Đảm bảo an toàn giao thông: Chú trọng hiệu quả xử lý vi phạm

CÔNG TÚ 08/09/2022 09:10

Song song với đẩy mạnh tuyên truyền cần nâng cao hiệu quả tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm để công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông mang tính bền vững.

Cần áp dụng thiết bị hiện đại trong tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Ảnh: C.T
Cần áp dụng thiết bị hiện đại trong tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Ảnh: C.T

Lắm kiểu đối phó

Kể về hoạt động của Tổ liên ngành cấp tỉnh ra quân tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý hành vi chở quá tải trọng, quá kích thước thành, thùng xe, điều “ấn tượng” nhất đối với ông Lê Ngọc Sơn - Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh là sự xuất hiện của hàng chục xe “chim lợn”.

Mỗi lần lực lượng chức năng xuất phát, những đối tượng này cử người chạy trước như “mở đường”, kẻ bám phía sau “khóa đuôi” chẳng khác gì cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ dẫn đường. Họ hành động như vậy để nắm sát tình hình tổ liên ngành rồi lập tức báo cho cánh tài xế xe tải ngưng hoạt động, hoặc tấp vào một địa điểm nào đó trốn tránh.

Tác nghiệp cùng Đội Thanh tra giao thông số 1 (Thanh tra Sở GTVT), PV Báo Quảng Nam chứng kiến cảnh một tài xế sau khi bị “tuýt còi” do hàng hóa chất “có ngọn” liền lập tức nhảy xuống, đóng cửa xe bỏ đi không xuất trình giấy tờ.

Các tuyến đường trọng điểm, mật độ xe tải lưu thông thưa thớt bất thường. Nhìn vào các bãi đất trống hay sân của các cây xăng dầu, ô tô chở vật liệu cát, sạn, đất hay xi măng đậu đỗ rất nhiều. Một thanh tra viên chia sẻ: “Đó là do họ phát hiện hoạt động tuần tra kiểm soát của đội nên đã dừng hoạt động”.

Đang TTKS, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Nam Giang phát hiện một người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm đang lao vút, ngay lập tức tiếng còi vang lên yêu cầu dừng lại.

Thay vì tuân thủ hiệu lệnh, người này bất thình lình chuyển hướng, quay đầu xe tháo chạy. Trên quốc lộ 1, chúng tôi từng chứng kiến cảnh người điều khiển xe máy đi ngược chiều ngay trên đường đôi, khi họ phát hiện cảnh sát giao thông phía trước mặt họ lao thẳng tới rồi bỏ chạy mặc dù người thực thi công vụ đã giơ gậy, thổi còi.

Ảnh: C.T
Ảnh: C.T

Ở tuyến đường thủy nội địa, chuyện đối tượng hút cát trộm nhảy sông bơi trốn, thậm chí còn dùng vật cứng chống đối lực lượng chức năng, gây thương tích đã từng xảy ra.

Hay ven đường sắt Bắc - Nam, đơn vị quản lý phối hợp cùng địa phương đang lập rào chắn, không cho phương tiện qua lại lối đi tự mở thì bị người dân kéo ra gây áp lực. Thậm chí, ban đêm họ lén lút ra tháo dỡ, mặc cho tính mạng có bị đe dọa mỗi lần băng qua đường sắt trên lối đi tự mở.

Nâng cao hiệu quả xử lý

Thời gian qua, áp dụng chế tài để xử lý vi phạm an toàn giao thông (ATGT) là một trong những giải pháp chính góp phần kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông.

“Hai ngành công an và giao thông vận tải triển khai quyết liệt hoạt động TTKS, xử lý vi phạm, tuy nhiên do lực lượng còn mỏng nên một số hành vi chưa được phát hiện và xử lý triệt để, nhất là các tuyến đường liên xã, địa bàn nông thôn.

Phương tiện, thiết bị nghiệp vụ trang bị cho lực lượng trực tiếp làm công tác bảo đảm ATGT tại địa phương thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu” - ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh nêu thực trạng.

UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, Sở GD-ĐT thường xuyên có văn bản chỉ đạo ngành chức năng ở địa phương, cơ sở giáo dục yêu cầu học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm pháp luật trật tự ATGT. Song thực tế, học sinh đủ 6 tuổi được chở đi học bằng xe máy không đội mũ bảo hiểm xuất hiện tràn lan. Học sinh không đội mũ bảo hiểm vẫn điều khiển xe điện, xe đạp điện vào trong sân trường rất nhiều, nhưng không bị nhà trường xử lý.

Thêm nguyên nhân khác, sự phối hợp thiếu chặt chẽ, nhịp nhàng trong quá trình thực thi công vụ giữa ngành chức năng cấp tỉnh với cấp huyện cũng khiến cho hiệu quả TTKS chưa cao.

Đơn cử, cảnh sát giao thông cấp tỉnh có thẩm quyền xử lý trên quốc lộ, cấp huyện thực hiện trên tỉnh lộ. Phát hiện xe chở cát có dấu hiệu vi phạm đang chạy trên tỉnh lộ, tổ tuần tra cấp huyện lập tức truy đuổi, nhưng tài xế ngay lập tức lái phương tiện lưu thông ra quốc lộ.

Như vậy, thẩm quyền xử lý ngoài tầm với của cảnh sát giao thông cấp huyện. Thay vì thông tin để cảnh sát giao thông cấp tỉnh nắm bắt và có hướng xử lý, tổ tuần tra lại không thực hiện, vì cho rằng không thuộc chức trách của mình.

Hiệu quả xử lý vi phạm chưa cao còn do mức xử phạt chưa kịch trần, không đủ mức răn đe dẫn tới tình trạng “nhờn luật”. Chưa kể, hành vi vi phạm cũng không được gửi cho gia đình, cơ quan, tổ chức có người bị xử phạt để biết mà có biện pháp giáo dục, kỷ luật tiếp theo.

Theo ông Trương Văn Sơn - Chánh Thanh tra Sở GTVT, để việc xử lý hành vi vi phạm đạt hiệu quả cao, cần thiết phải sử dụng các thiết bị nghiệp vụ hiện đại. Đơn cử, trích xuất camera, thiết bị giám sát hành trình nhằm nắm bắt hành trình xe chạy, tốc độ liên quan, số lượng người chở trên xe.

Tài xế xe tải không hợp tác, lực lượng chức năng ghi hình làm bằng chứng “phạt nguội”, nếu đối tượng không đến giải quyết vụ việc theo yêu cầu sẽ có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam khống chế kiểm định.

Cảnh sát giao thông địa phương, nhất là địa bàn miền núi kiến nghị tỉnh quan tâm trang bị mới xe ô tô chuyên dụng, đèn chiếu sáng ban đêm, máy phát điện, cân tải trọng xách tay phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.

Lãnh đạo Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho rằng, các lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp, đảm bảo TTKS khép kín. Việc giám sát sau khi ký cam kết cần quan tâm thực hiện, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đảm bảo an toàn giao thông: Chú trọng hiệu quả xử lý vi phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO