Ách tắc mặt bằng, nhiều dự án chậm tiến độ

TRẦN NGUYỄN 05/03/2020 14:02

Nhiều dự án ở vùng đông của tỉnh không thể theo kịp tiến độ xây dựng do chậm giải phóng mặt bằng (GPMB), thiếu quỹ đất sạch bàn giao cho nhà đầu tư.

Tại vùng đông huyện Thăng Bình và Duy Xuyên, hàng loạt dự án chậm triển khai, hoặc chưa có quỹ đất sạch bàn giao cho nhà đầu tư. Theo UBND tỉnh, các dự án đang trục trặc về thời gian đầu tư chủ yếu do ách tắc mặt bằng. Thời điểm này, 5 dự án thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao của Công ty CP Tập đoàn BRG với tổng diện tích 369ha chưa thể xây dựng.

Ngoài ra, nhiều dự án khác “án binh bất động” vì vướng GPMB như dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC của Công ty CP Quốc tế Nam Hội An quy mô diện tích 174,7ha, đăng ký vốn 4.300 tỷ đồng; khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương của Công ty CP Đạt Phương 183,87ha; khu dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng Opal Ocean View của Công ty CP Dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh diện tích 185ha; khu nông nghiệp công nghệ cao đông Quảng Nam của Công ty CP Tập đoàn T&T quy mô 278ha và dự án thành phố giáo dục quốc tế Nam Hội An của Công ty CP Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng với mức vốn đầu tư  hơn 1.500 tỷ đồng, diện tích 14ha.

Hiện nay, Công ty CP Đầu tư phát triển Kỳ Hà - Chu Lai nhận nhiệm vụ bồi thường, GPMB các dự án tái định cư trên địa bàn huyện Thăng Bình và Duy Xuyên. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Bửu – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Kỳ Hà – Chu Lai, có thời điểm nhiều tháng liền trong năm 2019 không thể giải tỏa được do cơ quan thực hiện chi trả bồi thường và đối tượng thu hồi đất chưa thống nhất đơn giá bồi thường, áp dụng các quy định của pháp luật đất đai. “Riêng từ đầu năm đến nay, công ty không thể bồi thường, giải tỏa được một diện tích đất nào do chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020” - ông Bửu nói.

Vướng mắc thu hồi đất ở chỗ, khoảng thời gian từ thời điểm ban hành thông báo thu hồi đất đến khi có quyết định thu hồi đất đối với các trường hợp bị thu hồi đất ở là khá dài (180 ngày). Thực tế có phát sinh một số trường hợp kết hôn sau thời điểm thông báo thu hồi đất nhưng không được xem xét bố trí tái định cư theo quy định tại Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 5.9.2017 của UBND tỉnh. Một số địa phương thất lạc, hoặc không có bản đồ hồ sơ 299 nên khó xác nhận thu hồi đất.

Tại xã Bình Dương (Thăng Bình), những thửa đất ở trước ngày 18.12.1980 có diện tích lớn hơn hạn mức giao đất nhưng không có hồ sơ bản đồ 299 và chỉ được xác định diện tích đất ở là 300m2, dẫn đến không có cơ sở để thực hiện thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ. Lịch sử sử dụng đất ở vùng đông khá phức tạp; trong khi đó quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất trong địa phận Khu kinh tế mở Chu Lai lại chưa rõ ràng. Theo ngành chức năng, việc thu hồi đất đai trong Khu kinh tế mở Chu Lai nếu Nhà nước thực hiện thì sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, khi giao cho doanh nghiệp thu hồi thông qua thỏa thuận thì gặp khó khăn. Sở TN&MT cho biết, những bất cập, vướng mắc khi thực hiện pháp luật đất đai đã được UBND tỉnh có văn bản báo cáo lên Bộ TN&MT nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ách tắc mặt bằng, nhiều dự án chậm tiến độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO