Quy hoạch đô thị và toan tính tương lai

QUỐC TUẤN - DUY QUÂN - HỮU PHÚC - MỸ DUYÊN 20/03/2022 06:35

Phần lớn đô thị Quảng Nam phát triển muộn sau thời điểm tái lập tỉnh, lại thiếu quy hoạch đồng bộ và nguồn lực hạn chế nên khá chật vật trong nâng cấp quy mô. Các đô thị ở địa phương vẫn đang trong quá trình đặt nền móng nhằm gây dựng tầm vóc, bản sắc trong mạng lưới đô thị quốc gia.

Một góc đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Một góc đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

ĐÔ THỊ QUẢNG NAM, CÓ GÌ VÀ CẦN GÌ?

Mạng lưới đô thị Quảng Nam theo sắp xếp truyền thống và góc nhìn bối cảnh mới có nhiều điểm độc đáo, nhưng đa phần mới dừng ở mức triển vọng.

Bức tranh phác thảo 

Theo Sở Xây dựng, lâu nay cấu trúc phân vùng phát triển đô thị Quảng Nam được chia theo 3 vùng gồm: Hội An - Đại Lộc - Điện Bàn, Duy Xuyên - Thăng Bình - Quế Sơn và Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh và 3 chuỗi gắn với quốc lộ 14B, quốc lộ 14E và đường nam Quảng Nam.

Hiện nay, trong bối cảnh mới xuất hiện một số điểm mới như, vùng Đông sẽ chia thành 2 vùng, một vùng gắn với sông Thu Bồn và chuỗi Quốc lộ 14B, vùng thứ hai ở phía nam Quảng Nam gắn với các ngành công nghiệp, cảng hàng không. 

Dù chưa thật rõ nét, nhưng với lợi thế đa dạng về tự nhiên, bước đầu nhà quản lý quy hoạch cũng cơ bản phác thảo được bức tranh đô thị Quảng Nam với các “gam màu”: đô thị hành chính, đô thị di sản, đô thị du lịch, đô thị công nghiệp, đô thị sân bay và đô thị cửa khẩu.

Chủ trương lớn của tỉnh là sẽ hình thành đô thị loại I với khu vực Tam Kỳ - Phú Ninh - Núi Thành. So sánh với một số đô thị loại I trong khu vực miền Trung như Huế, Nha Trang, ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, dân số của TP.Nha Trang hiện vào khoảng 427 nghìn người còn Huế gần 500 nghìn người (đã đạt tiêu chí của đô thị loại I).

Trong khi hiện nay gom dân số nội thị của Tam Kỳ và Núi Thành chưa đến 100 nghìn người còn lại là khu vực nông thôn. 

Dưới góc nhìn của liên danh tư vấn quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do bám theo địa hình, đặc biệt là hệ thống giao thông liên tỉnh, liên huyện nên hình thái phân bố chung của mạng lưới đô thị Quảng Nam trong tương lai có thể được phân thành 5 chuỗi đô thị.

Chuỗi đô thị theo trục quốc lộ 1 từ Vĩnh Điện - Nam Phước - Hà Lam - Tam Kỳ đến Núi Thành. Chuỗi đô thị theo tuyến ven biển Hội An - Duy Hải, Duy Nghĩa - Bình Minh - Tam Kỳ - Chu Lai.

Chuỗi đô thị theo trục đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14B gồm Khâm Đức - Thạnh Mỹ, Bến Giằng - P’rao - Ái Nghĩa. Chuỗi đô thị theo tuyến nam Quảng Nam gồm Tắk Pỏ - Trà My - Tiên Kỳ - Phú Thịnh - Tam Kỳ. Và chuỗi đô thị theo tuyến đông Trường Sơn gồm Thạnh Mỹ - Trung Phước - Tân Bình - Trà My - Tơ Viêng. 

Khá thuận lợi khi quy hoạch đô thị Quảng Nam hiện có pháp lý đầy đủ theo lộ trình từ quy hoạch vùng tới quy hoạch vùng liên huyện, chương trình phát triển đô thị đến quy hoạch mạng lưới phát triển đô thị của tỉnh.

Đô thị cần thuận tự nhiên

Phần lớn không gian đô thị ở Quảng Nam có mật độ xây dựng thấp, hệ số sử dụng đất chưa cao. Điều này dễ hiểu bởi các đô thị chưa có đòn bẩy, động lực thực sự lớn để phát triển thành các đô thị quy mô lớn. Tùy theo đặc thù đô thị, có thể không nhất thiết phải định vị giá trị đô thị bằng cách cố tiếp cận “sở đoản” mà bỏ qua “sở trường”.

Các đô thị cần phát triển thuận tự nhiên để hạn chế tối đa ngập úng. Ảnh: QUỐC TUẤN
Các đô thị cần phát triển thuận tự nhiên để hạn chế tối đa ngập úng. Ảnh: QUỐC TUẤN

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, trong quản lý quy hoạch Hội An khuyến khích chủ trương xây dựng nhà vườn. Tất cả khu đô thị mới được quy định diện tích vừa đủ để không tách thửa đồng thời vẫn duy trì được hành lang xanh giữa các thửa, tránh hiệu ứng nhà ống như nhiều đô thị lớn trên cả nước.

“Hội An cũng cố gắng giữ lại tối đa các yếu tố về mặt đô thị truyền thống. Đơn cử như đường sá, dĩ nhiên vẫn sẽ có hệ thống giao thông đối ngoại lớn, rộng còn giao thông nội bộ thì vẫn chủ trương dừng ở mức như cũ. Nếu chỗ nào của Hội An cũng mở cho to, rộng ra thì không còn là Hội An nữa” - ông Sơn nói.  

Đến cuối năm 2021, cả nước có 870 đô thị, trong đó có 138 đô thị có nguy cơ ngập, cụ thể hơn có 24 đô thị thuộc tỉnh có nguy cơ ngập rất nặng.

Chật vật với hệ thống thoát nước đang là căn bệnh trầm kha của hệ thống đô thị trên toàn quốc. Các đô thị Quảng Nam có nhiều không gian mở, gắn kết với thiên nhiên, quy mô không lớn nhưng cũng đã đi vào “vết xe đổ” này là điều đáng lo ngại.

Theo các chuyên gia thuộc liên danh tư vấn quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều này hoàn toàn có thể khắc phục phần nào cũng như ngăn chặn kịch bản trên tái diễn nếu khéo léo nương theo đặc thù của từng đô thị.

Với các khu vực đặc thù, đô thị miền núi như Khâm Đức, Tắk Pỏ… có độ dốc dọc đường lớn, thuận lợi cho việc thoát nước nên sử dụng hệ thống thoát nước riêng. Các khu vực ven đô, có thể áp dụng loại hệ thống thoát nước riêng giản lược, đường kính nhỏ, chôn nông dọc vỉa hè, sơ đồ đấu nối xuyên tiểu khu cùng các với kênh, mương, cống sẵn để thoát nước bề mặt, giảm thiểu tối đa chi phí xây dựng và quản lý hệ thống thoát nước.

Cũng theo chuyên gia, đối với một số đô thị đồng bằng có độ dốc cống nhỏ như Vĩnh Điện, Hà Lam… cần triệt để tận dụng các mặt nước đô thị làm hồ điều hòa, kênh mương dẫn nước và giảm độ sâu chôn cống.

Trong khi với đô thị ven biển địa hình bằng phẳng, khó tạo được độ dốc cống thuận lợi, ít sông mương, hồ điều tiết như Bình Minh, Duy Hải - Duy Nghĩa… có thể dựa vào nước triều lên xuống hàng ngày, xây dựng các cống tự động đóng/mở theo mực nước triều để thoát nước và thau rửa hàng ngày hệ thống cống. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, đặc điểm đô thị của miền núi Quảng Nam có độ dốc cao, tính trượt lở lớn nên các đô thị chỉ phát triển ở mức độ vừa phải, còn lại phát triển các điểm dân cư phân tán để giảm thiểu rủi ro cũng như tác động vào tự nhiên.

“Đô thị Quảng Nam hàng năm phải hứng chịu rất nhiều loại hình thiên tai nên cấu trúc đô thị phải hài hòa, thích ứng được với thiên tai, biến đổi khí hậu. Tính bền vững của đô thị Quảng Nam cực kỳ quan trọng” - ông Thanh nói.

CHÚ TRỌNG CHIỀU SÂU ĐÔ THỊ

Quảng Nam nỗ lực đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa để bắt kịp với tốc độ bình quân vùng, cả nước. Đây là điều tất yếu nhưng quan trọng hơn là chất lượng phát triển đô thị.

Thu nhập bình quân đầu người và dân số toàn đô thị của Tam Kỳ chưa đạt chỉ tiêu của đô thị loại II. Ảnh: QUỐC TUẤN
Thu nhập bình quân đầu người và dân số toàn đô thị của Tam Kỳ chưa đạt chỉ tiêu của đô thị loại II. Ảnh: QUỐC TUẤN

Trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam đang xếp thứ 4/5 về tỷ lệ đô thị hóa với tỷ lệ 26,3%, chỉ nhỉnh hơn Quảng Ngãi (21,1%). Ba địa phương còn lại đã có tỷ lệ đô thị hóa rất cao và đều chen chân vào tốp đầu cả nước, đặc biệt TP.Đà Nẵng đang có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước với tỷ lệ 87,3%.

Tam Kỳ còn thiếu 3 tiêu chí của đô thị loại II, trong đó có thu nhập bình quân đầu người/năm và dân số toàn đô thị - 2 tiêu chí gần như cốt lõi để phản ánh năng lực đô thị.

Lãnh đạo tỉnh kỳ vọng Tam Kỳ sẽ sớm đạt mốc 400 nghìn dân;  tuy nhiên điều này bất khả trong tương lai gần, nếu không có biến động lớn về mặt địa giới hành chính.

Lấy “hệ quy chiếu” đô thị là nơi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn, đa dạng, sử dụng lực lượng lao động có chất lượng cao, hạ tầng cơ sở hiện đại, thu hút đầu tư mạnh thì nội lực của đô thị Quảng Nam còn rất yếu.

Điều này thể hiện rõ qua việc các thương hiệu, dịch vụ tiêu dùng - giải trí lớn hầu như vẫn còn vắng bóng ở các đô thị lớn như Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn… Điều này được các chuyên gia kinh tế lý giải là bởi tổng dân số cùng mật độ dân số đô thị còn khá thấp, sức mua hạn chế…

Gia tăng tỷ lệ đô thị hóa là xu thế chung, nhưng không hẳn tỷ lệ cao đã song hành chất lượng đô thị. Và trong quá trình đô thị hóa, Quảng Nam vẫn có thể chọn một lối đi riêng - đi vào chiều sâu đô thị.

Số liệu công bố từ báo cáo chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, Quảng Nam đạt 0,703 (đứng thứ 22) và thuộc nhóm có HDI cao, đứng trên khá nhiều địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mình.

Chỉ số này là thước đo tổng hợp sự phát triển của con người địa phương thông qua các phương diện sức khỏe, tri thức và thu nhập bình quân đầu người, đây đều là những dư địa mà Quảng Nam có tiềm năng rộng mở để cải thiện. Có vẻ, các đô thị ở Quảng Nam vẫn có thể trở nên “đáng sống” theo cách riêng mà không cần sốt sắng gia nhập “cuộc đua” đô thị hóa.

CHỜ ĐỢI MẠNG LƯỚI ĐÔ THỊ CÓ BẢN SẮC

Khoác “tấm áo” định danh cho đô thị không khó. Định vị cho đô thị, hệ thống đô thị có dấu ấn riêng, chống đô thị “trượt” mới là bài toán cần giải của Quảng Nam trong tương lai.

Một góc đô thị biển khu vực giáp ranh Điện Bàn - Đà Nẵng. Ảnh: QUỐC TUẤN
Một góc đô thị biển khu vực giáp ranh Điện Bàn - Đà Nẵng. Ảnh: QUỐC TUẤN

Hầu hết đô thị Quảng Nam vẫn còn “khu biệt”, bởi nặng về tính hành chính. Các hoạt động giao thương kinh tế qua lại, biến động dân số cơ học không nhiều khiến việc kết nối giữa các đô thị khá lạc lõng.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Học viện Hành chính quốc gia, trong quá trình lập quy hoạch cần xác định rõ các mặt hàng, giá trị của đô thị mình cạnh tranh với ai. Cần đánh giá các đô thị lân cận có điều kiện sản xuất tương đương không. Thêm nữa, cần lập kế hoạch theo dạng chiến lược, tức là thường xuyên cập nhật để hoàn chỉnh đô thị trong từng giai đoạn cụ thể.

Quảng Nam có lợi thế và đang nghiên cứu để phát triển khái niệm “đô thị dòng chảy” với các đô thị hoặc tiểu vùng đô thị uốn lượn theo các dòng sông chứa đựng nhiều giá trị độc đáo về văn hóa - lịch sử - tự nhiên. Đây sẽ là một hướng mới để tạo ra sự chuyển tiếp cũng như bản sắc cho thương hiệu đô thị Quảng Nam”. (Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh)

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, ở cụm đô thị động lực số 1 thì các đô thị Điện Bàn và Đại Lộc trong tương lai vẫn sẽ chịu ảnh hưởng của tiến trình phát triển đô thị Đà Nẵng, đó là thực tế không khác được. Vì vậy cần phải tham chiếu quy hoạch phía Đà Nẵng để có sự đấu nối đồng bộ.

Trong khi đó Hội An là một “cực” khác, Hội An sẽ có tác động lớn đến sự phát triển của các đô thị ven biển nam Hội An. Toàn bộ vệt ven biển đang quy hoạch, kêu gọi đầu tư các dự án lớn, hạ tầng đồng bộ để phát triển thành chuỗi đô thị du lịch, các đô thị này gần như mới hoàn toàn, đã và đang hình thành từ nay đến năm 2030.

Theo tư duy quy hoạch mới, mỗi đô thị thậm chí là từng khu vực đô thị sẽ gắn với các chức năng. Bước đầu nhiều đô thị Quảng Nam đã “tỏa” những lối đi riêng theo tiến trình phát triển kinh tế - xã hội hoặc đặc thù tự nhiên, lịch sử, nhưng còn rất mờ nhạt.

Tỷ lệ đô thị hóa năm 2021 của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Đà Nẵng 87,3% (xếp thứ 1 toàn quốc), Thừa Thiên Huế 52,6% (xếp thứ 7), Bình Định 40,3% (xếp thứ 12), Quảng Nam 26,3% (xếp thứ 31), Quảng Ngãi 21,1% (xếp thứ 45). Tỷ lệ đô thị hóa bình quân cả nước 40,4%.

Ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng: “Xuất phát 19 mô hình đô thị ở Quảng Nam chủ yếu là đô thị hành chính chứ chưa rõ nét về bản sắc đô thị. Chỉ mới có Hội An là rõ nét giá trị đô thị văn hóa du lịch.

Cấu trúc mạng lưới đô thị cần tiếp tục nghiên cứu sau khi định hình ngành nghề kinh tế, sau đó mới định hình đô thị. Từ các ngành kinh tế thì mới định hình đô thị phát triển như thế nào được chứ không thể muốn là được. Không thể cứ làm ra quỹ đất là có đô thị được”. 

Sân bay Chu Lai hiện là điểm nhấn lớn để các nhà hoạch định nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị theo chức năng. Theo các chuyên gia, đô thị sân bay không có nghĩa phát triển sân bay sẽ ra đô thị sân bay hoặc các khu đô thị xung quanh thì trở thành đô thị sân bay. Không có đô thị sân bay mà chỉ có mô hình phát triển đô thị xung quanh sân bay.

ỨNG XỬ RA SAO VỚI ĐÔ THỊ MỚI

Nhiều khu đô thị, phố chợ mới hôm nay khoác chiếc áo hạ tầng lộng lẫy nhưng vẫn mang hình hài nửa phố nửa quê, thiếu hồn sắc riêng của đô thị hiện đại.

Ông Trần Văn Minh, người dân thôn Tây Sơn Đông (Duy Hải) phản ánh thực trạng đầu tư hạ tầng khu dân cư dở dang ảnh hưởng đến dân sinh. Ảnh: HP
Ông Trần Văn Minh, người dân thôn Tây Sơn Đông (Duy Hải) phản ánh thực trạng đầu tư hạ tầng khu dân cư dở dang ảnh hưởng đến dân sinh. Ảnh: HP

Những nốt nhạc trầm

Chiều muộn. Làng Tây Sơn Đông, xã Duy Hải (Duy Xuyên) trở nên khá chộn rộn, với lưu lượng phương tiện qua lại ken dày. Gọi Tây Sơn Đông là làng cũng đúng, bởi tên gọi hành chính vẫn là “thôn”; nhưng nói Tây Sơn Đông là phố thị cũng không sai, do nằm sát các tòa nhà chọc trời, có sòng bạc Nam Hội An đưa vào hoạt động.

Gia đình ông Trần Văn Minh là một trong số hàng trăm hộ dân ở Tây Sơn Đông “sót lại” làng do dự án chưa đến lúc phải thu hồi đất đai, nhà cửa của ông.

Tôi hỏi: “Bác còn ruộng để làm không?”. “Còn chứ, nhưng mà có cũng như không, ruộng bỏ hoang do các khu đô thị, tái định cư xây dựng với cos nền cao, dộng nước chảy ngược vào đất sản xuất, vào mùa mưa ” - ông Minh phân trần.

Rồi ông nói thêm, trước đây khi chưa hình thành các dự án đô thị, nước chảy thẳng ra sông phía Cửa Đại rồi đổ ra biển, nhưng bây giờ các công trình, dự án mọc lên, bít hết chỗ thoát nước gây ngập úng triền miên chỗ ở, đất sản xuất vào mùa mưa.

Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An bao trùm diện tích gần 1.000ha ở 3 xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Dương (Thăng Bình). Chủ dự án đã phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn khác nhau, cho nên bức tranh đan xen lẫn lộn giữa làng mới - làng cũ, phố mới - phố cũ.

Huyện Duy Xuyên định hướng xây dựng Duy Hải - Duy Nghĩa thành đô thị loại V vào năm 2025. Vùng này cả nghìn héc ta đất dành sắp xếp, bố trí dân cư, đó là khu đô thị - tái định cư Nồi Rang, các khu tái định cư Sơn Viên, Lệ Sơn, Bình Dương, Duy Hải giai đoạn 1, ven biển Duy Hải giai đoạn 2 và 3; dự án nhà ở trong khu nghỉ dưỡng Nam Hội An...

Điểm chung của các khu đô thị, dân cư này là hạ tầng vừa nhếch nhác vừa thiếu đồng bộ; dân cư phân tán. Sự non trẻ cùng với nguồn lực, nội lực hạn chế, việc xây dựng một thế hệ thị dân mới còn quá nhiều áp lực phía trước.

Đô thị Duy Hải (Duy Xuyên) nhiều năm qua vẫn chưa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng. Ảnh: H.P
Đô thị Duy Hải (Duy Xuyên) nhiều năm qua vẫn chưa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng. Ảnh: H.P

Một đô thị khác là Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) nhiều năm nay cũng loay hoay giải bài toán khớp nối hạ tầng khung, bởi cả trăm dự án đô thị, bất động sản nơi đây từng “cát cứ”, chia lô bán nền rất tùy tiện.

Dọc ven sông Cổ Cò qua Điện Bàn là hình ảnh “trăm hoa đua nở” các dự án đất nền, nham nhở đô thị da beo. Mỗi dự án làm một kiểu không tuân theo quy hoạch chung nên không được đầu tư hạ tầng đồng bộ. Nan giải nhất, theo chính quyền thị xã Điện Bàn, các khu đô thị, dân cư thiếu hệ thống xử lý nước thải chung, từng dự án đầu tư hệ thống riêng rất cục bộ.

Giấc mơ đô thị đẳng cấp

Con đường ven biển Võ Chí Công như “mắt xích” kết nối không gian phát triển vùng Đông. Từ điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ về không gian phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai trước đây, Quảng Nam có căn cứ pháp lý lẫn thực tiễn để thông qua nhiều hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch.

Khi lập đề cương nhiệm vụ quy hoạch tỉnh, Quảng Nam tuân thủ nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất, không chồng lấn quy hoạch của các ngành, lĩnh vực hay các địa phương.

Ở vùng Đông, bây giờ hầu như chính quyền tỉnh dứt khoát nói lời chia tay với các dự án nhỏ mà thay vào đó thông qua nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu xây dựng (1/2.000) nhắm đến các dự án phát triển đô thị có diện tích tối thiểu hàng trăm héc ta trở lên.

 “Chúng tôi đặt niềm tin thông qua các dự án lớn đầu tư khả thi, theo định hướng sinh thái sẽ tạo ra tính đặc thù, bản sắc riêng của đô thị Quảng Nam tương lai” - KTS. Nguyễn Văn Phong kỳ vọng.

Điển hình, dự án khu dân cư đô thị, du lịch, dịch vụ Đông Nam Thăng Bình 2 sẽ được nghiên cứu, lập quy hoạch với diện tích 2.785ha, thuộc các xã Bình Minh, Bình Đào, Bình Hải, Bình Triều, Bình Sa.

Theo đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch, đây sẽ là khu dân cư đô thị kết hợp với các loại hình dịch vụ và du lịch theo các tiêu chí tương đương đô thị loại 2.

Tương tự, khu dân cư đô thị, du lịch, dịch vụ Đông Nam Thăng Bình 3, tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 1.828ha thuộc các xã Bình Sa và Bình Nam. Hay, mới đây Quảng Nam thống nhất cho Tập đoàn Thaco nghiên cứu đề xuất đầu tư dự án khu đô thị Tam Hòa - Tam Tiến (Núi Thành) và khu đô thị Chu Lai rộng hơn 329ha. Các dự án đô thị đã, đang tiếp cận nghiên cứu, lập quy hoạch với diện tích lớn ở vùng Đông cho thấy Quảng Nam đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng “dọn tổ đón đại bàng”.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, việc hình thành các đô thị mới quy mô lớn sẽ hạn chế tối đa tình trạng chia nhỏ dự án, ít bồi thường, ảnh hưởng dân cư và có điều kiện đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống của nhân dân, đảm bảo kết nối với hạ tầng chung của cả vùng. Đô thị kỳ vọng sẽ tạo được ấn tượng về kiến trúc, cảnh quan đô thị.

Với cái nhìn lạc quan về các dự án đô thị tương lai, KTS. Nguyễn Văn Phong - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam cho rằng, các dự án đô thị lớn theo nghiên cứu đề xuất nhiệm vụ lập quy hoạch, kỳ vọng nhất ở chức năng mới, không đơn thuần là nhà ở thương mại mà là các khu công nghiệp, công nghệ cao, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp… Hiệu ứng kéo theo tạo công ăn việc làm, dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng giảm dần lĩnh vực nông nghiệp.

CẦN SỰ THỐNG NHẤT

Thay đổi quy hoạch nhiều lần, mỗi nơi làm một kiểu thiếu thống nhất… là những nguyên nhân khiến bộ mặt đô thị trở nên xấu xí.

Vùng Đông đang phát triển mạnh đô thị. Ảnh: Đ.T
Vùng Đông đang phát triển mạnh đô thị. Ảnh: Đ.T

Thiếu kết dính không gian phát triển

Quảng Nam đã, đang lập các quy hoạch chiến lược như quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch vùng liên huyện phía Đông; quy hoạch kiến trúc cảnh quan sông Cổ Cò và ven biển Điện Bàn - Hội An; quy hoạch chung Khu Kinh tế mở Chu Lai; quy hoạch chung khu vực ven biển huyện Duy Xuyên - Thăng Bình… Ngoài ra, tại các địa phương còn có các quy hoạch phân khu để kiểm soát không gian phát triển, thu hút dự án đầu tư và các quy hoạch chi tiết để triển khai.

Thời gian qua, một số đô thị ở vùng Đông phát triển đúng định hướng như đô thị Điện Bàn liên kết phát triển với Hội An, Đà Nẵng và khu vực phụ cận; Hội An với định hướng phát triển đô thị gắn với phát triển du lịch được kết nối với đô thị Điện Bàn và khu vực Nam Hội An (Thăng Bình - Duy Xuyên); khu vực phía nam, đô thị Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh định hình cụm đô thị làm đối trọng với khu vực phía bắc, là cụm đô thị chức năng tổng hợp.

Tuy vậy, theo Sở Xây dựng, dù đã tính toán, dự báo nhưng phát triển không gian đô thị gắn với không gian phát triển kinh tế chưa như mong muốn. Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phú đánh giá, hệ thống hồ sơ quy hoạch xây dựng đô thị gần như hoàn tất, nhưng tồn tại là tích hợp quy hoạch chưa hệ thống.

Tính liên kết, tích hợp với các quy hoạch ngành có liên quan như đất đai, đầu tư vẫn còn yếu. Gần đây, các đô thị còn gặp vấn đề phát sinh như suy giảm chất lượng môi trường sống, sự cố môi trường, thiên tai. Cần nói thêm, trước đây các địa phương “hào phóng” giao đất cho các chủ đầu tư mà không tuân thủ nghiêm túc quy hoạch xây dựng, và dễ nhận thấy sau mỗi lần quy hoạch bất cập lại điều chỉnh, thay đổi quy hoạch.

Cần nhạc trưởng

Thực trạng “quy hoạch chồng quy hoạch”, “quy hoạch chống quy hoạch”, “quy hoạch sau băm nát quy hoạch trước” đã từng xuất hiện ở các địa phương trong tỉnh. Mặc dù đã có xác lập bản đồ quy hoạch theo từng cấp nhưng thực tế còn vướng mắc khi triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết từng dự án. Nhiều địa phương vì thiếu nguồn lực đầu tư, ách tắc giải tỏa mặt bằng nên mới tồn tại muôn kiểu loang lổ của đô thị.

KTS. Nguyễn Văn Phong - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam đề xuất, để thực thi nghiêm quy hoạch cần quản lý chặt chẽ từ giai đoạn chủ trương (kế hoạch phát triển nhà ở, giới hạn diện tích phát triển mới của mỗi huyện); điều kiện để chuyển nhượng đất (hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cả các công trình thương mại dịch vụ… mới được bán).

Cạnh đó phải yêu cầu đầu tư xây dựng nhà theo tỷ lệ tối thiểu 20%. Theo chuyên gia này, nguyên tắc là phải đảm bảo tính hệ thống trong các quy hoạch xây dựng, khi có đầy đủ quy hoạch chiến lược thì công khai các quy hoạch phân khu để kiểm soát không gian phát triển, quy hoạch chi tiết thu hút dự án đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã yêu cầu các ngành và địa phương siết chặt quản lý lập quy hoạch và triển khai thực hiện các khu đô thị, khu dân cư.

“Quy hoạch đầu tư, phát triển các khu đô thị, khu dân cư, khu dịch vụ du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần có tầm quan trọng trước mắt và lâu dài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy các đồ án quy hoạch xây dựng cần đảm bảo lợi ích hài hòa của Nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư” - ông Thanh nói.

Luật Quy hoạch có hiệu lực cách đây hơn 3 năm. Tại các đô thị Quảng Nam, tình trạng mất kiểm soát quy hoạch không phải không xảy ra trước khi luật này ra đời.

Để tránh tình trạng “đá” nhau giữa các quy hoạch, gần đây chính quyền tỉnh chú trọng vai trò “nhạc trưởng” trong quá trình lập các đồ án quy hoạch để kết nối, tích hợp các quy hoạch chuyên ngành, các quy hoạch đặc thù trong một bản quy hoạch chung.

Và hơn hết, cách ứng xử hài hòa với đô thị hiện nay là bảo đảm sự thống nhất về không gian kiến trúc, cảnh quan; xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quy hoạch đô thị và toan tính tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO