Chọn lối cho tương lai với giao thông, đô thị

QUỐC TUẤN 24/12/2021 05:44

Giao thông và đô thị là nền tảng để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Sắp xếp, quy hoạch lại không gian để phát huy nội lực Quảng Nam trong giai đoạn 10 năm tới lẫn tầm nhìn về dài lâu là yêu cầu bức thiết đặt ra lúc này.

Vùng Đông Quảng Nam được dự báo sẽ phát triển rất sôi động trong giai đoạn tới. Ảnh: Q.T
Vùng Đông Quảng Nam được dự báo sẽ phát triển rất sôi động trong giai đoạn tới. Ảnh: Q.T

Những lợi thế đặc thù

Quảng Nam hội tụ đầy đủ 5 phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy và đường biển.

Theo ông Nguyễn Xuân Trọng - công tác tại Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải), hiện nay 4 loại hình quy hoạch giao thông đã được phê duyệt, còn quy hoạch về hàng không đang trình chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong các loại hình trên, Quảng Nam đặc biệt có thế mạnh phát triển logistics về cảng biển và hàng không nên địa phương cần đầu tư mạnh hơn nữa trong giai đoạn tới, bởi đường bay, năng lực khai thác của sân bay Chu Lai cũng như hệ thống cảng hiên nay còn khá hạn chế.

Ngày 23.12, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì buổi làm việc trực tuyến với liên danh các đơn vị tư vấn để nghe báo cáo nội dung lập quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc lĩnh vực giao thông và đô thị. Thông tin tại buổi làm việc, tổng chiều dài đường bộ Quảng Nam hiện hơn 10.772km gồm cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị và mạng lưới đường giao thông nông thôn. Tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh hiện đạt 26,3% với 15 đô thị, trong đó 1 đô thị loại 2, 1 đô thị loại 3, 1 đô thị loại 4, 9 đô thị loại 5 và 3 trung tâm huyện lỵ.

Đại diện Sở Giao thông vận tải cho hay, hiện nay hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh đã định hình rõ nét nên tỉnh và đơn vị tư vấn quy hoạch cần nghiên cứu về quy hoạch cảng cạn để thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa từ cửa khẩu tỏa đi các nơi.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cũng nhận định: “Ở khu vực Bắc Trung Bộ hiện phát triển hệ thống cảng cạn rất tốt. Cảng cạn là mắc xích quan trọng trong vận tải đa phương thức, tránh thủ tục rườm rà trong việc thông quan hàng hóa tạo thuận lợi lớn cho hàng hóa từ cửa khẩu phía tây xuất đi Đà Nẵng, Tam Hiệp, Dung Quất, Cát Lái nên rất cần quy hoạch cho tương lai”.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, trục giao thông đông tây của Quảng Nam hiện vừa thiếu, vừa yếu nên cần phải quan tâm lớn trong giai đoạn tới.

Chính điểm yếu này tạo ra điểm nghẽn giao thông, không khai thác được tiềm năng rất lớn của vùng núi phía tây. Ở vùng đông, việc quy hoạch phải tính đến các loại hình giao thông xanh, giao thông thông minh bởi kịch bản khu vực này trở thành nơi sôi động nhất của miền Trung trong tương lai hoàn toàn khả thi.

“Tỉnh luôn khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào sân bay Chu Lai để biến nơi đây thành trung tâm dịch vụ hàng không tầm cỡ khu vực. Ngoài ra, hệ thống cảng Chu Lai cũng sẽ được quan tâm đặc biệt để kéo chi phí logistics xuống xấp xỉ với các trung tâm logistics hàng đầu Việt Nam hiện nay” - ông Lê Trí Thanh nói.

Một góc đô thị Tam Kỳ nhìn từ trên cao. Ảnh: Q.T
Một góc đô thị Tam Kỳ nhìn từ trên cao. Ảnh: Q.T

Đô thị thích ứng, tránh chống chọi

Tỷ lệ đô thị hóa của Quảng Nam hiện thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia từ liên danh đơn vị tư vấn lập quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì điều này có nguyên do từ không gian của Quảng Nam quá lớn nên còn dư địa rộng mở để phát triển mạng lưới đô thị bền vững.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, tỷ lệ đô thị hóa của Quảng Nam hiện gần 27% nhưng nếu xét kỹ thì khu vực lõi đô thị thực sự chỉ khoảng 10%. Đây là thách thức nhưng cũng là thời cơ lớn để Quảng Nam định hình, tổ chức không gian đô thị theo tư duy mới.

“Quảng Nam có địa hình đa dạng với biển, sông, núi, đảo… nhưng cũng đối mặt với gần như đầy đủ các loại hình thiên tai nên việc phát triển đô thị phải chú trọng vào việc thích ứng chứ không chống chọi”.

Dựa vào đặc điểm tự nhiên, xã hội của địa phương, Quảng Nam sẽ bảo tồn, phát huy hệ thống đô thị di sản ở Hội An, hình thành mới trong tương lai ở tây Duy Xuyên, tây Thăng Bình. Phát triển đô thị du lịch dọc ven biển, đô thị công nghiệp ở phía nam.

Ở vùng tây, chỉ phát triển mạnh đô thị Khâm Đức, còn lại mạng lưới đô thị vùng cao sẽ được quy hoạch ở quy mô vừa phải, phân tán giảm thiểu tác động tự nhiên, phù hợp với đặc thù khu vực này.

Ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, chức năng đô thị của hầu hết đô thị trên địa bàn tỉnh hiện chưa định hình rõ nét ngoại trừ Hội An. Đến thời điểm này, các mô hình kinh tế, các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh đã định hình khá rõ nên các đô thị đó nên gắn mô hình vừa nêu để tạo ra chức năng đặc trưng của đô thị thay vì phần lớn hình thành từ đô thị hành chính hiện tại.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chọn lối cho tương lai với giao thông, đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO