Thắt chặt quản lý đất đai vùng đông - Bài cuối: Cần giải tỏa áp lực từ cơ sở

THANH MINH - HỮU PHÚC 30/09/2021 07:37

Chính quyền cơ sở chịu nhiều áp lực trước nhu cầu tăng cao về sử dụng đất chính đáng của người dân, đặc biệt tại các vùng dự án. Chỉ thị 19 của Chủ tịch UBND tỉnh được các địa phương xem là tín hiệu mới để tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, tuy nhiên hiện vẫn chưa có sự chuyển động rõ nét.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khảo sát và trao đổi với một hộ dân bị thu hồi đất ở thị trấn Núi Thành. Ảnh: H.PHÚC
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khảo sát và trao đổi với một hộ dân bị thu hồi đất ở thị trấn Núi Thành. Ảnh: H.PHÚC

Quản lý... giữa dòng

Tấm bản đồ quy hoạch dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An đặt tại trụ sở xã Duy Hải (Duy Xuyên) nhìn vào ai cũng thấy. Nó đem lại cảm xúc buồn vui đan xen với người dân vùng dự án, bởi tiến độ xây dựng các khu tái định cư (TĐC) để bố trí cho dân chậm chạp. Nhu cầu “xin” giải tỏa, thu hồi đất sớm để nhanh chóng được an cư của người dân quá lớn, trong khi chủ đầu tư lẫn chính quyền chật vật xoay xở.

Chủ tịch UBND xã Duy Hải Nguyễn Văn Thống cho biết, dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An thuộc các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) và Bình Minh (Thăng Bình), theo quy hoạch có tổng diện tích 985ha, trong đó Duy Hải chiếm 560ha. Dự án được đầu tư xây dựng từ năm 2011 đến nay nhưng chưa giải tỏa dứt điểm một vùng nào cả, làm cho nhân dân gặp khó khăn về đời sống khi đất sản xuất đã bị thu hồi.

Về giải quyết vướng mắc khi triển khai Chỉ thị số 19 tại Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Điện Bàn, Hội An và Tam Kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các địa phương nêu trên tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần của Chỉ thị số 19. Trong đó chú ý, các khu vực chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thì giải quyết quyền lợi cho người dân về đất đai và xây dựng theo đúng quy định của pháp luật. Các khu vực đã có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải tổ chức quản lý chặt chẽ, không để phát sinh phức tạp.

Duy Hải có 100 trường hợp người dân “xin” giải tỏa và TĐC trước, nhưng mới có hơn 30 trường hợp thực sự cấp thiết được giải quyết. “Thời điểm này, dự án giải tỏa gần 300ha, xã còn gần 700 hộ dân chưa di dời. Số hộ chưa di dời này, trở thành những người sống chung với “dự án treo”, họ đòi hỏi chính quyền cơ sở giải quyết quyền lợi” - ông Thống nói.

Các quy định cấm thay đổi hiện trạng kéo dài nhiều năm, làm cho nhu cầu xây nhà ở, chuyển mục đích sử dụng đất của người dân càng tăng. Hệ lụy là không chỉ khu vực ngoài quy hoạch, mà vùng quy hoạch dự án tái diễn tình trạng xây mới, cơi nới nhà cửa trái phép. Điển hình là tại hai xã Duy Hải và Duy Nghĩa.

Ông Cao Ngọc Tích - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà - Chu Lai (đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng) cho biết, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn hai xã Duy Hải và Duy Nghĩa có nhiều trường hợp tiếp tục xây dựng mới, cơi nới nhà cửa, vật kiến trúc ngay trong phạm vi các dự án nhưng chưa được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm. Đơn cử như trong phạm vi dự án khu TĐC Duy Hải giai đoạn 3, có 75 trường hợp xây dựng trái phép, trong đó có 55 nhà ở và 23 trường hợp xây dựng các hạng mục khác.

“Đến nay đã xử lý hỗ trợ và bồi thường được 4 trường hợp có nhà ở, số trường hợp còn lại đề nghị phải được hỗ trợ đối với phần đã xây dựng trái phép mới thống nhất phương án bồi thường. Đây là một trong những lý do dẫn đến chậm giải tỏa mặt bằng” - ông Tích nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Nguyễn Xuân Vũ, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; tách thửa phân chia, tặng cho quyền sử dụng đất; tách thửa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất; nhu cầu giao đất để xây dựng nhà ở của người dân rất lớn nhưng không được thực hiện, gây bức xúc trong nhân dân.

“Nguyên nhân chính là đến nay trong phạm vi thuộc Quyết định 1737 ngày 13.12.2018 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (cũ) chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết nên các địa phương chưa dám thực hiện” - ông Vũ nói lý do địa phương không giải quyết quyền lợi sử dụng đất cho người dân.

Những lý do nêu trên, một phần cho thấy chính quyền địa phương phải chịu nhiều áp lực từ người dân và yêu cầu quản lý đất đai của cấp trên, họ như đứng “giữa dòng” trong công cuộc này.

Bất cập hồ sơ đất đai

Khác với Chỉ thị số 06, Chỉ thị số 19 cho phép việc tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng phải phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, do nhiều nơi chậm phê duyệt quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cũng ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, kể cả các dự án.

Theo Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà - Chu Lai, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của huyện Duy Xuyên thường được UBND tỉnh phê duyệt chậm nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án.

Danh mục các dự án thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4008, ngày 31.12.2020 nhưng kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của huyện Duy Xuyên đến nay chưa được phê duyệt nên chưa đủ điều kiện để thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án cho kế hoạch năm 2021. Gần 1 năm Chỉ thị số 19 ra đời với các cơ chế thông thoáng hơn Chỉ thị số 06, nhưng đất đai bị “ngưng đọng” ở nhiều xã vùng đông.

Ông Lương Thiện Phước - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT) khẳng định, một số địa phương lúng túng với Chỉ thị số 19 là chờ Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam phê duyệt quy hoạch phân khu, chi tiết làm căn cứ để chính quyền xác nhận có phù hợp quy hoạch hay không.

Mặt khác, do dữ liệu, hồ sơ về đất đai ở vùng đông còn bất cập, chồng chéo và thiếu rõ ràng, nên địa phương khó xác định “tính pháp lý” của các thửa đất, làm cơ sở để phục vụ người dân thực hiện quyền sử dụng đất.

Đơn cử, tại xã Tam Thanh (Tam Kỳ), do hồ sơ quản lý đất đai qua các thời kỳ lỏng lẻo dẫn đến sự chồng lấn giữa các loại đất. Thực tế tại xã ven biển này, nhiều trường hợp người dân sinh sống, xây nhà ở nằm trên phần đất được quy hoạch là rừng sản xuất, kể cả đất công ích 5%.

Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Trần Trung Hậu cho biết, hồ sơ đất đai theo Nghị định 64 của Chính phủ, xã Tam Thanh có nhiều loại đất không phù hợp là đất công ích 5% như đất trồng rừng sản xuất (đất RTs), đất ở và đất vườn, đất trồng lúa…

Trong đó, đất RTs chiếm diện tích lớn nhất với hơn 140ha là loại đất có khả năng trồng rừng. Kết quả đo đạc lập hồ sơ cơ sở dữ liệu đất đai cho thấy hơn 155,5ha tại xã Tam Thanh đã biến động về mặt hình thể, diện tích.

Hồ sơ đất đai theo Nghị định 64 của Chính phủ được duyệt từ năm 1998 đến 2017 đã biến động rất nhiều, hiện trạng không còn đúng với hồ sơ được lập ban đầu nhưng không được chỉnh lý.

Điều đáng nói trong diện tích biến động này, người dân sử dụng đất ổn định, mua bán, chuyển nhượng dưới cả hình thức công khai và lén lút. Bất cập ở chỗ, khi người dân có nhu cầu đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì UBND xã Tam Thanh cho rằng, không đủ điều kiện cấp giấy do hiện trạng sử dụng đất đã biến động hoàn toàn so với hồ sơ địa chính theo Nghị định 64.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trường Sơn khẳng định, trên địa bàn xã Tam Thanh, hầu hết diện tích đất thuộc quy hoạch đất rừng theo Quyết định số 120 về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bảo vệ - phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, được người dân xây dựng nhà ở từ lâu đời đến nay, sử dụng liên tục, ổn định, không tranh chấp; có khu vực nhiều thế hệ cùng chung sống trong một ngôi nhà, nhu cầu về đất ở rất bức thiết.

Còn tại huyện Thăng Bình, vì giữ nguyên hiện trạng, chờ ngành chức năng hướng dẫn giải quyết các thủ tục về đất đai thuộc phạm vi thực hiện Chỉ thị 19, chính quyền đối mặt với nhiều áp lực giữ đất khi người dân phải lén lút tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Lúng lúng cho nhiều địa phương là quản lý hiện trạng theo đúng phân khu được duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thắt chặt quản lý đất đai vùng đông - Bài cuối: Cần giải tỏa áp lực từ cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO