Thúc đẩy thi công cầu Sông Thu

CÔNG TÚ 31/03/2023 08:41

Chủ đầu tư đang đôn đốc liên danh nhà thầu thi công dự án đường nối quốc lộ 14H đến tuyến ĐT609C đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình cầu Sông Thu, phấn đấu thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2023.

Một vị trí thi công trụ cầu đã xong phần khoan cọc. Ảnh: C.T
Một vị trí thi công trụ cầu đã xong phần khoan cọc. Ảnh: C.T

Xong hạ bộ trước mùa mưa

Khởi công vào ngày 24/7/2022, dự án đường nối quốc lộ 14H đến tuyến ĐT609C có điểm đầu giao với quốc lộ 14H thuộc địa phận xã Duy Phú, qua xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên) vượt sông Thu Bồn với điểm cuối giao với tuyến ĐH5.ĐL thuộc địa phận xã Đại Thắng (huyện Đại Lộc).

Ngay từ đầu, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo liên danh nhà thầu tập trung thi công cầu Sông Thu.

Ghi nhận trên công trường cầu Sông Thu, 2 mố cầu M1 và M2 đã hoàn thành, nhiều trụ vươn cao như tiêu chuẩn thiết kế. Tại bãi đúc dầm, 27/64 dầm đã đúc xong và đang chờ ngày lao để nối liền các nhịp (tổng cộng 16 nhịp dầm Super T).

Dự án đường nối quốc lộ 14H đến tuyến ĐT609C dài 6km. Trong đó, phần đường dài 5,4km với nền rộng 9m và mặt đường bê tông nhựa rộng 8m. Cầu Sông Thu dài 669m, bề rộng cầu 9m, phần xe chạy 8m. Tổng mức đầu tư dự án 340 tỷ đồng (chi phí GPMB chiếm 30,08 tỷ đồng). Công trình được thi công trong 840 ngày, hoàn thành vào tháng 11/2024.

Kỹ sư Phan Văn Huy - Tư vấn giám sát trưởng dự án của Phân viện KH&CN giao thông vận tải miền Trung cho biết, các hạng mục thi công cầu Sông Thu đảm bảo tiến độ.

Nhìn từ bờ Duy Tân, nhà thầu hiện làm xong mố M1, các trụ T1 và T3; đang triển khai đổ thân trụ T4 và bệ trụ T5; hoàn thành khoan cọc nhồi trụ T6 và đang khoan cọc nhồi để đúc trụ T7.

Tại bờ Đại Thắng, mố M2, các trụ T15 và T14 đã thi công xong; đang khoan cọc nhồi trụ T13. Theo kế hoạch, giữa tháng 4/2023 sẽ tiến hành lao 3 nhịp cầu để nối liền mố M1 với trụ T1, 2 trụ T3 với T4, 2 trụ T4 với T5.

Tư vấn giám sát dự án chia sẻ, năng lực của liên danh nhà thầu gồm Công ty CP Xây lắp Thành An 96, Công ty CP Xây lắp 368, Công ty CP Xây dựng Quang Đại Việt đảm bảo. Công tác an toàn lao động, an toàn giao thông luôn được chủ đầu tư, tư vấn giám sát chú trọng kiểm tra, chỉ đạo nhà thầu thực hiện nghiêm túc.

Chờ mặt bằng

Về giải phóng mặt bằng (GPMB), chủ đầu tư cho biết đã bàn giao hồ sơ cọc mốc trên thực địa (lần 1) vào ngày 15/2/2022 và điều chỉnh (lần 2) vào ngày 1/7/2022 cho huyện Duy Xuyên có chiều dài 4,1km.

Đến nay, địa phương phê duyệt hồ sơ giải thửa với 250 hộ bị ảnh hưởng. Phê duyệt xong phương án đợt 1 (mồ mả của 24 hộ, điện), trình phương án đợt 2 (đất nông nghiệp qua xã Duy Phú liên quan đến 37 hộ) và đang thẩm định. Xã Duy Tân đã thông báo thu hồi đất, xét nguồn gốc đất và kiểm đếm. Cũng tại Duy Xuyên, cơ quan chức năng đang xét thầu lựa chọn đơn vị di dời hệ thống điện trung hạ thế.

Qua huyện Đại Lộc, địa phương phải GPMB trên chiều dài 1km thuộc xã Đại Thắng với 103 hộ và 1 tổ chức bị ảnh hưởng. Cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án bồi thường đợt 1, bàn giao mặt bằng được 0,44km.

Phương án đợt 2 đã trình, đang thẩm định phê duyệt. Đối với hộ bị ảnh hưởng đất và nhà ở tại nút giao cuối tuyến, đơn vị tư vấn đang lập hồ sơ thiết để triển khai các bước xây dựng khu tái định cư.

Chủ tịch UBND xã Đại Thắng - ông Trần Công Phụng cho biết, các hộ thuộc phương án GPMB đợt 2 đã thống nhất với chủ trương chung. Việc xét nguồn gốc đất, nhân khẩu thuộc trường hợp phải bố trí tái định cư cũng đã hoàn tất. “Khu tái định cư xây dựng trên diện tích 0,9ha. Điều thuận lợi là địa điểm được chọn có mặt bằng tương đối ổn, không vướng đất của người dân” - ông Phụng cho biết.

Theo đại diện nhà thầu, chủ đầu tư đã ra hạn định sẽ bắt đầu lao lắp dầm vào tháng 4, phải hoàn thành phần hạ bộ trước mùa mưa và thông xe kỹ thuật cầu Sông Thu vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, bờ xã Duy Tân còn vướng điện trung hạ thế và vị trí thi công trụ T2.

Tại vị trí trụ T2, đất của 4 hộ dân chưa xong phần bồi thường, bàn giao mặt bằng (mới vận động chi trả vật kiến trúc), nên nhà thầu phải thuê đất 1 hộ dân để làm đường công vụ đi qua thi công 9 trụ cầu dưới lòng sông.

“Địa phương cam kết cuối năm 2022 sẽ khơi thông mặt bằng đoạn qua đất ruộng, đất nông nghiệp song đến gần cuối tháng 3/2023 mà Duy Xuyên chưa bàn giao được đoạn tuyến nào. Bãi đúc dầm sắp đầy, chúng tôi không còn chỗ để đúc tiếp do thiếu mặt bằng” - đại diện nhà thầu chia sẻ.

Trước thực tế nêu trên, chủ đầu tư kiến nghị huyện Duy Xuyên quan tâm chỉ đạo GPMB theo mức độ ưu tiên ở giai đoạn trước mắt. Theo đó, sớm phê duyệt phương án đợt 2 đang trình thuộc đoạn đất nông nghiệp qua xã Duy Phú; khẩn trương lập phương án tiếp theo đối với các thửa đất nông nghiệp còn lại trên toàn tuyến.

Đẩy nhanh GPMB đoạn cầu Sông Thu (vị trí trụ T2, bãi chứa dầm, đường dẫn lên cầu; di dời đường dây trung hạ thế) để thi công đáp ứng tiến độ và đồng bộ thực hiện lao lắp dầm theo kế hoạch. Cạnh đó, huyện khẩn trương thực hiện các thủ tục xây dựng khu tái định cư để bố trí cho hộ dân bị ảnh hưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thúc đẩy thi công cầu Sông Thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO