Đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ: Cần thực hiện trục Bắc - Nam

CÔNG TÚ 13/10/2020 04:57

Giai đoạn 2021 - 2025, việc xây dựng các tuyến giao thông trục Bắc - Nam theo quy hoạch cần được tiến hành, để tạo nên hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, liên hoàn giữa các huyện miền núi, kết nối với khu vực đồng bằng.

Đường Thanh Hóa (Tam Kỳ) đang được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đường Võ Chí Công mở ra cơ hội khai phá tiềm năng công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ vùng đông. Ảnh: CÔNG TÚ

Thực hiện khối lượng lớn

Giai đoạn 2015 - 2020, Quảng Nam đã hiện thực hóa quy hoạch về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nhằm hình thành các trung tâm logistics (cảng biển, sân bay); hệ thống trục giao thông chính (quốc lộ và cao tốc); hệ thống trục giao thông phụ (đường tỉnh) và hệ thống giao thông tiếp cận (đường huyện và giao thông nông thôn).

Chính vì vậy, bến cảng Kỳ Hà và bến cảng Chu Lai - Trường Hải đã đầu tư bước đầu, đạt quy mô cảng loại II; hệ thống giao thông đường bộ kết nối cảng với quốc lộ (QL), cao tốc tương đối thuận lợi, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập hàng hóa cho Khu kinh tế mở Chu Lai và phía nam của tỉnh. Trước áp lực tăng cao về vận chuyển hành khách, Cảng hàng không Chu Lai mở rộng nhà ga hành khách, các hạng mục an toàn bay nên cơ bản giải quyết được nhu cầu trước mắt.

Hệ thống đường trục dọc chính qua địa bàn tỉnh được Trung ương xây dựng hoàn thành gồm cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Trường Sơn Đông, nâng cấp, mở rộng QL1 (bằng hình thức BOT). Cùng với đó, 5 cây cầu thành hình trên QL14E, QL14H và QL14G nhằm cải thiện điểm yếu về kết nối cho 3 trục ngang chính này. Bộ GTVT cũng triển khai nâng cấp, mở rộng QL40B, đoạn lý trình km1+700 - km14+000 (giáp nút giao cao tốc qua Phú Ninh).

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng chia sẻ, trước thực trạng cầu tải trọng thấp, đường hư hỏng, chật hẹp, mất an toàn giao thông của nhiều tuyến trục ngang chính, Quảng Nam đã dành nguồn lực lớn làm nhiều dự án, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân. Điển hình như nâng cấp, mở rộng QL40B, đoạn km14+000 đến km32+300, nơi đầu tuyến tránh Tiên Kỳ (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước).

Tại Thăng Bình, các dự án đường từ ven biển Bình Minh lên QL14E, đến gần nút giao của cao tốc (xã Bình Quý), để kết nối liên hoàn đường Võ Chí Công và QL1. Còn trên QL14H, cầu Nông Sơn và đường nối từ cầu Nông Sơn đến đường Trường Sơn Đông (giai đoạn 1) đang thi công nước rút.

Sau khi giai đoạn 1 đường Võ Chí Công, đoạn từ Hội An đến dốc Diên Hồng dài 42,5km hoàn thành, tỉnh quyết định đầu tư giai đoạn 2 đoạn còn lại từ dốc Diên Hồng đến sân bay Chu Lai có chiều dài 26,5km với nguồn vốn lên đến 1.479 tỷ đồng. Cùng với đó, việc triển khai hệ thống trục giao thông phụ và hệ thống giao thông tiếp cận đã khơi thông nhiều “điểm nghẽn”, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.  

Lo trục Bắc - Nam

Định hướng đến năm 2030, địa bàn tỉnh sẽ hình thành 12 trục giao thông, gồm 8 trục kết nối Đông - Tây và 4 trục kết nối Bắc - Nam (BN). Trong 8 trục Đông - Tây, một số trục dự kiến đến năm 2025 sẽ đâu vào đấy. Trong khi đó, 4 trục BN ở miền núi chủ yếu trong giai đoạn sơ khai. Do chưa thành hình, việc đi lại giữa các huyện miền núi theo trục ngang để tiết kiệm thời gian và chi phí rất khó khăn, thậm chí không thể lưu thông dù là địa bàn giáp ranh như Nam Trà My với Phước Sơn. Do vậy, phương tiện từ Phước Sơn muốn qua Nam Trà My phải chạy xuống QL14E, đến địa bàn Hiệp Đức rồi qua QL40B để lên vùng sâm Ngọc Linh. Chính sự “lỏng lẻo” liên thông hạ tầng giao thông liên vùng, các địa phương miền núi thiếu đi gắn kết cần thiết để cùng khai phá tiềm năng, thế mạnh vốn có.  

Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng Sở GTVT - ông Võ Công Phúc cho biết, trục BN01 là tuyến kết nối ở khu vực trung du đã được quy hoạch để liên kết QL40B, QL14E, ĐT611, QL14H, ĐT609C, ĐT609 và QL14B, định hướng kéo dài đến QL14G. Hướng tuyến cụ thể trên thực địa chưa được xác định, nhưng qua nghiên cứu, Sở GTVT đề xuất trục BN01 có điểm đầu tại thị trấn Tiên Kỳ của Tiên Phước (QL40B) và điểm cuối ở xã Jơ Ngây của Đông Giang (QL14G). Từ năm 2015 đến nay, hành lang giao thông này chưa đầu tư hạng mục nào.

“Việc từng bước đầu tư hình thành tuyến BN01 là cần thiết. Để thực hiện, cần mở rộng, nâng cấp các tuyến đường hiện có kết hợp xây dựng mới cầu, đoạn tuyến kết nối” - ông Võ Công Phúc nói.

Trục BN02 sẽ đóng vai trò kết nối từ Trà My qua Phước Sơn, kéo dài đến Tây Giang. Về hướng tuyến, đoạn Trà My - Phước Sơn được xác định bắt đầu từ QL40B - Trà Leng (ĐH1.NTM), Trà Leng - Phước Thành (dự án đang triển khai), Phước Thành - Khâm Đức (ĐH1.PS). Riêng đoạn từ Phước Sơn đến Tây Giang chưa được xác định cụ thể trên thực địa, cho nên Sở GTVT đã nghiên cứu đề xuất cụ thể hướng tuyến. Trên trục BN02, hiện có 5 dự án đang triển khai do địa phương và lực lượng biên phòng thực hiện. Sau khi các dự án về đích, hành lang này sẽ hình thành, song chất lượng các tuyến đi theo đường hiện có gồm ĐH1.NTM, ĐH1.PS và ĐH4.NG còn thấp nên cần phải đầu tư cải tạo.

Dưới vùng đông, trục BN03 là đường thanh niên ven biển (ĐT613B) và đường dọc bờ biển. Theo quy hoạch, tuyến ĐT613B giữ nguyên hiện trạng, đường dọc bờ biển dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công. Trục BN04 sẽ nối QL40B (tại Tiên Hiệp, Tiên Phước) với QL14E (tại Quế Lưu, Hiệp Đức), đi theo các tuyến ĐH6.TP và ĐH2.HĐ. Tuy nhiên, trên tuyến có cầu sông Tranh là ngầm tạm do nhà máy thủy điện Sông Tranh 1 xây dựng. Do đó, cần xây dựng cầu sông Tranh và từng bước mở rộng ĐH6.TP và ĐH2.HĐ để hoàn thiện trục BN04, khớp nối liên hoàn với các trục giao thông khác, mở ra cơ hội phát triển cho trung du, miền núi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ: Cần thực hiện trục Bắc - Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO