Chọn hướng cho đô thị

PHAN HOÀNG 21/06/2020 10:36

Tại Quảng Nam, giai đoạn 2015 - 2020, mạng lưới đô thị từng bước hình thành rõ nét. Giữa đô thị và nông thôn giữ được mối liên kết hỗ trợ nhau, đảm bảo cho sự phát triển chung. Từ đó, hình thành chuỗi đô thị ven biển giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gồm: đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), TP.Hội An, vệt du lịch cao cấp ven biển Hội An - Điện Ngọc, đô thị Nam Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai - Núi Thành.

Nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp được xây dựng ở vùng ven biển Quảng Nam (ảnh minh họa). Ảnh: PHAN HOÀNG
Nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp được xây dựng ở vùng ven biển Quảng Nam (ảnh minh họa). Ảnh: PHAN HOÀNG

Điều này lại cho thấy, cán cân đang có vẻ lệch về phía đông, đô thị phát triển chủ yếu tập trung tại vùng ven biển, vùng núi phía tây rộng lớn thì chưa hình thành chuỗi. Chúng ta không đòi hỏi sự cân bằng giữa hai miền, nhưng cần sự phát triển song song.

Nhận diện nguy cơ

Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, mô hình tập trung phát triển đô thị ven biển sẽ phát huy tối đa chiến lược phát triển kinh tế biển; kết nối các đô thị từ cửa biển đến cửa khẩu, từ hệ thống đô thị phía bắc tới phía nam của tỉnh và các tỉnh lân cận. Từ đó tạo nên khả năng liên kết đa chiều không chỉ trong toàn tỉnh mà còn với khu vực. Việc tập trung quá cao vào vùng ven biển, sẽ hạn chế trong việc liên kết giữa các không gian phát triển kinh tế, nhất là với khu vực biên giới, gây áp lực lớn trong bảo vệ môi trường biển và ven biển. Với những vấn đề đặt ra này, để giãn mật độ xây dựng dày đặc tại vùng ven biển, cần phát triển mở rộng và xây dựng mới các đô thị vừa và nhỏ tại vùng miền núi, trung du, gò đồi và vùng giáp biên giới.

Nguy cơ tiềm ẩn cho các đô thị ven biển đó là việc quy hoạch chia lô làm hạn chế các không gian giao lưu cộng đồng, xây đường giao thông sát ven biển dẫn đến nguy cơ ngập lụt cao, phá vỡ các khu vực cây xanh phòng hộ. Nhận diện những nguy cơ đó, để không đi vào vết xe đổ của Khánh Hòa, Đà Nẵng, khi cho phát triển ồ ạt resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp dẫn đến bịt đường dân sinh ra biển.

Quảng Nam là một trong số ít các tỉnh Trung Bộ sớm lập đầy đủ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh để kiểm soát phát triển hệ thống đô thị của tỉnh. Tuy nhiên, theo nhận định của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thì tính ổn định trong phát triển theo quy hoạch xây dựng chưa cao. Quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị chưa đáp ứng yêu cầu. Việc đầu tư xây dựng chỉnh trang phát triển chưa theo đúng quy hoạch được duyệt. Sự mở rộng các đô thị, nạn phá rừng đầu nguồn, xây dựng các cơ sở hạ tầng dày đặc trong đó có các công trình thủy điện nhỏ đã góp phần làm tăng ngập úng tại các đô thị của Quảng Nam. Đô thị Hội An và Vĩnh Điện đang bị ảnh hưởng dưới tác động tổng hợp của lũ và triều cường; một phần đô thị Tam Kỳ, Núi Thành và Tam Hòa ở khu vực ven biển phía nam cũng đang bị tác động bởi nước biển dâng và xâm nhập mặn là minh chứng.

Một nguyên tắc cơ bản phải được tuân thủ là không quy hoạch mới hay mở rộng đô thị vào các khu vực có nguy cơ ngập úng. Nhưng trên thực tế, nhiều khu đô thị mới mọc lên đã không tuân thủ nguyên tắc này. Những nguy cơ trên đã được nhận diện, nhưng quan trọng hơn là cách đẩy lùi và triệt tiêu nó, cần phải được chính quyền thực thi mạnh mẽ.

Chậm, để lựa chọn

Với 31% dân số sống ở đô thị và 69% dân số sống ở nông thôn, tỷ lệ đô thị hóa của Quảng Nam hiện thấp hơn tỷ lệ đô thị hóa trung bình cả nước là 38,4%. Chính quyền tỉnh nhận định, động lực phát triển đô thị của Quảng Nam còn nhiều hạn chế và chưa có tính đột phá phát triển mạnh.

Tuy nhiên, đô thị hóa chậm nhưng biết đâu đó lại là điều tốt cho Quảng Nam. Bởi hiệu ứng đảo nhiệt đô thị chưa quá mức trầm trọng và cư dân ở phố tỉnh lẻ chưa đến mức phải sống trong bầu không khí ngột ngạt vì ô nhiễm môi trường và nhiều thứ khác. Hơn nữa, đi chậm, đi sau sẽ rút kinh nghiệm từ quá trình đô thị hóa của các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội hay gần nhất là người anh em Đà Nẵng. Nhìn vào đó để phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, trước hết là vấn đề đường đô thị, sao cho không bị rơi vào vòng xoáy của nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, để rồi sau đó lại đổ không biết bao nhiêu tiền của vào việc cải tạo, rồi cải tạo nữa, cải tạo mãi.

PGS-TS. Hoàng Vĩnh Hưng (Cục phát triển đô thị - Bộ Xây dựng) đánh giá rằng, so với các tỉnh trong vùng, Quảng Nam có hệ thống đô thị với số lượng không lớn nhưng cơ cấu loại đô thị tương đối hợp lý, rõ nét vai trò chức năng, trình độ phát triển xã hội, phát triển đô thị. Hệ thống đô thị tỉnh Quảng Nam hỗ trợ cho các khu kinh tế, khu công nghiệp để có thể phát triển hài hòa. Đây là những điểm cộng. Tuy nhiên, giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030, Quảng Nam phấn đấu tăng nhanh tỷ lệ đô thị hóa cùng với nâng cao chất lượng các đô thị hiện có, định hướng mở rộng không gian phát triển đô thị ở những nơi có điều kiện. Đồng thời phát triển theo hướng đô thị thông minh. Để đạt mục tiêu này, xét trên tổng quan hiện tại thì không hề dễ chút nào.

Đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Vì số phận của một đô thị gắn liền với đường sá và phương tiện giao thông, nên cố GS. Trần Quốc Vượng từng viết, “phần cốt lõi của một đô thị cổ Việt Nam bao giờ cũng nằm gọn trong một tứ giác nước và do vậy bốn góc (rồi nhiều góc) mà ta gọi là cửa ô thành phố đều là những ngã ba sông”. Đấy là những đô thị xưa, khi giao thông của ta chỉ mạnh về đường thủy. Nhưng hẳn, đây cũng là điều nên tham chiếu khi xây dựng các đô thị ngày nay; không nên vì giao thông đa dạng mà bỏ qua, bởi giao thông đường thủy luôn có thế mạnh để phát triển đô thị ven biển như định hướng trong tầm nhìn dài hạn.

Chọn vùng,  không dàn trải

Nhìn lại việc đưa ra lựa chọn trong phân vùng phát triển vùng đông và vùng tây của tỉnh để bố trí các đô thị, điểm dân cư nông thôn phù hợp, dường như chúng ta vẫn chạy theo số lượng, dàn trải, phân tán… Chúng ta vẫn đi theo cả hai hướng. Một là việc phân vùng được thực hiện theo chiều dọc và dựa vào tiềm năng nổi trội của mỗi vùng. Tuy nhiên mối liên kết hay sự hỗ trợ của mỗi vùng cho nhau lại bị hạn chế vì cơ chế quản lý, điều hành chưa phát huy hoặc kém hiệu lực. Một cách nữa là phát triển theo chiều ngang thành 3 phân vùng/hành lang chính (bắc, trung, nam Quảng Nam). Với cách phân vùng này thì cả 3 vùng đều có lợi thế hoặc bất lợi tương đối đồng đều (đều có biển, rừng, có đô thị động lực).

Theo TS-KTS. Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, quy hoạch phân bố hệ thống đô thị phù hợp sẽ tạo cho mỗi vùng những cơ hội phát triển năng động hơn, làm cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế tổng lực hiệu quả cho mỗi phân vùng. Sự liên kết, hỗ trợ phát triển của vùng tây và vùng đông là không thể khác trong tiến trình phát triển Quảng Nam. Tuy nhiên, mối liên kết này không thể nói chung chung mà cần phải được xác lập một cách hợp lý trên cơ sở các nghiên cứu chi tiết để đề ra các phân công cụ thể và cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị hành chính của hai vùng.

Gợi ý đó của TS-KTS. Trương Văn Quảng khiến chúng tôi nghĩ lại cách lựa chọn phát triển vùng. Xem ra, cách chọn chiều ngang có vẻ hợp lý nhưng nếu soi rọi kỹ lưỡng thì cách chọn chiều dọc lý tưởng hơn vì sẽ chậm mà chắc với vùng tây, nhanh mà bền vững với vùng đông. Bởi vùng đông sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn vùng tây nhờ vào lợi thế tiềm năng biển, còn phía tây kém phát triển hơn do ở vùng sâu vùng xa nhưng có tiềm năng về tài nguyên rừng.

Không dàn trải, sẽ giúp chúng ta không tiếp tục rơi vào hạn chế như giai đoạn vừa qua. Chọn 3 nhiệm vụ đột phá nhưng đều không đạt mục tiêu đề ra mà một trong số đó là hệ thống giao thông kết nối giữa đồng bằng và miền núi chưa theo kịp phát triển kinh tế và du lịch của khu vực miền núi. Thiết kế, xây dựng đường đô thị gắn liền với quá trình đô thị hóa, nhưng tốc độ phát triển đường đô thị thường chậm hơn tốc độ đô thị hóa. Miền núi có cách đi riêng của miền núi. Đồng bằng cũng vậy. Đừng bao giờ huyễn hoặc bắt miền núi tiến kịp đồng bằng. Mỗi nơi có mỗi bản sắc cần gìn giữ, trong văn hóa đã vậy, trong kinh tế càng như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chọn hướng cho đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO