Cơ hội phát triển ven sông Cổ Cò

HỮU PHÚC (lược ghi) 17/01/2021 06:47

Đâu là cơ hội cho các nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, bất động sản (BĐS) và du lịch ven sông, ven biển? Quảng Nam và Đà Nẵng kỳ vọng gì khi liên kết phát triển không gian vùng và những thách thức nào cần tháo gỡ khi khơi thông sông Cổ Cò?... Những câu hỏi trên được đặt ra tại hội thảo “Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam - Đà Nẵng”, do Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng tổ chức cuối tuần qua. Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia, nhà đầu tư được Báo Quảng Nam ghi lại.

Sông Cổ Cò - Đế Võng.Ảnh: QUỐC TUẤN
Sông Cổ Cò - Đế Võng.Ảnh: QUỐC TUẤN

GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường: Tăng thêm từ giá trị đất đai

 

Từ khi Đà Nẵng phát triển mạnh, các nhà đầu tư đã quan tâm đến dải đất dọc bờ biển đẹp nối dài giữa Đà Nẵng và Hội An, nối giữa một thành phố hiện đại và một thành phố cổ. Thành phố hiện đại dựa vào sông Hàn và thành phố cổ dựa vào sông Thu Bồn. Rất nhiều dự án đã được giao đất để phát triển BĐS nhà ở và BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Tại phía bắc của vùng đất này, một nhánh sông Hàn là sông Cổ Cò chạy dọc song song với bờ biển được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Một dự án đầy tham vọng trở thành khu vui chơi của thế giới là dự án Cocobay của Công ty Thành Đô, lấy tên Cổ Cò để đặt tên cho dự án. Ở đây, chúng ta cần bàn kỹ hai vấn đề: quy hoạch, kiến trúc cảnh quan và thu xếp nguồn lực đầu tư. Vấn đề quy hoạch và kiến trúc cảnh quan là điều kiện cần xem xét trước, vì giá trị đất đai tăng thêm cao hay thấp là do yếu tố này tạo ra. Để giải quyết việc này, chúng ta cần đến sự đóng góp của các nhà quy hoạch và các kiến trúc sư giỏi. Một cách thức thường áp dụng là mở cuộc thi về phương án quy hoạch và kiến trúc cảnh quan. Từ đó có thể lựa chọn phương án phù hợp nhất.

Vấn đề phức tạp và khó khăn hơn là tạo nguồn lực tài chính. Tất nhiên, dự án cần một lượng nhất định ngân sách Nhà nước để chuẩn bị đầu tư và khởi động dự án. Lượng ngân sách này, sẽ bù đắp lại bằng giá trị đất đai tăng thêm thu được sau khi dự án hoàn thành. Quảng Nam và Đà Nẵng có thể mở đợt vận động đóng góp từ các dự án đã được triển khai, từ những người đang sử dụng đất vì giá trị đất đai sẽ được tăng thêm trong tương lai do dự án mang lại. Nhìn lại toàn bộ, dự án khơi thông sông Cổ Cò cần được quan tâm như một đầu tư trọng điểm của cả Đà Nẵng và Quảng Nam. Một con sông được khôi phục sẽ tạo giá trị đất đai tăng thêm rất cao và tạo giá trị gia tăng do du lịch. Mặt khác dự án cũng tạo được tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc bộ phận R&D Công ty DKRA Vietnam: Xoay chuyển thị trường Bất động sản

 

Thị trường BĐS tại Quảng Nam còn tương đối sơ khai, chưa đa dạng loại hình sản phẩm, đất nền phân lô vẫn là phân khúc chủ đạo. Giá bán thứ cấp hiện nay có giảm so với năm 2019 nhưng mức giảm chỉ dao động từ 5 - 13%. Quảng Nam ghi nhận các dự án nhà phố, biệt thự được phát triển tương đối muộn, nguồn cung tập trung vào giai đoạn 2018 - 2019. Điểm sáng quan sát được là biệt thự xung quanh khu vực lân cận TP.Hội An ghi nhận tốc độ hồi phục nhanh chóng sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát; thanh khoản thị trường giảm mạnh. Về phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, tôi nhận định rằng sức cầu thị trường ở mức rất thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tác động tiêu cực từ việc vỡ cam kết lợi nhuận ở một số dự án trong thời gian trước đó. Thị trường BĐS nghỉ dưỡng gần như “ngủ đông” thời gian vừa qua. Các giao địch hiện nay chủ yếu tập trung ở những dự án mới mở bán.

Sông Cổ Cò khi được khơi thông sẽ kết nối TP.Đà Nẵng và TP.Hội An bằng đường thủy nội địa bên cạnh đường bộ. Đây là dòng sông có sự kết nối các khu dân cư hiện hữu, các dự án đã, đang và sẽ hình thành tạo nên vùng đệm giữa 2 địa phương. Giá trị BĐS chắc chắn sẽ tăng cao vì có lợi thế cả sông và biển. Một triển vọng khác là tầm nhìn quy hoạch, định hướng phát triển tương lai. Đó là, Đà Nẵng phát triển mạnh và mở rộng về hướng đông - nam, kết nối với các dự án phía nam Đà Nẵng và gần Ngũ Hành Sơn, trong đó các đô thị ven sông Cổ Cò được quy hoạch với nhiều loại hình du lịch, tạo nên quần thể du lịch đa dạng.

Phối cảnh một dự án ven sông Cổ Cò. Ảnh: K.T
Phối cảnh một dự án ven sông Cổ Cò. Ảnh: K.T

Nghị quyết 43 của Trung ương về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hình thành vùng đô thị Đà Nẵng, bao gồm Chân Mây (Lăng Cô - Huế) - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Nam Hội An. Trong khi đó, định hướng của Quảng Nam là xây dựng thị xã Điện Bàn trở thành đô thị trung tâm động lực phía bắc của tỉnh. Hình thành trục đô thị - du lịch ven sông Cổ Cò, phát triển mạnh chuỗi du lịch - dịch vụ cao cấp ven biển từ Thăng Bình đến Núi Thành, dọc theo sông Trường Giang và tuyến Võ Chí Công. Xu hướng hiện nay là chỗ nào có bờ sông, bờ biển thì BĐS cũng hình thành dự án theo đó. Câu chuyện đặt ra ở đây là chính quyền cần xem xét rà soát quy hoạch những khu dự án có vị trí đẹp sau khi cải tạo, mở rộng đường sá, sông… có thể đấu giá để tái đầu tư cơ sở hạ tầng. Cho nên, quy hoạch phải đồng bộ, tránh tình trạng manh mún, cát cứ mỗi công ty một dự án bám sát 2 bên sông, dự án nào cũng có phân lô bán nền, xây nhà thương mại sẵn mà thiếu bản sắc. Thêm vào đó, quy hoạch khoảng đệm là cảnh quan thiên nhiên, khu công viên rộng lớn, góp phần tạo “lá phổi xanh” cho thành phố.

Ông Lê Minh Phúc - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Khu du lịch biển VinaCapitai Đà Nẵng: Cơ hội đầu tư nghiên cứu công nghệ cao

 

Khi sông Cổ Cò khơi thông, mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch đường sông kết nối Đà Nẵng với Hội An và ngược lại. Trên sông có thể tạo ra tour du lịch sinh thái mới, kéo dài thêm ít nhất một ngày đêm đối với du khách đến Đà Nẵng - Quảng Nam. Dòng sông được nạo vét sẽ thúc đẩy tính khả thi của khu đô thị mới, các dự án BĐS mới phát triển nhanh hơn, hút gia tăng dân số cơ học để cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ cho phát triển các dự án du lịch khu vực sông Cổ Cò và biển từ nam Đà Nẵng đến Hội An. Đây cũng là cơ hội để đầu tư kết cấu hạ tầng của khu đô thị mới.

Về lâu dài, chúng tôi đề xuất chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng sớm khớp nối quy hoạch tổng thể chung, bao gồm cả khu vực 28km sông Cổ Cò để tạo thành chỉnh thể không gian đồng bộ và thuận lợi phát triển. Kiến nghị chính quyền 2 địa phương và các chủ dự án nghiên cứu, sửa đổi bổ sung và thu hút các dự án phù hợp thân thiện với môi trường. Trong đó, ưu tiên đầu tư các trường đại học, cao đẳng, trung tâm công nghệ cao, không gian tích hợp đổi mới sáng tạo, các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thu hút sự đầu tư của các trường đại học quốc tế đã có ở Việt Nam chẳng hạn như RMIT, Fulbright, VinUni, các trường công nghệ cao của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc hay trường chuyên y - dược phẩm của Mỹ. Bên cạnh đó, tập trung xúc tiến và thu hút các dự án chuyển đổi số, công nghệ cao thân thiện môi trường, tận dụng các lợi thế chi phí đầu vào cạnh tranh, nguồn nhân lực các giáo sư, nhà khoa học, nguồn nhân lực tài năng đào tạo tại chỗ, kích hoạt sự sáng tạo và dấn thân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Về lâu dài, cần nghiên cứu sâu thêm quy hoạch kết nối của thành phố giáo dục Boston (Mỹ). Tạo ra đô thị mới sầm uất trong tương lai nhờ các dự án phù hợp như trên thúc đẩy di dân cơ học, kết hợp với thu hút khách du lịch và tạo công ăn việc làm tại chỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội phát triển ven sông Cổ Cò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO