Ưu tiên nguồn lực cho vùng đông

HỮU PHÚC 06/07/2020 12:42

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) vào hôm qua 5.7, Quảng Nam đề xuất nhiều giải pháp tái cấu trúc kinh tế, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công, huy động tìm kiếm nguồn lực khớp nối hạ tầng liên kết không gian vùng.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng kiểm tra bản đồ điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai tại buổi đi thực tế chiều 4.7 tại đường 129 thuộc huyện Núi Thành. Ảnh: H.P
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng kiểm tra bản đồ điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai tại buổi đi thực tế chiều 4.7 tại đường 129 thuộc huyện Núi Thành. Ảnh: H.P

Đề xuất chuyển vốn đầu tư

Giám đốc Sở KH&ĐT Đặng Phong đề nghị, Bộ KH&ĐT nên điều chỉnh giảm vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của dự án đường trục chính, tái định cư Khu công nghiệp Tam Quang để tăng kế hoạch vốn cho dự án nạo vét cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành) giai đoạn 2 và đường trục chính vào Khu công nghiệp Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) mở rộng.

Theo ông Phong, dự án nạo vét cảng Kỳ Hà giai đoạn 2 và đường trục chính vào Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng thuộc dự án công trình trọng điểm. Cạnh đó, giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam cần bố trí khoảng 3.800 tỷ đồng đầu tư cho các dự án chiến lược như đường giao thông phát triển sản phẩm quốc gia Sâm Ngọc Linh; hoàn thiện đường ven biển 129 (nay là đường Võ Chí Công); đường (cầu) trục chính Tam Hòa; đường nối Khu công nghiệp Việt - Hàn đi đường ven biển 129; đường trục chính từ cảng Kỳ Hà - sân bay Chu Lai nối lên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Chính quyền tỉnh còn đề xuất Bộ KH&ĐT xem xét nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14E, 14D; kết nối hành lang kinh tế đông - tây bằng đầu tư các tuyến đường ngang, xây dựng hạ tầng ở cửa khẩu Nam Giang.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, kết cấu hạ tầng Khu kinh tế mở Chu Lai chưa hấp dẫn các nhà đầu tư nên đề xuất nạo vét luồng mới vào cảng Kỳ Hà với tổng kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng thì tàu công suất 5 vạn tấn mới có thể ra vào cảng. Vừa nạo vét luồng vừa xây kè thì ngân sách khó có thể đáp ứng, nên Bộ KH&ĐT xem xét cơ chế đầu tư, đặc biệt thực hiện đầu tư theo hình thức hợp tác công -  tư. Định hướng của tỉnh hiện nay là biến sân bay Chu Lai thành trung tâm duy tu, sửa chữa các loại máy bay, là cảng trung chuyển sửa chữa, thay thế phụ tùng, linh kiện, thiết bị của hàng không.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh còn đề xuất: “Địa phương mong muốn đầu tư xây dựng một trường dạy nghề cấp vùng theo tiêu chuẩn quốc tế để thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng, với Quảng Nam, làm cầu vượt qua đường sắt đã thấy được hiệu quả rõ nét khi đất đai 2 bên đường trở nên có giá trị. Ngoài rút ngắn cách biệt 2 vùng đông - tây, còn tạo ra sự lưu thông hàng hóa thuận tiện vừa giảm tai nạn giao thông ở tuyến đường sắt. Về lâu dài, Trung ương cần nghiên cứu cho cả miền Trung về nguồn lực đầu tư khu vực có đường sắt cắt qua. Quảng Nam cũng mong muốn Trung ương lập quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung làm căn cứ để các địa phương trong vùng thực hiện.

Kết nối không gian phát triển

Theo ông Đặng Phong - Giám đốc Sở KH&ĐT, trong 6 tháng đầu năm, do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nền kinh tế nhìn chung suy giảm. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh chỉ bằng 88% so với cùng kỳ năm 2019; tổng sản phẩm GRDP hơn 26.790 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 33,5% dự toán, bằng 62,4% so với cùng kỳ. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 trong 6 tháng đầu năm là 1.706 tỷ đồng, tuy cao hơn cùng kỳ năm 2019 nhưng còn thấp so với yêu cầu. Vướng mắc chủ yếu do các chủ đầu tư tập trung giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 kéo sang năm 2020; năm nay không có dự án khởi công mới. Cạnh đó, giải phóng mặt bằng của một số dự án còn chậm.

Theo Vụ Kinh tế đối ngoại thuộc Bộ KH&ĐT, cả 6 dự án lớn trên địa bàn tỉnh giải ngân thấp có lỗi từ nhà tài trợ, các bộ ngành của Trung ương và có trách nhiệm của UBND tỉnh về chậm phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thực tế Khu công nghiệp Tam Thăng 2 hiện chỉ mới giải phóng mặt bằng hơn 30ha và Khu công nghiệp Nông - lâm nghiệp thuộc Thaco mới giải tỏa 18ha. Vì thiếu quỹ đất sạch nên tiến độ thực hiện dự án rất chậm. Trong khi đó, tỷ lệ đầu tư lấp đầy diện tích ở các khu công nghiệp của tỉnh chỉ hơn 40%, theo quy định là chưa đảm bảo.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao Quảng Nam đã giữ được quy hoạch vùng ven biển, nhất là 2 bên đường 129 xem đây như là “của để dành”; đồng thời phân bổ không gian, nguồn lực đầu tư hợp lý. Định hướng quy hoạch thể hiện rõ nét, ở khu vực phía bắc là tập trung phát triển du lịch - dịch vụ; còn phía nam mà trọng tâm là Khu kinh tế mở Chu Lai phát triển công nghiệp. Đồng tình với định hướng đầu tư sân bay Chu Lai ngoài nguồn ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, phải xác định sân bay Chu Lai có lợi thế riêng biệt mà nhiều sân bay lớn của cả nước không có được, là trung tâm về sửa chữa, trung chuyển phụ tùng, linh kiện, thiết bị của các hãng hàng không trong khu vực và quốc tế.

“Trục chính ven biển 129 sẽ là hành lang kinh tế. Quan điểm nhất quán là tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho vùng đông trước; vùng tây tính sau và vùng này chỉ phát triển nông nghiệp hữu cơ, mô hình nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao, lo an sinh xã hội tốt. Liên kết vùng ở đây tất yếu phải gắn kết cho được Đà Nẵng và Dung Quất (Quảng Ngãi)” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. 

Về đầu tư, lãnh đạo Bộ KH&ĐT ủng hộ cao Quảng Nam chủ trương xây dựng trường dạy nghề cấp vùng theo tiêu chuẩn quốc tế bằng nguồn vốn vay ODA; ưu tiên các dự án mới từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuống biển kết nối các trục ngang. Các dự án hạ tầng cho vùng tây tạm thời chưa bố trí nguồn vốn đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ưu tiên nguồn lực cho vùng đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO