Gần như việc khai thác các mỏ cát trên lòng sông Vu Gia, Thu Bồn đã tạm dừng. Giá cát tăng đột biến, nhưng không có hàng để mua. Tình trạng khan hiếm nguyên liệu xây dựng này chưa biết bao giờ được khắc phục.
Mỏ đóng, cát hụt
Không còn những chuyến xe ben, xe tải chở cát phủ bạt chạy cuốn bụi mù mịt, nước tràn mặt lộ qua các tuyến đường lớn phía bắc Quảng Nam. Suốt cung đường, từ cầu Mống, qua ĐT609, lên tận Hà Nha đến Đại Sơn, vòng về Nam Phước, thưa vắng xe vào các “kho cát” nhận hàng. Dân địa phương nói chính quyền siết chặt quản lý khai thác cát, xe đâu còn dịp “tung hoành”, rầm rập suốt từ sáng đến tối mịt.
Từ thượng nguồn 2 sông trở xuống, trên những bãi cát biến dạng, ăn dần ra giữa sông không còn như một đại công trường. Những đội tàu “không số” ken dày dưới chân cầu Hà Nha, Giao Thủy, Vĩnh Điện, Câu Lâu đã dạt trôi về nhiều hướng.
Giờ đây, trên các bến sông, giữa dòng hay các góc khuất của một vài con lạch nhỏ, vũng nước sâu ven sông, các tàu, thiết bị khai thác cát, như những đống sắt nằm ẩn mình trong sương nắng mọi ngày qua.
Hai bến thủy nội địa dưới chân cầu Giao Thủy, từng mệnh danh là tổng kho cát khổng lồ, cung cấp vật liệu xây dựng cho Quảng Nam, Đà Nẵng và cả Thừa Thiên Huế chỉ còn vài đụn cát nhỏ nhoi. Cơ sở cung cấp cát An Lộc Viên đóng cửa, không bóng người. Kế bên là Tân Phước Yên, có hai người đàn ông ngồi giữa căn lán nhỏ.
Ông Lương Tấn Tuấn (người Đại An) làm bảo vệ tại đây, nói bến này chỉ là nơi chứa cát khai thác từ các nơi đổ về. Ông không biết vì sao bến lại tạm dừng và khi nào hoạt động trở lại. Chỉ nhớ rõ là kể từ ngày 15 tháng Chạp âm lịch năm Nhâm Dần đã không còn cảnh nhộn nhịp xe cộ vào ra.
Lượng cát còn lại, dù xuất bán tại bến giá đã 1,2 triệu đồng mỗi xe 4m3, nhưng chủ không bán với khối lượng lớn, chỉ cho dân địa phương vận chuyển bằng xe bò một vài mét khối về sửa chữa nhà ở, công trình dân dụng.
Ông Tuấn nói một cách rành rọt rằng các mỏ cát trên Giảng Hòa (Đại Thắng), Đại Đồng hay mỏ Pha Lê (Hội Khách, Đại Sơn), Trường Lợi (Đại Hồng) thuộc địa bàn huyện Đại Lộc cũng đã đóng cửa, dừng hết. Tất cả các mỏ đều đã thu hẹp quy mô hoặc hết thời gian khai thác. Còn chính quyền không cấp mỏ mới và không gia hạn đối với các mỏ đã hết thời hạn khai thác.
Bến thủy dưới chân cầu Đen (cũ) trên sông Thu Bồn, không biết Công ty Phú Hương khai thác hay mua cát ở đâu về, loại cát màu xám đen, không vàng như thường thấy ở các mỏ cát hai sông.
Nhân viên không biết cụ thể, chỉ biết tuyển rửa, lọc, chuẩn bị cung cấp cho khách hàng đã đặt trước cả tuần qua. Các kho cát lớn ven quốc lộ 1 qua Điện Phương, nằm dọc sông Điện Bình vẫn còn nhiều nhưng không có xe vận chuyển, bên cạnh treo bảng “bán cát xe bò”!
Chờ đến bao giờ?
Không có số liệu thống kê lượng cát thiếu hụt cho xây dựng trên thị trường, nhưng hầu hết các bãi chứa bắc Quảng Nam đều than thở vì thiếu hàng, giá lại cao ngất ngưởng. Ra tết đến nay, bãi cát của ông Nguyễn Công Khanh (bên chân cầu Gò Nổi) không còn đủ cát. Một chiếc xe tải nhỏ trờ tới, kêu 2m3 cát hạt to. To nhỏ chi cũng một thứ, một giá. Vừa nói, ông Khanh vừa leo lên chiếc xe múc, múc đủ khối lượng cần cho người mua.
“Chín trăm nghìn đồng chưa đầy hai khối. Mấy xe cát mới mua từ Quảng Ngãi về. Mua tại bến đã 400 nghìn đồng/m3, thêm vận chuyển nữa phải bán 500 nghìn/m3. Không có nhiều cát để mua và giá bán cao quá cũng không có người mua, trừ khi họ quá cần” - ông Khanh nói.
Anh Trịnh Xuân Vũ (ở Nam Phước, Duy Xuyên) than phải bấm bụng mua cát với giá quá cao, có nguy cơ thiếu nợ dài, vì lỡ đã chọn ngày, lên kế hoạch dựng lại nhà ngay trong thời điểm “sốt” vật liệu xây dựng, khan hiếm cát.
Chưa thể xác định được có bao nhiêu dự án, công trình đầu tư công phải dừng vì khó tìm kiếm vật liệu xây dựng hoặc giá cao so với giá đã định của liên sở công bố khiến các nhà thầu phải trì hoãn. Khó khăn này kéo theo một loạt chuyện buồn cho những người làm thuê.
Ông Văn Công Cư ở đường Hoàng Diệu (Nam Phước) nói những người đến ông hỏi xem giúp ngày, giờ cất nhà, xây mộ cũng vắng dần. Đủ hiểu người ta không dám xây dựng cái gì lúc này bởi sợ chi phí đội lên.
Thiếu khách hàng xem ngày, nhưng bù lại, quán cà phê cờ tướng của vợ ông Cư đông khách bất ngờ từ cả tháng nay. Những tài xế chở vật liệu xây dựng vốn chỉ có chút ít thời gian chơi vài ván cờ, xen kẽ những chuyến xe thì nay lại ngồi quán cả ngày, đợi đến giờ đưa đón con đi học.
Lái xe Văn Phú Diện có một cửa hàng vật liệu xây dựng ở bên kia cầu Gò Nổi, nói: “Đứng, đứng hết, sắp đói tới nơi. Trước kia, mỗi ngày có thể kiếm được năm ba chuyến cát, vật liệu xây dựng. Chừ ít cát. Số còn lại đều là hàng dự trữ nên giá bị đẩy lên cao. Không ai muốn xây gì thì làm chi không nghỉ, không đưa xe... đi cất!”.
Xót hơn là những người sắm tàu khai thác, chở cát thuê cho các doanh nghiệp, họ không còn công việc. Hành trình qua các mỏ cát, bến bãi ven sông, không thiếu hình ảnh đám thanh niên ngồi trong quán rượu ven đường buổi trưa hay chiều tà. Suốt cuộc đời lớn lên bên sông, nhiều người chẳng có nghề gì ngoài đánh cá, đi câu... Ngày ngày, họ vẫn ngồi chờ và hy vọng ai đó sẽ cho phép các mỏ hoạt động trở lại.
Cô hàng nước mới mở dưới chân cầu Câu Lâu (cũ) chỉ vào con tàu, thiết bị khai thác, vận chuyển cát của gia đình bắt đầu bị rỉ sét, đậu bên bờ như một đống sắt vụn suốt một năm qua, nói buồn: “Cả năm không làm được gì nhưng phải trả tiền vay ngân hàng sắm tàu chở thuê. Tiền tỷ, tiền triệu có nguy cơ mất trắng. Cả đống đàn ông ngồi không, chẳng biết làm gì!”.
Các cuộc kiểm soát của cơ quan liên ngành đã xóa sổ nhiều bến bãi và ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi lòng sông trái phép, đã góp phần giảm thiểu nguy cơ sạt lở bờ sông. Chính quyền quyết định chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản lòng sông. Không gia hạn, cấp lại giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông Vu Gia, Thu Bồn ở Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn.
Các địa phương đang rà soát điểm mỏ cát sỏi có trong quy hoạch được phê duyệt, lựa chọn các điểm mỏ có quy mô diện tích đủ lớn, không ảnh hưởng đến bờ sông, công trình, đất đai, nhà ở. Có thể gộp các điểm mỏ nhỏ, gần nhau thành 1 mỏ có quy mô lớn để đề xuất tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản công khai, minh bạch...
Đó là điều cần thiết để lập lại trật tự việc khai thác khoáng sản tại địa phương. Nhưng điều cốt tử hơn là sau những cuộc rà soát này, cần nhanh chóng công bố những ai đủ điều kiện để có thể tiến hành khai thác.
Đóng mỏ, dừng khai thác kéo dài sẽ dẫn đến khan hiếm, giá cát ngày càng tăng cao. Sẽ gây gian nan thêm cho việc giải ngân vốn đầu tư khi dự án, công trình bị đình trệ. Có thể những ông chủ doanh nghiệp sẽ không hề hấn gì, nhưng nhiều lao động sống nương theo khoáng sản sẽ sống bằng gì, tìm việc gì trong buổi khó khăn này?