Cấp phép khai thác vật liệu xây dựng thông thường: Chặt chẽ hơn trong quản lý

THÀNH CÔNG - TRUNG NAM 29/03/2022 05:55

“Chủ động khảo sát, bổ sung quy hoạch các điểm mỏ, tính toán nhu cầu dài hạn, hạn chế khai thác trên sông Vu Gia, Thu Bồn và đánh giá sát sao những tác động của việc khai thác” là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh liên quan đến việc cấp phép khai thác vật liệu xây dựng thông thường.

Toàn tỉnh hiện có 61 giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường. Ảnh: T.C
Toàn tỉnh hiện có 61 giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường. Ảnh: T.C

Nhận diện tồn tại

Thống kê từ Sở TN-MT, đến thời điểm 14.3.2022, có 61 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực phân bố ở 15 địa phương, nhiều nhất là ở Đại Lộc, Duy Xuyên (12 giấy phép), Núi Thành (9 giấy phép).

Ưu tiên đấu giá quyền khai thác

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo Sở TN-MT và các địa phương ưu tiên đấu giá quyền khai thác khoảng sản, minh bạch, công khai, đảm bảo đúng quy định pháp luật đối với việc cấp phép.

Phải bổ sung những nội dung ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm các đơn vị khai thác. Khu vực nào cho phép khai thác không qua đánh giá trữ lượng phục vụ nhu cầu cấp bách, cần nghiên cứu, xem xét phương án tối ưu, đảm bảo quy định pháp luật.

Không gia hạn các mỏ đã hết hạn mà triển khai đấu giá chọn nhà đầu tư khai thác, thu hồi giấy phép các đơn vị yếu năng lực.

Sở TN-MT và cơ quan thuế phối hợp cùng công an giám sát kỹ việc khai thác khoáng sản, kiểm soát, chuyển đổi cách thức quản lý đối với những nơi camera giám sát không phát huy tác dụng, tăng ký quỹ tài nguyên môi trường và xử lý nghiêm các đơn vị tái phạm trong khai thác khoáng sản.

Nhiều cuộc thanh, kiểm tra tình hình hoạt động của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, sai phạm.

Có thể điểm tên một số sai phạm phổ biến như: chưa cắm đầy đủ mốc, cắm mốc chưa chính xác so với tọa độ cấp phép; chưa lắp đặt trạm cân, camera hoặc camera chưa hoạt động ổn định liên tục; khai thác chưa đúng công nghệ, trình tự, hệ thống khai thác hoặc khai thác vượt ranh giới, công suất cấp phép…

Bên cạnh đó, công tác lập bản đồ hiện trạng của các doanh nghiệp chưa đảm bảo đầy đủ thông tin, số liệu theo quy định hoặc thông tin, số liệu chưa đúng thực tế; báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản chưa đầy đủ thông tin, nhiều trường hợp chưa lập báo cáo thống kê.

Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định liên quan đến nghĩa vụ kê khai, nộp thuế. Sau thanh tra, kiểm tra, nhiều trường hợp vi phạm bị xử phạt, cơ quan chức năng cũng đã hướng dẫn, yêu cầu, đôn đốc các doanh nghiệp khắc phục sai phạm.

Thượng tá Lê Nho Tâm - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh cho hay, đơn vị phát hiện có trường hợp một mỏ song nhiều người quản lý khai thác, giống như “bán cổ phần”, dẫn đến tình trạng khai thác vượt quá sản lượng cho phép. Một số nơi khai thác nhưng chưa đạt được sự đồng thuận của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.

Nhu cầu xây dựng ngày càng tăng cao, tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng trở thành nỗi lo chung của nhiều địa phương.

Ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành thông tin, địa phương đang có khá nhiều dự án, công trình xây dựng, nhu cầu đất san lấp rất lớn. Đề nghị Sở TN-MT đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu, đưa vào quy hoạch, rà soát để cấp phép cho các mỏ khai thác phục vụ nhu cầu của địa phương.

Đồng thời đề xuất tỉnh, các sở, ngành lập tổ kiểm tra, đánh giá độc lập, minh bạch kết quả giám sát, kiểm tra cho người dân, tạm dừng hoặc di dời những mỏ khai thác tác động tiêu cực đến dân sinh. Các địa phương như Điện Bàn, Duy Xuyên, Nam Giang cũng kiến nghị siết chặt việc cấp phép, quản lý song phải tính toán để đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển của từng khu vực.

Việc cấp phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Ảnh: một mỏ khai thác cát trên sông Vu Gia
Việc cấp phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Ảnh: Một mỏ khai thác cát trên sông Vu Gia

Tính toán kỹ lưỡng

Nguồn cát sỏi lòng sông chủ yếu tập trung ở Đại Lộc, Duy Xuyên và Điện Bàn, tuy nhiên số lượng giấy phép khai thác ở 3 địa phương này đã giảm đáng kể, chỉ 7 giấy phép còn hiệu lực - so với 34 giấy phép thời điểm đầu năm 2018, và sẽ có 4/7 giấy phép hết hiệu lực trong năm 2022.

Việc cấp mới giấy phép phải trải qua nhiều công đoạn, hồ sơ thủ tục với thời gian khoảng 18 tháng, dẫn đến nguy cơ thiếu nguồn vật liệu cát, sỏi phục vụ thi công công trình.

Trước yêu cầu đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ các công trình xây dựng cũng như hoạt động của các nhà máy sản xuất gạch tuynel đã đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị tất cả địa phương phải chủ động trong việc phối hợp các cơ quan chức năng, đơn vị tư vấn khảo sát, bổ sung quy hoạch các điểm mỏ, tính toán phân ra từng giai đoạn ngắn hạn, dài hạn.

“Đối với các mỏ khu vực sông Vu Gia, Thu Bồn, phải thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, hạn chế các điểm mỏ khai thác, nếu xem xét cấp phép thì phải đánh giá sát sao các tác động. Lựa chọn điểm mỏ, quy mô, tổ chức đấu thầu để chọn đơn vị khai thác, đồng thời phải lấy ý kiến, đạt được sự đồng thuận nhân dân. Kiên quyết tạm dừng cấp phép các địa điểm có nguy cơ làm sạt lở đất sản xuất của dân, ảnh hưởng đời sống dân sinh” - ông Thanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cấp phép khai thác vật liệu xây dựng thông thường: Chặt chẽ hơn trong quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO