng là lúc tổ chức bảo vệ sinh thái Global Footprint Network (Dấu chân sinh thái toàn cầu) khuyến cáo, ngày 13.8 vừa qua là ngày nhân loại sử dụng hết số lượng tài nguyên có khả năng tái tạo được của hành tinh trong một năm. Do vậy, kể từ ngày trên, chúng ta bắt đầu mắc nợ tài nguyên và sinh thái với thế hệ mai sau. Nhân loại đứng trước mệnh lệnh phải hành động khẩn cấp.
QUỐC HƯNG