Định hình bản sắc đô thị

DUY QUÂN 03/02/2022 05:50

(Xuân Nhâm Dần) - Quá trình đô thị hóa ở Quảng Nam đang có những bước chuyển động mạnh mẽ. Khi chưa nghĩ tới việc vươn đến các trung tâm cấp quốc gia, cấp vùng thì việc thiết lập một mạng lưới đô thị có bản sắc riêng là điều hoàn toàn khả thi.

Quảng Nam cần tạo ra bản sắc riêng ở các đô thị trung bình. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Quảng Nam cần tạo ra bản sắc riêng ở các đô thị trung bình. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Quy hoạch đi trước một bước

Ở nước ta, nhiều đô thị dù đã quy hoạch trước vài chục năm nhưng vẫn không theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về giao thông. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, việc quy hoạch mạng lưới giao thông trong phát triển đô thị phải đánh giá rất kỹ theo quy hoạch đã được duyệt và thực tế hiện trạng.

Các địa phương phải định hình, dự lường đúng tuyến giao thông động lực qua đô thị trong tương lai. Phải xem xét được đoạn nào có tính khả thi cao, đoạn nào không có tính khả thi, chỉ quy hoạch trên giấy tờ không giải tỏa được bởi vướng mắc quá nhiều. Lại có đoạn đưa vào quy hoạch rộng đến 33m nhưng thực tế lưu lượng người, xe lưu thông không nhiều thì cần xem xét điều chỉnh cho hợp lý.

 Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của Quảng Nam vẫn dưới mức trung bình của cả nước. Vùng Đông của tỉnh được kỳ vọng là đòn bẩy để tạo sự đột phá trong đô thị hóa cũng như kết nối vào chuỗi đô thị trọng điểm miền Trung. Trong đó đang dần hình thành cụm đô thị động lực phía bắc và phía nam của tỉnh.

Quảng Nam đã thông qua 7 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng, trong đó một số nhiệm vụ có tác động quan trọng đến chuỗi đô thị trên địa bàn tỉnh hiện nay như: Quy hoạch xây dựng liên huyện phía Đông đến năm 2030 và năm 2045; quy hoạch chung xây dựng khu vực sông Thu Bồn, đoạn từ cầu Giao Thủy đến Cửa Đại (giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045).

Mặc dù vậy, có thể thấy việc tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung hoặc tầm nhìn quy hoạch xây dựng các đô thị trọng điểm trên địa bàn tỉnh đều có những hạn chế, chậm trễ. Khi chưa có quy hoạch thì các dự án, công trình phát triển đô thị đang triển khai gặp rất nhiều khó khăn cũng như dễ rơi vào tình trạng “chệch” quy hoạch trong tương lai.

Bên cạnh đó, mạng lưới giao thông với các cây cầu qua sông cùng các tuyến đường dẫn nối đang là điểm yếu trong việc phát triển đô thị của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói: “Nhiều cây cầu vượt sông Thu Bồn cũng như các tuyến sông giáp với TP.Đà Nẵng bây giờ có thể chưa làm được nhưng cần mạnh dạn nghiên cứu, quy hoạch trước để khớp nối với quy hoạch của phía Đà Nẵng rồi có thể vài chục năm sau chúng ta sẽ làm”.

 Nhiều mục tiêu, một khát vọng

Tam Kỳ đang hướng đến đô thị trung tâm của tỉnh và đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030. Hội An phấn đấu cơ bản đạt đô thị loại II đặc thù vào năm 2025. Điện Bàn đã hạ quyết tâm lên đô thị loại III trước năm 2025. Trong khi đường đến thị xã của Núi Thành đã rất gần. Khác nhau về mục tiêu, chức năng nhưng các đô thị trên đều chung quan điểm phát triển trong tương lai trên nền tảng “xanh”.

Nhưng để hiện thực hóa được khát vọng trên là câu chuyện dài, phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Tại một hội thảo định hướng liên kết phát triển bền vững đô thị được tổ chức mới đây, TS.Nguyễn Ngọc Hiếu (Học viện Hành chính quốc gia) cho rằng: “Lợi thế cạnh tranh của mỗi đô thị có thể là sự khác biệt tự nhiên và nhân tạo. Các yếu tố trên có thể thay đổi rất lớn do lãnh đạo, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp tại vùng đó sau một thời gian”.

Trong tương quan khu vực miền Trung, việc phát triển đô thị ở Quảng Nam có xu hướng đồng đều hơn thay vì tập trung lớn vào đô thị tỉnh lỵ. Đây cũng là lợi thế riêng để tỉnh hình thành mạng lưới đô thị đa dạng, có bản sắc. Việc tạo ra bản sắc riêng ở một đô thị trung bình là hết sức cần thiết để tránh “giẫm chân” và nhạt nhòa so với đô thị Đà Nẵng đã phát triển khá toàn diện kế cận.

Cách đây nhiều thế kỷ, dù đô thị còn là khái niệm mơ hồ nhưng có thể xem Quảng Nam cũng đã hình thành được một đô thị bám theo sông Thu Bồn từ khu đền tháp Mỹ Sơn - “kinh đô” Trà Kiệu - đô thị cổ Hội An.

Sau hàng trăm năm, có thể nhận ra giá trị của các con sông trong tiến trình phát triển đô thị và vẫn đang có xu hướng quy hoạch “nương sông”, “bám sông”. Điều cần làm rõ hơn chính là bản sắc đặc trưng của mỗi dòng sông, từ đó tạo ra điểm nhấn riêng cho các đô thị hình thành cùng nó.

Đặc trưng ở đây có thể là quần thể sinh vật trong hệ sinh thái tự nhiên với cây dâu trên sông Thu, lũy tre ở sông Vĩnh Điện hoặc cây dừa nước men theo dòng Cổ Cò…, từ đó gắn với quy hoạch, bảo tồn các làng nghề, giá trị văn hóa hình thành, lắng đọng qua nhiều thế kỷ. Tôn trọng hệ sinh thái văn hóa, tự nhiên chính là mở nút thắt để tìm kiếm bản sắc cho mỗi đô thị.

Cần xem trọng vai trò thị dân

Trừ Hội An, các đô thị còn lại trên địa bàn tỉnh đều có nhu cầu lớn về việc gia tăng dân số cơ học để phát triển. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều khu đô thị mới hiện rất “hẻo” thị dân, chủ yếu phục vụ cho việc “phân lô, bán nền” với mục đích đầu tư, dự trữ.

Khi các dịch vụ, tiện ích cũng như các không gian xanh dành cho thị dân còn bị xem nhẹ thì rất khó để gia tăng dân số cơ học. Khi chưa quy tụ được dân cư thì những thị dân “bất đắc dĩ” chuyển mình từ nông dân càng phải được quan tâm.

Từ 5 xã dọc quốc lộ 1 của Điện Bàn, rồi đô thị mới Duy Hải - Duy Nghĩa (Duy Xuyên) đến khu đô thị Chu Lai (Núi Thành)… cần được hỗ trợ để thích ứng với cuộc sống khi không gian đã và đang chuyển dần từ làng sang phố. Bảo tồn và phát huy hệ sinh thái đặc trưng xứ Quảng với rất nhiều tài nguyên văn hóa, tự nhiên còn gìn giữ được ở các khu vực này là điều rất đáng lưu tâm.

Nguy cơ ngập úng vì không đồng bộ hạ tầng cũng đang khiến không ít thị dân ngao ngán và cũng là yếu tố cản trở việc phát triển đô thị hiện nay. Đô thị Tam Kỳ, đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và một số khu đô thị mới ở vùng Đông đều đang loay hoay với thực trạng này.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết: “Việc tính toán hệ thống giao thông, hạ tầng theo hướng Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh phải rất lưu ý cao trình xây dựng để thoát lũ, nếu không sẽ tạo ra nhiều điểm ngập cục bộ, ảnh hưởng lớn đến phát triển đô thị”.

Thời gian qua, việc phát sinh nhiều điểm ngập úng mới cũng như phạm vi ngập úng đô thị ngày càng mở rộng có một phần nguyên nhân do hệ thống mương, cống, hồ nước…

Vì lý do giảm thiểu thời gian thi công, tối đa hóa lợi nhuận mà nhiều dự án lập lờ bỏ qua các tham vấn, ý kiến của chuyên gia, cộng đồng về giữ gìn, cải tạo các hệ thống tiêu thoát lũ, nước mưa tự nhiên... Đó có thể là những “chi tiết”, nhưng rất quan trọng trong tầm nhìn quy hoạch, xây dựng đô thị; nâng cao đời sống thị dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Định hình bản sắc đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO