Triển khai dự án đầu tư công: Chạy đua với thời gian

CÔNG TÚ - TRỊNH DŨNG 22/05/2022 07:34

Đầu tư công ở Quảng Nam có dấu hiệu chậm chạp khi nhiều dự án khởi công mới năm 2022 chậm tiến độ thủ tục đầu tư; tình trạng giải ngân vốn vẫn ì ạch. Nguyên nhân được phân tích vẫn là những chuyện cũ, nhưng sự mới mẻ đáng để hy vọng là biện pháp thúc đẩy đầu tư của Quảng Nam đã quyết liệt hơn...

Trường THPT Lương Thúc Kỳ (Đại Lộc) chờ phê duyệt dự án đầu tư. Ảnh: G.KHẢI
Trường THPT Lương Thúc Kỳ (Đại Lộc) chờ phê duyệt dự án đầu tư. Ảnh: G.KHẢI

CHẬM CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ

Theo kế hoạch, Quảng Nam sẽ triển khai các bước thủ tục đầu tư để thi công hàng loạt dự án quan trọng trong năm 2022. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư diễn ra chậm so với yêu cầu.

“Vấp” thủ tục  đầu tư

Sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư 12 dự án sử dụng ngân sách tỉnh năm 2022. Toàn bộ 12 dự án có thời hạn chung là ngày 31.3.2022 phải hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư để có cơ sở bố trí nguồn vốn và triển khai những bước tiếp theo.

Song, ông Trần Duy Phúc - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh chia sẻ, chỉ có 3 dự án hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư là kè chắn đất kết hợp tường bảo vệ Trường THPT Trần Phú; cải tạo, nâng cấp Làng Hòa Bình Quảng Nam; cải tạo, nâng cấp Cơ sở cai nghiện ma túy Quảng Nam. Các dự án còn lại đành “lỗi hẹn” vì đang thuộc giai đoạn chờ ngành chức năng liên quan thẩm định.               

Trong 9 dự án của đơn vị chưa phê duyệt dự án đầu tư, ông Trần Duy Phúc cho biết có 3 dự án thuộc lĩnh vực y tế, đó là Khoa khám bệnh, cấp cứu thuộc Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam; cải tạo, nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình; cải tạo, nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Nam Giang.

Đầu tháng 3.2022, đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi 3 dự án nêu trên và trình Sở Xây dựng thẩm định. Giữa tháng 3 năm nay, Sở Xây dựng có công văn góp ý hoàn thiện hồ sơ, chủ đầu tư đã phối hợp thực hiện và trình lại vào ngày 25.3.

Tuy nhiên, ở nội dung bổ sung phương án thiết kế cho dự án, Sở Xây dựng yêu cầu phải nêu cơ sở lựa chọn và cung cấp cấu hình cụ thể có ý kiến của Sở Y tế. Đến ngày 28.4, Sở Xây dựng có báo cáo gửi UBND tỉnh, trong đó yêu cầu ban quản lý cung cấp cơ sở của việc lựa chọn và thông số kỹ thuật thiết bị y tế để ngành này lấy ý kiến của Sở Y tế về thông số kỹ thuật, Sở KH-CN về công nghệ, Sở Tài chính về giá.

Theo thống kê của Sở KH&ĐT, kế hoạch bố trí vốn từ ngân sách tỉnh trong năm 2022 để khởi công mới có tổng cộng 77 dự án. Chủ đầu tư những dự án này được giao cho nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, ban quản lý dự án chuyên ngành cấp tỉnh. Đến nay, 57 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo thời hạn phê duyệt dự án để bố trí kế hoạch vốn, dự án phải phê duyệt trước thời điểm ngày 31.3 năm nay là 53 dự án, nhưng chỉ mới phê duyệt xong 27 dự án đầu tư. Dự án phải phê duyệt trước thời điểm ngày 31.5.2022 là 24 dự án thì chưa có dự án nào được phê duyệt dự án đầu tư.       

Nguyên nhân chủ quan

Về sự chậm trễ hoàn chỉnh thủ tục đầu tư nêu trên, UBND tỉnh đánh giá nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu khi công tác tổ chức thực hiện ở các chủ đầu tư thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể...

Ông Hà Phước Lộc - Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình Sở GTVT cho rằng, các năm 2021 và 2022 thuộc phần đầu của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nên nhiều dự án được triển khai đồng thời. Cơ quan thẩm định tiếp nhận số lượng lớn hồ sơ, thủ tục để thẩm định, tham mưu phê duyệt chủ trương đầu tư, hoặc phê duyệt dự án đầu tư nên quá tải.

Dự án cải tạo, nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình chưa phê duyệt dự án đầu tư. Ảnh: C.TÚ
Dự án cải tạo, nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình chưa phê duyệt dự án đầu tư. Ảnh: C.TÚ

Cũng theo ông Lộc, ngành chức năng chịu trách nhiệm chủ trì phải ghi nhận góp ý, thẩm định của nhiều đơn vị khác nhau, vì vậy mất khá nhiều thời gian để phê duyệt xong một dự án đầu tư.

Đơn cử, ngày 9.5.2022, Sở GTVT nhận được hồ sơ, kèm theo tờ trình của UBND huyện Nông Sơn về đề nghị thẩm định, phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng tuyến ĐH4.NS (đoạn từ cầu Nông Sơn đến làng Đại Bình).

Căn cứ quy định hiện hành, Sở GTVT có văn bản đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia góp ý dự án về nội dung liên quan quốc phòng; Sở NN&PTNT tham gia ý kiến vì liên quan đất lúa, đất rừng, công trình thủy lợi (nếu có), tác động của dự án đến dòng chảy lũ, vấn đề ngập lụt trong khu vực; Sở TN-MT cho ý kiến tính khả thi giải phóng mặt bằng, tác động môi trường; Sở Xây dựng thẩm định hạng mục cây xanh, điện chiếu sáng, có ý kiến khớp nối công trình với quy hoạch xây dựng…

Riêng lập thủ tục đầu tư cho y tế, Sở KH&ĐT cho biết mua sắm trang thiết bị y tế nói chung gặp rất nhiều khó khăn do liên quan chuyện công khai giá, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, cho nên việc mời đơn vị tư vấn, mời chào giá gặp trở ngại.

Kể từ ngày 1.1.2022, Nghị định 98 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực thi hành. Theo đó, việc kê khai, công khai giá trang thiết bị y tế trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế kể từ ngày 1.4.2022 khiến quá trình tìm kiếm đơn vị tư vấn thẩm định giá trang thiết bị y tế càng thêm khó khăn. Ngoài ra, việc lập các thủ tục về môi trường mới theo Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 cũng tốn khá nhiều thời gian... 

Tìm cách thúc đẩy tiến độ dự án

Để thúc đẩy tiến độ dự án, ông Trần Duy Phúc cho biết, đơn vị đã tích cực phối hợp với các bên liên quan làm rõ về thông số kỹ thuật của trang thiết bị y tế theo yêu cầu của cơ quan thẩm định.

Thuộc lĩnh vực GD-ĐT, 2 dự án đầu tư xây dựng Trường THPT Lương Thúc Kỳ (Đại Lộc) và Trường THPT Núi Thành (Núi Thành) đã hoàn thiện hồ sơ, trình Sở Xây dựng thẩm định. Riêng dự án đầu tư Trường THPT Lương Thúc Kỳ, do vướng đường dây điện trung thế nên phải làm thêm hồ sơ di dời trình Sở Công Thương chủ trì thẩm định.

Với dự án nâng cấp, cải tạo và sửa chữa Khu trung tâm TD-TT tỉnh Quảng Nam, Sở Xây dựng đang xem xét hồ sơ nhưng vì vướng điều chỉnh quy hoạch tổng thể nên chưa được thẩm định. Trước vướng mắc trên, chủ đầu tư đã đề nghị các bên thống nhất vị trí các hạng mục công trình để phê duyệt dự án, còn điều chỉnh quy hoạch tổng thể sẽ tiến hành song song trong quá trình triển khai dự án.

Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình Sở GTVT - ông Hà Phước Lộc chia sẻ, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã trực tiếp thẩm định, hoặc cùng tham gia thẩm định hoàn thành dự án đầu tư cho 8 công trình.

Trong số đó, 6 dự án đầu tư liên quan công trình giao thông (do ban quản lý dự án chuyên ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện làm chủ đầu tư), 2 dự án về hồ chứa nước có hạng mục đường giao thông (do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT làm chủ đầu tư).

Với trách nhiệm được giao, Sở GTVT sau khi tiếp nhận hồ sơ, tập trung nhân lực thẩm định theo quy định. Tuy nhiên, tiến độ nhanh hay chậm còn tùy thuộc chất lượng hồ sơ trình lên của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn dự án.

Chưa tính 24 dự án mà hạn định phê duyệt dự án đầu tư phải xong trước thời điểm 31.5.2022, tổng cộng có tới 26 dự án hiện chưa đảm bảo thủ tục đầu tư để được bố trí kế hoạch vốn năm 2022.

Từ thực tế nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang yêu cầu chủ đầu tư các dự án “nợ” phê duyệt dự án đầu tư có thời hạn trước ngày 31.3 phải khẩn trương báo cáo giải trình, đề nghị gia hạn thời gian và cam kết đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh thủ tục, đảm bảo phê duyệt chậm nhất đến ngày 31.5 năm nay.

Cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư các dự án có thời hạn phê duyệt dự án đầu tư trước ngày 31.5 phải tập trung hoàn thành thủ tục, trình cấp thẩm quyền phê duyệt đúng thời gian đã đề ra.

Như vậy, thời hạn còn chưa tới nửa tháng, liệu rằng mọi thứ có thể hoàn tất?

VỐN CHỜ DỰ ÁN

Nguồn vốn phân bổ lớn, nhưng do thiếu khối lượng thi công và dự án chưa được phê duyệt đầu tư khiến tiến độ giải ngân không như  kỳ vọng.

Công trình Khu điều trị kỹ thuật cao Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: T.DŨNG
Công trình Khu điều trị kỹ thuật cao Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: T.DŨNG

Tiến độ giải ngân ì ạch

Liên danh Công ty CP Vinaconex 25 và Công ty TNHH Tập đoàn thang máy thiết bị Thăng Long đã tạo “bất ngờ” với đoàn kiểm tra của UBND tỉnh khi triển khai đầu tư khu điều trị kỹ thuật cao Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam khởi công ngày 3.12.2021 đã thực hiện đạt giá trị khoảng 50 tỷ đồng, đạt 38,9% khối lượng.

Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư dự án) cho biết 33 tỷ đồng vốn bố trí đã giải ngân 100% cho dự án này.

Dự kiến, khối lượng đến hết năm 2022 sẽ đạt giá trị khoảng 110 tỷ đồng. Nhà thầu cam kết sẽ hoàn thành công trình trong vòng 14 tháng, thay vì 19 tháng như hợp đồng, bàn giao vào đầu quý I.2023 (rút ngắn thời gian 5 tháng).

Tiến độ thi công nhanh của dự án này là một trong những “điểm sáng” hiếm hoi trên bức tranh đầu tư ở Quảng Nam. Sở KH&ĐT công bố đến ngày 30.4, cơ quan này đã phân bổ hơn 5.023,5 tỷ đồng/tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 (hơn 5.861,2 tỷ đồng), đạt 85,7%. Bao gồm: ngân sách trung ương phân bổ hơn 1.213,5 tỷ đồng (86,4%); vốn ngân sách địa phương hơn 3.837,5 tỷ đồng (86,1%).

Kế hoạch vốn năm 2022 còn lại chưa phân bổ hơn 837,7 tỷ đồng, bao gồm vốn trung ương hơn 190,5 tỷ đồng của dự án hoàn thiện đường ven biển 129 và kế hoạch vốn ngân sách địa phương hơn 619,6 tỷ đồng.

Lượng vốn phân bổ lớn, nhưng tiến độ giải ngân khá ì ạch. Theo số liệu từ Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 18,6% (hơn 873,5 tỷ đồng). So cùng kỳ năm 2021 (giải ngân 12,8%), kết quả này có cao hơn, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, thấp so với tỷ lệ trung bình của cả nước.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là chuyện các đơn vị, địa phương thực hiện thủ tục đề nghị kéo dài kế hoạch vốn sang năm 2022 (chưa được chấp thuận), hoàn chỉnh hồ sơ thanh toán khối lượng.

Các dự án khởi công mới chậm trễ hoàn thiện thủ tục đầu tư, đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng. Các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài gặp vướng mắc trong thủ tục giải ngân dự án.

Một số dự án có kế hoạch vốn lớn nhưng giải ngân không được đồng nào, như: Liên kết vùng miền Trung (hơn 321,4 tỷ đồng) đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu, trình hồ sơ mời thầu xây lắp cho nhà tài trợ thống nhất; dự án cấp điện nông thôn Quảng Nam (hơn 264,7 tỷ đồng); xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (238,75 tỷ đồng) đang xét thầu tư vấn bước thiết kế bản vẽ thi công... Hai địa phương Hội An và Quế Sơn chỉ mới giải ngân dưới 10%.

Kiên quyết điều chuyển vốn

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng những nguyên nhân viện dẫn cho tỷ lệ giải ngân thấp không có gì mới. “Tại sao đã chuẩn bị đủ các thủ tục, từ danh mục đến thời gian mà các dự án không thể đạt được tiến độ phê duyệt, không thể giải ngân tốt? Sẽ tính toán đến việc bố trí, phân bổ vốn phù hợp cho các dự án khởi công mới năm 2022 chưa được phê duyệt dự án đầu tư (53 dự án), không thể để đọng vốn” – ông Thử nói.

Kế hoạch giải ngân 60% (đến ngày 30.9.2022), hơn 90% (đến ngày 31.12.2022) và đến hết ngày 31.1.2023 sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, tiếp tục gặp khó.

Ông Nguyễn Thanh Tâm – Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam cho biết sẽ giải ngân hết kế hoạch vốn bố trí cho các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương vào cuối quý II và đầu quý III.2022. Riêng các dự án sử dụng vốn ODA và dự án đường vào Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng vướng giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ không thể giải ngân hết kế hoạch vốn năm nay, dù đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ.

Ông Nguyễn Quang Thử nói đã điều chuyển hơn 38,5 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách tỉnh năm 2022 trong quý I. Sẽ kiên quyết điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn những dự án không có khả năng giải ngân hết, tỷ lệ thấp, không đạt tiến độ, dự án không đảm bảo các thủ tục đầu tư theo quy định... sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn, có khả năng giải ngân ngay khi bổ sung.

Các chủ đầu tư cần xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, quý, từng dự án, để kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn, đảm bảo kết quả giải ngân 100% như kế hoạch.

Thống kê, kiến giải từ cơ quan quản lý, chủ đầu tư... cho thấy nghịch lý khó giải là vốn đầu tư công sẽ vẫn luôn chờ, chạy theo dự án để được phân bổ, giải ngân vào nền kinh tế, chưa biết bao giờ kết thúc.

TẠI CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HAY NĂNG LỰC?

Cam kết của các chủ đầu tư, cơ quan quản lý giải ngân 100% kế hoạch vốn chỉ là lý thuyết. Tình trạng “không tiêu hết tiền” tồn tại lâu nay, đã đặt ra câu hỏi là tại cơ chế, chính sách hay năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu?

Dự án Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần (cơ sở 2) đang vướng về mặt bằng cần xử lý để tiếp tục thi công. Ảnh: T.PHONG
Dự án Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần (cơ sở 2) đang vướng về mặt bằng cần xử lý để tiếp tục thi công. Ảnh: T.PHONG

Khu trung tâm điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam (cơ sở 2) mới chỉ mọc lên vài phần móng công trình, một khu nhà nhỏ trên diện tích hơn 3ha ngổn ngang đất đá, núi đồi tại Tam Ngọc (Phú Ninh).

Theo ông Nguyễn Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Phú Hương (một liên danh thi công), hiện giá trị thực hiện dự án chỉ khoảng 2,5 tỷ đồng, đạt 7,5% giá trị hợp đồng. Khi thi công san nền, một số vị trí không khoan khảo sát địa chất, đã gặp phải đá khối lượng quá lớn, cần thời gian để lập hồ sơ xử lý, điều chỉnh, nên tiến trình thi công bị chững lại.

Tình trạng không đạt tiến độ giải ngân không hẳn thuộc về năng lực điều hành. Ông Phạm Văn Phong - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho rằng các ban quản lý chuyên nghiệp, đủ khả năng để thực hiện các dự án đầu tư. Sự nghẽn mạch của công tác giải phóng mặt bằng, những sự cố bất khả kháng đã khiến dự án gặp khó khăn.

Chưa có một con số chính thức, nhưng chắc chắn với tỷ lệ giải ngân thấp như hiện tại thì sẽ chỉ có một số ít dự án đạt tỷ lệ giải ngân 100%, còn lại sẽ có nhiều dự án bị điều chuyển vốn.

Theo ông Trần Xuân Vinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, không thể đổ lỗi cho cơ chế, chính sách. Các chủ đầu tư phải xem lại trách nhiệm của mình khi không thể giải ngân hết vốn. Tại sao cũng cơ chế, chính sách ấy, nhưng các tỉnh thành hay địa phương, ban quản lý khác lại có tỷ lệ giải ngân cao?

Điểm chung khó khăn của các dự án đầu tư năm nay lại đến từ hồ sơ, thủ tục chậm. Trong khi quy trình dự án đầu tư không phải là lần đầu tiên thực hiện. Ông Huỳnh Ngọc Bá - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng có quá nhiều hồ sơ dự án không đúng, bị buộc phải sửa đi, sửa lại, điều chỉnh nhiều lần.

Ông Trần Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở GTVT thì cho rằng thẩm định hồ sơ nhanh hay chậm phụ thuộc chất lượng hồ sơ. Hồ sơ không thể sơ sài, thiếu số liệu chứng minh, thiếu cơ sở, buộc phải chờ đợi bổ sung, mất nhiều thời gian của cơ quan thẩm định...

Áp lực giải ngân đã buộc chính quyền quyết định điều chuyển hay cắt vốn... đã thành thông lệ.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết các sở chuyên ngành được yêu cầu rút ngắn tối đa thời gian thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật dự án. Rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án.

Tăng cường cán bộ, công chức chuyên môn phân công thực hiện các nhiệm vụ thẩm định. Yêu cầu các chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, chất lượng, đảm bảo tư vấn hồ sơ không phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần.

Lập danh sách cụ thể tên từng dự án, địa phương vướng giải phóng mặt bằng, số kế hoạch vốn cụ thể chưa giải ngân được liên quan đến giải phóng mặt bằng, báo cáo UBND tỉnh xem xét, tập trung chỉ đạo giải quyết, xử lý. Việc điều chỉnh hay cắt vốn sẽ theo những lộ trình cụ thể là điều không tránh khỏi.

Có thể thấy việc cắt giảm, điều chuyển vốn sẽ gia tăng tỷ lệ giải ngân cũng chỉ là những giải pháp nhất thời, tình thế. Nguồn lực nhiều hay ít, cắt giảm tối đa số lượng dự án mới, loại bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết... không quá quan trọng bằng nâng cao năng lực các chủ đầu tư.

Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Tài chính cho rằng kiểm điểm trách nhiệm, đánh giá thi đua không quan trọng bằng sự chỉ đạo quyết liệt, khắc phục điểm nghẽn về thủ tục, giải phóng mặt bằng, năng lực chủ đầu tư...

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH NGUYỄN HỒNG QUANG: "KHÔNG ĐỂ TÌNH TRẠNG Ì ẠCH KÉO DÀI"

Trao đổi với Báo Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho biết xu hướng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ khả quan hơn so với các năm trước; chính quyền tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp mạnh hơn để đẩy nhanh tiến độ dự án, giải ngân vốn đầu tư công.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang.

* Kế hoạch đầu tư công năm 2022 có gì mới, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Quang: Các cuộc giám sát, điều hành giải ngân của chính quyền năm 2021 đã nhận diện những điểm yếu về nhân sự, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, thẩm định dự án kéo dài... Chính quyền đã yêu cầu các sở chuyên ngành rà soát, rút ngắn đối đa thời gian thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật dự án.

Các chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn đảm bảo năng lực, uy tín, có kinh nghiệm để nâng cao chất lượng lập hồ sơ, không phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần, không khoán trắng công việc cho đơn vị tư vấn. Người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ đề xuất chủ trương đầu tư, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện và chất lượng của hồ sơ, thủ tục dự án.

Sự khác biệt rõ nhất là kiên quyết loại bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả, cắt giảm tối đa số lượng dự án khởi công mới. Kiểm soát chặt chẽ về sự cần thiết, phạm vi, quy mô đầu tư từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu được duyệt, bảo đảm hiệu quả và kết quả đầu tư của dự án.

Chấm dứt tình trạng “mùa nắng làm thủ tục, mùa mưa thi công” khi danh mục đầu tư đã được phê duyệt từ tháng 6.2021. Các dự án khởi công mới đều phải hoàn thành thủ tục đầu tư trong năm 2021 để đầu năm 2022 chính thức triển khai. Nếu đến ngày 30.11.2021 các dự án khởi công mới năm 2022 chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ không giao kế hoạch vốn năm 2022.

* Quy trình thuận lợi, nhưng tỷ lệ giải ngân hiện đạt thấp. Vẫn còn quá nhiều dự án chưa được phê duyệt khi thời hạn ấn định đã qua; có phải năng lực các bên quá yếu, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Quang: Ngoài nguyên nhân ảnh hưởng dịch bệnh, giá vật liệu tăng, huy động nhân lực khó khăn, vướng giải phóng mặt bằng thì tỷ lệ giải ngân thấp chủ yếu do năng lực các chủ đầu tư.

Các dự án được phê duyệt tháng 6 năm trước thì tháng 1 năm sau phải nộp quyết định để phân bổ vốn, nhưng đến cuối tháng 3 vẫn chưa có thì cho thấy chủ đầu tư thiếu năng lực.

Thời gian giao nhiều, nhưng chậm làm thủ tục dẫn đến giải ngân chậm. Dễ dàng thấy công tác chuẩn bị dự án yếu, chất lượng hồ sơ chưa tốt nên gặp khó khi triển khai, phải đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn, chủ trương đầu tư nhiều lần...

Công trường xây dựng hồ chứa nước Lai Nghi và Pháp Bảo thuộc Dự án phát triển môi trường đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An đang được tập trung thi công. Ảnh: T.DŨNG
Công trường xây dựng hồ chứa nước Lai Nghi và Pháp Bảo thuộc Dự án phát triển môi trường đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An đang được tập trung thi công. Ảnh: T.DŨNG

* Những hạn chế nêu trên không mới. Liệu có cách gì để thay đổi không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Quang: Không thể để tình trạng ì ạch kéo dài. Tất cả dự án (kể cả những dự án được gia hạn) đến 31.5.2022 là thời hạn cuối cùng phải hoàn thành các thủ tục, phê duyệt đầu tư. Nếu không thì buộc phải cắt, chuyển sang năm 2023 đầu tư.

Sẽ rà soát kế hoạch vốn đã phân bổ, điều chuyển, dồn vốn sang các công trình chuyển tiếp hay các công trình có khối lượng lớn, hoàn thành, nhưng kế hoạch vốn ít, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư và nâng cao tỷ lệ giải ngân. Ít nhất đến hết tháng 6 phải giải ngân 40% kế hoạch vốn.

Chính quyền đã yêu cầu các sở, ban quản lý chuyên ngành rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh quyết toán... từng dự án cụ thể.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc phát sinh, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Các dự án không thể triển khai thi công, vướng giải phóng mặt bằng, tỷ lệ giải ngân thấp, không đảm bảo khả năng trong năm 2022... buộc phải chủ động tham mưu cấp thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn không có khả năng giải ngân sang các dự án có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn và đảm bảo khả năng giải ngân trong năm 2022.

Các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý, năm, từng dự án và từng cá nhân chịu trách nhiệm. Đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, kịp thời hoàn chỉnh hồ sơ thanh toán, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư năm 2022, kể cả vốn kế hoạch năm 2021 kéo dài.

* Sẽ quy trách nhiệm như thế nào đối với cá nhân, tập thể để tình trạng không xài hết vốn đầu tư tiếp tục diễn ra?

Ông Nguyễn Hồng Quang: Các số liệu giải ngân sẽ được công khai cho các cơ quan theo dõi, giám sát. UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét, xử lý kỷ luật các chủ đầu tư, nhà thầu thiếu trách nhiệm, cố tình gây chậm trễ trong việc chậm tiến độ giao, giải ngân vốn, kiểm điểm kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Người đứng đầu, tập thể không hoàn thành tỷ lệ giải ngân theo quy định sẽ không được đề xuất bất cứ danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng nào. Quan trọng hơn, sẽ không giao làm nhiệm vụ chủ đầu tư, hạn chế hoặc không giao công trình mới, chuyển cho đơn vị khác có năng lực hơn thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

CẦN SỰ THAY ĐỔI MẠNH MẼ

Hoàn chỉnh thủ tục đầu tư dự án là một phần quan trọng của một dự án đầu tư trên thực địa. Nếu công đoạn này tiến triển ì ạch, thời gian chuẩn bị đầu tư sẽ kéo dài, phá vỡ kế hoạch vốn đã dự kiến bố trí. Dự án chậm triển khai kéo theo những hệ lụy trước sự biến động về giá, cơ chế chính sách... Thế nên, việc tìm giải pháp nhằm tháo gỡ ách tắc ngay từ quá trình chuẩn bị đầu tư là cần thiết.

Ông Trần Duy Phúc - Phó Giám đốc   Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam:

Quá trình lập, trình phê duyệt dự án đầu tư luôn kéo dài do nhiều thủ tục liên quan. Chính vì vậy, cấp thẩm quyền nên rút ngắn thời gian lập chủ trương đầu tư, để tập trung cho lập dự án đầu tư. Cạnh đó, hồ sơ dự án muốn đạt chất lượng cần phải chọn đơn vị tư vấn có năng lực, góp phần đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình phê duyệt các bước đầu tư.    

Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Kế hoạch - kỹ thuật (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh):

Năm 2022, đơn vị được giao thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 12 dự án, trong đó có 6 dự án từ nguồn ngân sách tỉnh. Đến thời điểm này, 6 công trình sử dụng vốn ngân sách đã phê duyệt xong dự án đầu tư, đang ở giai đoạn triển khai bước thiết kế bản vẽ thi công. Để đẩy tiến độ chuẩn bị thủ tục đầu tư, quá trình thẩm định, phê duyệt cần có sự thay đổi.

Chẳng hạn, cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ cần tập trung thẩm định thủ tục, quy hoạch… của dự án đảm bảo chưa; nên thống nhất với các đề xuất nằm trong phạm vi quy định, chứ đừng quá yêu cầu chi tiết về hồ sơ. Các nội dung chuyên môn thì lựa chọn đơn vị đủ năng lực, uy tín, chuyên sâu để thẩm tra và giao đơn vị này chịu trách nhiệm kết quả thẩm tra.

Ông Hà Phước Lộc - Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình (Sở GTVT):

Chủ đầu tư cần nâng cao trách nhiệm trong lập thủ tục chuẩn bị đầu tư, tránh chuyện hồ sơ thiếu, chất lượng không đạt. Đặc biệt, bố trí kế hoạch vốn để giải phóng mặt bằng, tái định cư cần đi trước; khi có mặt bằng sạch rồi mới đấu thầu, lựa chọn đơn vị xây lắp thi công.

Như vậy, nguồn vốn bỏ ra sẽ phát huy hiệu quả cao, tránh được cảnh đang thi công thì thiết bị phải “đắp chiếu” nằm chờ mặt bằng; lại hạn chế thực trạng người gương mẫu bàn giao mặt bằng trước phải chịu thiệt thòi so với đối tượng chây ỳ trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do cơ chế chính sách thay đổi.  


(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai dự án đầu tư công: Chạy đua với thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO