Sinh lộ kinh tế ở vùng Tây

TRỊNH DŨNG 26/01/2023 07:08

(Xuân Quý Mão) - Quốc lộ 14D dự kiến sẽ được đầu tư, nâng cấp, mở rộng vào đầu năm 2024. Tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây 2 (EWEC2) xuyên qua cao nguyên Boloven (Nam Lào) mở sinh lộ kinh tế. Vùng đất ấy có thể là “tiền đồn” cho cuộc liên vận hàng hóa quốc tế, làm nên sự thịnh vượng cho nhiều vùng đất.

Điểm cuối của quốc lộ 14D, bên kia là con đường phía Lào đã mở thông lên tận Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan. Ảnh: T.D
Điểm cuối của quốc lộ 14D, bên kia là con đường phía Lào đã mở thông lên tận Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan. Ảnh: T.D

Quốc lộ 14D nối từ cầu Bến Giằng lên cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oóc 74,6km, đã mở theo đúng mong muốn của hai phía Việt - Lào. Hàng ngàn tấn vật liệu xây dựng, gỗ, nông sản... qua con đường dự định sẽ thành một EWEC2.

Theo nhận định của các nhà kinh tế, tuyến đường lên cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) vào vùng tam giác phát triển và tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) chỉ là hai con lộ tả hữu. Tuyến 14D qua cửa khẩu Nam Giang xuyên cao nguyên Boloven mới thực sự là tuyến đường chính.

Đây là sinh lộ kinh tế nối Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Tây Bắc Campuchia thông với các cảng biển miền Trung Việt Nam như Đà Nẵng, Chu Lai, Dung Quất, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi nhất cho giao lưu, hợp tác, phát triển kinh tế liên vùng, liên quốc gia.

Tuyến EWEC2 thành hình, đường ra biển cho khu vực Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Tây Bắc Campuchia sẽ được rút ngắn, đồng thời góp phần rút ngắn khoảng cách vận chuyển bằng đường biển từ Băng Cốc (Thái Lan) đi các nước Đông - Bắc Á. Nó sẽ là đường giao lưu ngắn nhất giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Chính quyền Quảng Nam, Đà Nẵng đã từng có ý định hợp tác, mong muốn đầu tư xây dựng quốc lộ 14D. Hai địa phương đã nhiều lần đưa 14D trở thành EWEC2 lên bàn nghị sự, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực tham gia..., nhưng bất thành.

Có nhiều lý do khiến tiến trình này bị trì hoãn nhiều năm. Dường như các nhà hoạch định chiến lược quá chú ý đến hành lang kinh tế Đông - Tây phía Bắc hay vùng tam giác phát triển Việt - Lào - Campuchia ở phía Nam, chưa quan tâm đúng mức đến con đường này.

Ý định đầu tư con đường xuyên Á tưởng chừng đã nguội lạnh, bất ngờ bùng cháy trở lại khi Nam Giang - Đắc Tà Oóc được “thăng hạng” lên cửa khẩu quốc tế vào ngày 22/12/2020 (ngày 14/8/2021, cửa khẩu quốc tế này đã được hai phía Việt - Lào chính thức khai trương).

Bí thư, Tỉnh trưởng Sê Kông (Lào) Lếch lay Sỉ vi lay nói, không chỉ chính quyền mà giới đầu tư Lào, Thái Lan đều cho rằng đây là tuyến đường chiến lược, cơ hội khai phá, đưa Nam Lào thông ra biển Đông.

Ông Hồ Văn Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Việt ở Ubon Ratchathani cho hay vùng Đông Bắc Thái Lan sẽ dựa con đường này để đưa hàng Thái Lan đến thị trường Việt Nam, Đông Bắc Á thuận lợi, nhanh nhất, giá thành thấp nhất do tiết kiệm rất nhiều chi phí vận chuyển, sẽ đủ sức cạnh tranh.

Cửa khẩu quốc tế đã mở, nhưng mộng lớn vẫn chưa thành. Ngày 1/9/2021, Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ 2021 - 2025 (tầm nhìn đến năm 2050) có tên quốc lộ 14D (quy mô cấp III - VI với 2 - 4 làn xe) trong danh mục. Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn chưa có kế hoạch cân đối nguồn vốn (khoảng 2.500 tỷ đồng) để đầu tư, nâng cấp, mở rộng quốc lộ này trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tìm đâu ra vốn để hiện thực giấc mơ thịnh vượng? Hy vọng mở ra từ chuyến viếng thăm Chu Lai của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 27/3/2022, khi Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương chủ động đề xuất sẵn sàng bỏ vốn đầu tư tuyến đường mới trong 2024, hoàn thành trước 2025 và được Thủ tướng chấp thuận.

Chính quyền Quảng Nam xác định quốc lộ 14D vẫn là huyết mạch khi các cuộc khảo sát của Bộ GTVT về tuyến đường mới này thấy không khả thi. Ngân sách địa phương chưa thể cân đối được nguồn vốn, chính quyền địa phương đi đến quyết định đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư, mở rộng, nâng cấp quốc lộ 14D theo hình thức BOT.

Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam nói đã được giao chủ trì, phối hợp khảo sát thực tế toàn tuyến 14D (từ cửa khẩu xuống Bến Giằng). Tính toán lưu lượng phương tiện hoạt động, xác định các điểm, đường gấp khúc, góc cua hẹp, các điểm dừng tránh... để nâng cấp, mở rộng con đường này.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết có vướng nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đầu tư BOT trên tuyến độc đạo. Nếu tháo gỡ được và sự tích cực tối đa của địa phương với sự ủng hộ của Chính phủ thì đầu năm 2024 có thể khởi công đầu tư, nâng cấp 14D.

Con đường nối thông từ 14D xuyên Á sớm muộn gì cũng sẽ được khai mở. Chỉ cần qua vài chục cây số đường từ cửa khẩu Nam Giang là đã gặp chân cao nguyên Boloven. Giờ đây các tuyến quốc lộ 16B, 16D... phía Lào có thể nối thông thuận lợi các tỉnh Nam Lào đến Ubon Ratchathani, Băng Cốc và tất cả tỉnh thành thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan.

Thaco đã vận chuyển, lưu thông hàng hóa, mở tuyến vận tải xuyên biên giới ngay sau ngày khai trương cửa khẩu. Tập đoàn này đã lên kế hoạch khai thác nhu cầu vận chuyển nông sản xuất khẩu từ cao nguyên Boloven (Lào), Ubon Raychathani, Sisaket, Yasothon, Charoen, Buriam… (Thái Lan). Họ đã quy hoạch một cảng cạn ngay tại cửa khẩu Nam Giang trên tuyến 14D để đón đầu cơ hội. Cơ hội vàng đã mở ra cho chuyện đầu tư sinh lộ này.

Khả thi dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14D

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết: Bộ GTVT đã quyết định đầu tư tuyến 14E (70km). Dự kiến đầu năm 2023 sẽ khởi công. Tuyến quốc lộ này là một phần nối 14D để lên cửa khẩu Nam Giang.

Trường Hải đã chính thức đề xuất sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư, nâng cấp, mở rộng tuyến 14D, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước (vì ngân sách nhà nước đầu tư trung hạn của giai đoạn này không bố trí).

Nhà đầu tư sẽ không thu phí trên toàn bộ tuyến đường 74km đó, mà chỉ thu phí tại khu kinh tế cửa khẩu. Tức chỉ thu với những hàng hóa, phương tiện (xe tải, du lịch...) qua lại cửa khẩu, còn việc lưu thông, đi lại trên tuyến đường này không thu phí. Chính phủ cho phép thời gian thu phí kéo dài để giảm phí thu hàng năm xuống. Từ đó, dẫn đến chuyện đầu tư, nâng cấp, mở rộng 14D rất khả thi.

Chỉ vướng một chút là nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không cho phép đầu tư BOT trên tuyến đường hiện trạng (độc đạo) mà phải đầu tư một tuyến mới.

Nhưng đầu tư tuyến mới sẽ phải cắt ngang qua Vườn quốc gia sông Thanh, ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái rừng nên Quảng Nam không đồng ý. Để giải quyết vướng mắc này, Quảng Nam đã báo cáo với Đoàn công tác của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội về cơ bản đã thống nhất sẽ xem xét, điều chỉnh nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho phép đầu tư BOT với một số con đường mang tính độc đạo không thể đầu tư một tuyến mới. Và việc cho phép đầu tư, nâng cấp phải có phương án thu phí đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Cơ bản đã kết luận rồi. Sắp tới, Quảng Nam sẽ báo cáo đề xuất phương án đầu tư gửi Chính phủ, Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cử đoàn công tác vào Quảng Nam để đánh giá thực tế làm căn cứ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và cho phép được giải quyết, tháo gỡ. T.D (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sinh lộ kinh tế ở vùng Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO