Ngoại ô thị xã...

TRỊNH DŨNG 30/06/2023 03:55

Ngoại thị Điện Bàn được xác định sẽ phát triển nông nghiệp gắn phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn. Chính quyền thị xã Điện Bàn đang xúc tiến nguồn lực đầu tư để mỗi vùng đất có thể vươn mình theo bằng thế mạnh riêng.

Du khách trải nghiệm du lịch - ẩm thực cộng đồng ở Gò Nổi. Ảnh: Q.TUẤN
Du khách trải nghiệm du lịch - ẩm thực cộng đồng ở Gò Nổi. Ảnh: Q.TUẤN

1. Khu chợ Phong Thử ven tuyến ĐT609 náo nhiệt ngày nào đã bị “đẩy lùi” vào sau những dãy nhà, mọc trên bãi đất trống, gắn tên “chợ nông thôn mới”, cách con lộ khoảng 100m, vẫn tấp nập bán mua.

Dãy “phố” chưa đầy 2km từ gác chắn ga Nông Sơn đến cầu Phong Thử bày biện đầy các cửa hàng kinh doanh xe máy, điện tử, dịch vụ y tế, ngân hàng, viễn thông lẫn tiếng nhạc xập xình hắt ra từ các quán cà phê ven đường.

Hình ảnh hợp thương Diên Phong, điển hình kinh thương phong trào Duy Tân tranh thương với người Trung Hoa... đã khuất bóng thời gian và gạo Phong Thử nổi tiếng gần xa đã bị dạt đâu đó trên thị trường lúa gạo.

Ông Lê Hữu Ái – Bí thư Đảng ủy xã Điện Thọ nói nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn đang được người dân sản xuất, nhưng sản xuất kiểu truyền thống, chưa thể hình thành vùng lương thực hàng hóa và làm lúa thương phẩm không hiệu quả, thu nhập không đủ “giàu”. Không thể trù phú với những bãi bồi ven sông Thu như bên kia sông, nên dân giờ chủ yếu sản xuất lúa giống.

Ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nói Phong Thử được chọn làm trung tâm ngoại thị, kết nối đông – tây thị xã. Yếu tố đô thị khu vực này mạnh hơn nhiều so với các xã mới lên phường. Sẽ có một chương trình đầu tư ngoại thị khác gắn với nông thôn mới kiểu mẫu và Điện Thọ sẽ được đầu tư trọng điểm để hình thành nên một phường giai đoạn tiếp theo.

 

Vùng đất trù phú bên kia sông theo cách nói của ông Lê Hữu Ái là Gò Nổi. Vùng địa linh nhân kiệt này đã hoàn tất việc xây dựng nông thôn mới và Điện Quang là kiểu mẫu. Phú Bông, Xuân Đài, Bảo An... đã từng nổi tiếng về làng đường, ươm tơ, dệt lụa, tranh thương sòng phẳng, giành thị phần, quyền kinh doanh trong tay người ngoại quốc.

Hết đường, vắng tơ, xứ đất này vẫn tiếp nối con đường kinh thương của tiền nhân sản xuất, buôn bán từ ớt, đậu cô ve đến thuốc lá... Mỗi ngày có những chuyến xe tải, xe hàng từ “rẻo đất nhỏ của Thượng đế này” đến tận TP.Hồ Chí Minh, Tây Nguyên... bằng sản vật “giàu có, dư dả” của địa phương.

Không chỉ riêng khu vực vốn có truyền thống canh nông hay kinh thương, chính quyền thị xã đã tạo một con đường, động lực riêng cho 8 xã ngoại thị. Mỗi xã sẽ tùy theo địa lý hay thế mạnh để chọn cách thức phát triển về sản xuất nông nghiệp, du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp...

2. Chính quyền thị xã hiểu địa phương đã không thể tận dụng được lợi thế gần Đà Nẵng đang đô thị hóa quá nhanh, không còn đất canh tác, phát triển nông nghiệp hay phát triển du lịch sinh thái.

Thị trường đô thị này phải nhập sản phẩm nông nghiệp từ Tây Nguyên (nhiều nhất là Đà Lạt). Điện Bàn gần Đà Nẵng nhưng không đủ sản lượng, chủng loại thực phẩm cung cấp cho thị trường này là điều thiếu sót, mất đi cơ hội thịnh vượng.

Phong Thử - trung tâm ngoại ô thị xã Điện Bàn. Ảnh: T.D
Phong Thử - trung tâm ngoại ô thị xã Điện Bàn. Ảnh: T.D

Quy hoạch chung thị xã Điện Bàn ra đời, đã định vị bản sắc phát triển riêng cho ngoại thị. Ba xã Gò Nổi là sự kết hợp giữa du lịch, khám phá văn hóa cộng đồng, du lịch trải nghiệm nông nghiệp ven sông Thu Bồn.

Nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao sẽ dành cho các khu vực giáp đô thị hoặc vùng nông nghiệp bị tác động quá trình đô thị hóa. Phía tây Điện An đến Điện Hồng dành riêng phát triển nông nghiệp. Vùng nông nghiệp hạ lưu sông Yên hay dọc sông Thu Bồn sẽ thành những địa chỉ phát triển du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng...

Không dễ để có thể dựa vào sự phát triển nông nghiệp hay các loại hình du lịch sinh thái khi nông nghiệp công nghệ cao phải có đủ không gian, điều kiện giao thông, hạ tầng, viện nghiên cứu, nhà đầu tư đủ lớn, sản phẩm bảo đảm về chất lượng, tiêu chuẩn an toàn để đưa ra thị trường.

Chính quyền thị xã làm gì để hiện thực hóa điều này? Điện Bàn quyết định xây dựng Gò Nổi thành vùng nông nghiệp chất lượng cao. Một quy hoạch phát triển nông nghiệp bền vững với cây màu, kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch đang được thiết lập.

Ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã nói gắn với bề dày văn hóa, khai thác hệ thống nông thôn mới với sông Thu Bồn sẽ là địa điểm hấp dẫn. Nhưng loại hình du lịch như thế nào thì chính quyền sẽ mở nhiều cuộc hội thảo, tham vấn các chuyên gia định hình cho vùng đất này. Cầu Vân Ly sắp xây dựng sẽ tạo động lực mới cho vùng Gò Nổi với một khu dân cư được quy hoạch, giữ lại “phố trong làng và làng giữa phố”.

Chính quyền thị xã nhận định Điện Hồng, Điện Phước, Điện Thọ, Điện An đã từng liên kết với 20 doanh nghiệp trồng lúa giống. Nhưng sự kết hợp của ba nhà (nông, doanh nghiệp và nghiên cứu) vẫn còn lỏng lẻo, nên nhà nông chưa thể sống tốt về những cuộc hợp tác này vì chỉ làm gia công.

Kế hoạch sẽ dành 800 - 1.000ha đất ở Điện Tiến (ngoài các Cụm công nghiệp Cẩm Sơn, Thái Sơn) để phát triển thêm khu công nghiệp - đô thị dịch vụ đón đầu theo con đường vành đai phía Bắc kết nối với Đà Nẵng sẽ mở nay mai. Còn Điện Hòa sẽ vừa nông nghiệp, công nghiệp gắn theo con đường 33 gắn kết với Đà Nẵng và Biển Đông, đủ cơ hội để phát triển.

Quy hoạch đã được xác lập, nhưng bài toán phát triển không ít nan giải khi chưa có doanh nghiệp nào quyết định đầu tư mạnh vào nông nghiệp, nông thôn. Một phần vì tỷ suất lợi nhuận đầu tư vào nông nghiệp thấp, không dễ tích tụ ruộng đất và cơ chế chưa đủ mạnh để hấp dẫn nhà đầu tư.

“Phát triển nông nghiệp ngoại thị hay du lịch sinh thái luôn khó khăn. Không thể nhìn thấy thành công trong ngắn hạn. Đó là câu chuyện dài lâu” - ông Trần Úc nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngoại ô thị xã...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO