Dự án trọng điểm cũ - mới đều vướng

TRỊNH DŨNG 23/02/2023 06:40

Các dự án trọng điểm từ Điện Bàn cho đến Núi Thành (5 dự án cũ, 4 dự án bổ sung) đều vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng. Không ít dự án không theo kịp tiến độ dù sắp đến ngày buộc phải bàn giao mặt bằng sạch để thi công công trình theo các cam kết.

Hồ chứa nước Lai Nghi liên quan đến 21 thửa đất bị ảnh hưởng, chỉ bàn giao được 22,8/25,5 ha nên tiến độ đầu tư các hạng mục công trình dự án chưa thể hoàn thiện đúng tiến độ dự án. Ảnh T.D
Hồ chứa nước Lai Nghi liên quan đến 21 thửa đất bị ảnh hưởng, chỉ bàn giao được 22,8/25,5 ha nên tiến độ đầu tư các hạng mục công trình dự án chưa thể hoàn thiện đúng tiến độ dự án. Ảnh T.D

Quá khó để xử lý

Hồ chứa nước Pháp Bảo, Lai Nghi (khu vực Hội An), một trong 3 dự án thành phần của dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An đã hoàn tất việc bàn giao mặt bằng.

Hồ Lai Nghi (khu vực Điện Bàn) còn 2,7ha, 21 hộ dân bị ảnh hưởng chưa thể xứ lý được khi địa phương chưa hoàn thiện, trình phê duyệt phương án bồi thường và dân chúng không chấp nhận phương án tái định cư (TĐC) đã đưa ra. Hai dự án thành phần còn lại là Nạo vét sông Cổ Cò và Nâng cấp, cải tạo ĐT608 đều dở dang.

Dự án trên không phải biệt lệ. Từ dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (Hội An) đến dự án Đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến quốc lộ 1 (tại ngã ba Cây Cốc, Thăng Bình), Nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà (giai đoạn 2) và dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Thaco Chu Lai đều bị ách tắc, dù phần lớn diện tích dự án đã bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT, GPMB) xong.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở TN-MT, phần lớn sự ách tắc này đến từ các hộ dân bị ảnh hưởng không nhận tiền BT, yêu cầu tính theo giá mới, bố trí thêm lô TĐC, thay vì phương án đã được phê duyệt trước đây.

Các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương chưa hoàn thiện hồ sơ xác nhận nguồn gốc đất để trình duyệt phương án BT, GPMB, thiếu khu TĐC, thiếu quản lý hiện trạng hay chưa giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm, canh tác, nuôi trồng, đánh bắt trên phần diện tích đã BT, GPMB xong nên ngày càng khó xử lý dứt điểm để có mặt bằng sạch triển khai thi công.

Bốn dự án trọng điểm bổ sung cũng không mấy sáng sủa. Dự án Cải thiện môi trường đô thị Chu Lai - Núi Thành, Liên kết vùng miền Trung Quảng Nam, Hoàn thiện đường ven biển 129 Võ Chí Công hay Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E với rất nhiều dự án thành phần gặp nhiều bất lợi.

Không chỉ dân địa phương không chịu di dời ghe thuyền canh tác trên khu vực này, bất hợp tác, gây tranh chấp, khiếu kiện về giá bồi thường... thì lớn hơn hết là địa phương chưa thể hoàn tất việc kiểm đếm, đo đạc hiện trạng đất, chưa thể lập thủ tục thu hồi đất, phê duyệt phương án BT, GPMB...

Các chủ đầu tư dự án Hoàn thiện đường ven biển 129 Võ Chí Công hay cải tạo, nâng cấp quốc lộ14E bàn giao mốc giải phóng mặt bằng cho các địa phương từ tháng 6/2022, nhưng tiến độ quá ì ạch.

Các địa phương viện dẫn lý do thiếu người, các tổ chức làm nhiệm vụ BT của dự án chưa lựa chọn được đơn vị đo đạc bản đồ để triển khai thực hiện công tác trích đo bản đồ địa chính vì đơn vị đo đạc từ chối, lý do đơn giá đo đạc chỉnh lý quá thấp.

Ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay, các nguồn vốn đầu tư liên quan đến đầu tư công đều vướng mặt bằng, chưa nói đến room tín dụng không mở thì các dự án, công trình đều đứng hết. Cần một sự tháo gỡ, có những giải pháp thực sự hiệu quả thì mới có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai công trình, dự án.

Khi nào có mặt bằng sạch

BT, GPMB đang là nút thắt của nền kinh tế, nhiều năm chưa thể giải quyết khiến Quảng Nam đang trả giá đắt cho sự ì ạch, nham nhở của các dự án đầu tư. Không chỉ các dự án trọng điểm gặp khó mà hầu hết dự án đầu tư công, tư khác đều không thể tiến hành đầu tư hay giải ngân đúng như kế hoạch đề ra của dự án.

 

TĐC là vấn đề phức tạp nhất trong công tác BT, GPMB. Theo quy định, TĐC phải đi trước một bước khi thực hiện giải tỏa, BT nhưng đa số địa phương không chủ động được quỹ đất, không thể trả lời được câu hỏi: Đất quy hoạch cho TĐC ở đâu? Các cơ chế, chính sách thay đổi nhanh chóng, giá bồi thường không sát thực tế, thiếu khu TĐC... đã khiến việc ổn định cuộc sống của người dân trong vùng dự án không thể “xuôi chèo, mát mái”.

Có lẽ chính điều này đã trở thành lý do khiến không ít đơn thư kiến nghị, những cuộc “cưỡng chế” bất thành của nhiều dự án. Nhiều dự án buộc phải thi công “nhảy cóc” hay dừng tạm thời để giải quyết các sự vụ hành chính, tranh chấp giữa dân, chính quyền, nhà đầu tư.

Chính quyền địa phương đã nhiều lần gặp gỡ, tuyên truyền, vận động, đối thoại với nhân dân nhưng vẫn không nhận được sự đồng thuận cao do không thiếu sự so bì giữa chính sách cũ, mới.

Ông Nguyễn Trường Sơn nói, các địa phương thực thi quy định pháp luật chưa đúng. Khi phê duyệt phương án BT, hỗ trợ TĐC cần thực hiện đồng thời, nhưng các địa phương chỉ phê duyệt phương án BT, GPMB, quên mất TĐC, nên những gì diễn ra trên thực tế rất khó xử lý

Các dự án trọng điểm gặp khó. Theo các chủ đầu tư công bố, dự án đoạn tuyến ĐT609 từ tháp Bằng An đến nút giao với đường ĐT609 mới (dự án thành phần HA/W4 của dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An) đã từng được Bộ KH-ĐT gia hạn đến hết năm 2023.

Chỉ có thể hoàn tất công tác BT, GPMB vào tháng 6/2023 thì mới có thể hoàn thành dự án vào cuối năm 2023. Cầu Nghĩa Tự (thuộc dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò - Hội An) dự định sẽ được khởi công trong tháng 4/2023.

Hay dự án Cải thiện môi trường đô thị Chu Lai - Núi Thành thì theo kiểm tra thực địa và làm việc với Quảng Nam, Ngân hàng tái thiết và phát triển Đức (KFW) đã đề nghị bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2023. Nếu không sẽ không kịp tiến độ thi công và không tiếp tục thực hiện hiệp định do phía Quảng Nam không thực hiện đúng cam kết về GPMB.

Ông Phan Minh Dũng - Bí thư Thị ủy Điện Bàn nói cơ chế chính sách gần như khó khăn. Việc phối hợp các ngành không hanh thông khi sở, ban, ngành nào cũng giữ tay thước. Tuy nhiên, dù khó đến mấy, địa phương cũng sẽ nỗ lực hết mình để có thể BT, GPMB đúng tiến độ cho các dự án.

Trước thời hạn ấn định cụ thể của dự án, nếu không thực hiện đúng sẽ bị rút vốn. Nhưng với tình trạng dang dở như hiện nay, dù chính quyền các địa phương cam kết sẽ nỗ lực hết mình để có thể tiến hành BT, GPMB cho các dự án triển khai đầu tư, thi công đúng tiến độ, thì liệu có hiện thực?

Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, nếu không thực hiện đúng cam kết thì họ sẽ dừng tài trợ. Một khi dừng thì ngân sách địa phương buộc phải bỏ ra để đầu tư hoàn thiện công trình. Tuy nhiên, rà soát các nguồn đầu tư hiện tại thì nguồn lực đầu tư công sẽ rất khó khăn. Không còn cách nào khác, các địa phương phải linh hoạt xử lý trong việc BT, GPMB mới có thể đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra như cam kết.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự án trọng điểm cũ - mới đều vướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO