Giao thừa trên bãi Bấc

LÊ QUANG TRẠNG 01/01/2023 08:48

Không đúng mùa sinh sản, nhưng đôi khi vào những ngày cuối năm, các cụ rùa lại về thăm bãi Bấc, ngay lúc biển vắng người và gió cũng ngủ quên trên tán dừa phẳng lặng. Ba tôi là người đầu tiên phát hiện điều ấy, sau lần ông nhặt những tổ trứng rùa mang về ấp ở sau lăng Ông Ngư, ngay đêm giao thừa đáng nhớ…

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

Hồi ấy có người can ngăn, “rùa thường mang lại xui xẻo, đừng dính vào chúng làm chi mắc điềm”. Nhưng nhìn những ổ rùa bị sóng lớn đánh tan tác, trứng bị cuốn trôi khắp nơi, ba tôi không kìm lòng được. Cứ thế, ông mặc kệ lời khuyên, cứ mỗi sớm khi mặt trời chưa lên, ông lại ra bãi tìm xem ổ rùa nào vừa đẻ là mang trứng về để ấp.

Ban đầu, ổ trứng chẳng nở được bao nhiêu, trăm trứng rùa thì chỉ có dăm bảy chú khẻ vỏ trứng chào đời, số còn lại đều bị rữa cả. Nhìn những chú rùa con sống sót, lẻ loi bơi về biển và những trứng rùa hư trắng đầy trong ổ ấp, lòng ba đau như chính mình mới là cơn sóng cuốn đi ổ trứng vô tội. Sau mùa thả rùa về biển, ba theo tàu cá ra khơi chuyến cuối năm, hy vọng gặp nhiều may mắn để có được một cái tết ấm no.

Tàu ra khơi không lâu thì bỗng nổi lên cơn bão. Tháng mười một thường biển đã dịu đi, nhưng chẳng hiểu sao trời lại tung ra cơn gió ngặt. Gió rít qua mái nhà, mấy phen mẹ phải khấn vái rì rầm mong trời yên bể lặng. Người ta bảo nhau rằng, cũng tại ba tôi bắt trứng rùa về ấp, nên làm cho biển cả nổi giận… Lời đồn cũng đến nhanh và phẫn nộ chẳng khác gì cơn bão, ai nấy cũng xoáy ánh nhìn vào nhà tôi. Bởi hàng trăm năm qua, trên cù lao biển này có ai dám đụng đến các cụ rùa đâu. Và làng chưa bao giờ thấy bão về vào những ngày cuối năm một cách dữ dội như vậy. Mẹ tôi vừa buồn vừa tủi, nghẹn ngào mà chẳng dám rơi nước mắt, chỉ biết ngó về phía biển van vái chư thần phù hộ.

Tuy nhiên, biển vẫn nổi sóng không nguôi. Năm ấy tôi vừa tròn sáu tuổi, ngó về phía bờ Bấc, nơi bãi đẻ của các cụ rùa, nơi ngày nào tôi cùng ba rọi đèn lượm trứng rùa về ấp. Bây giờ gió cuốn tơi bời, những hàng dừa oằn mình trong bão. Bão dữ quét ngang cù lao ba hôm thì lại tạnh. Ngó ra phía biển vẫn còn những đám mây đen vẩn đục phía chân trời. Có tin về rằng, chiếc tàu cá ba tôi theo, bị mắc kẹt trong một hẻm đá nổi ở giữa biển, may mà mọi người vẫn còn sống sót. Tin về trước, nửa ngày sau thì đoàn ngư dân trong đó có ba tôi trở về đến đất liền. Ông thất thần, yếu ớt xanh xao bước vào nhà như bão đã ngớp lấy hồn ba, chưa trả.

Nằm thiu thỉu trên võng nửa mê nửa tỉnh suốt mấy hôm ba mới ngồi dậy nói năng. Ông kể rằng cơn bão bất ngờ đến khi tàu vẫn đang giăng mẻ lưới. Bão lạ, chẳng một dấu hiệu nào báo trước, cũng chẳng giống bất kỳ cơn bão nào mà đời ba chứng kiến được. Bị bão táp bất ngờ, cả đoàn tàu đều chới với. Trong gang tấc cận kề cái chết, bỗng dưng mọi người cảm nhận được chiếc tàu như có vật gì đó nâng lên, rồi tiến băng băng đi một hướng. Đến khi tàu đụng vào một hẻm đá và mắc cạn lại mới hay Ông Ngư vừa đưa lưng cứu tàu vào tận nơi đây. May mà có Ông đỡ mạng, mọi người còn chống chọi đến lúc ấy. Chứ nếu không chẳng biết đã ra sao. Ngẫm nghĩ chuyện xưa ông bà kể lại, mới thấy rành rành Ông Ngư cứu mạng mình chẳng phải sai.

Sau đợt bão ấy, sức khỏe ba có phần yếu đi so với trước, khó có thể theo tàu lênh đênh trên biển được lâu. Tuy nhiên làm sao rứt ra khỏi cái mùi biển mặn mòi cho được. Ba xin theo các tàu đánh bắt gần bờ, đi ngắn ngày để kiếm thêm chút tiền phụ gia đình, vừa bám biển. Chuyến đi của ba thường không quá lâu, nhưng ông đi thường xuyên hơn trước, hiếm khi ngơi nghỉ dài ngày ở nhà. Trong một chuyến ra khơi độ chừng hai hôm thì tin từ biển nhắn về, tàu thấy được một Ông Ngư sắp lụy, ba tôi là người phát hiện đầu tiên. Ba ra mũi tàu khấn vái, nếu Ông Ngư có thiêng, đã chọn cù lao chúng con là nơi yên nghỉ thì xin hãy theo chúng con vào bờ… Ông Ngư như nghe hiểu được tiếng người, Ông bơi trong sự yếu ớt theo con tàu, khi vào sắp đến bãi thì Ông mới lụy.

Theo tục lệ, ba tôi được xem là “con cả”, đứng ra lo tang chế cho Ông. Xúc động, ba bảo rằng, trên thân Ông có vết thương, như dấu đỡ một con tàu trong bão. Điều ấy làm cho tôi và dân cù lao càng tin rằng Ông Ngư chính là “ân nhân” đã cứu mạng chuyến tàu năm ấy. Bởi niềm tin ấy, mà ba tôi hết lòng phụng lễ, để tang cho Ông như người thân ruột thịt, đến tận ba năm nhang khói. Tang chế Ông xong, cũng là lúc sức khỏe của ba chẳng cho phép đi biển nữa. Ba lui cui nhận chức làm từ, giữ khói nhang cho lăng Ông Ngư và ra bãi biển mỗi sáng sớm của ngày. Mẹ tôi vẫn giữ chân bạn hàng nhỏ ở xóm chày. Tôi vừa xong đại học, có việc làm ổn định ở phố, tuy công việc tất bật, phải xa nhà, nhưng qua màn hình điện thoại, tôi luôn thấy ba mừng vui khi khoe những chú rùa ba cứu được hay những trứng rùa nở ra những con xinh đẹp và khỏe khoắn.

*
*           *

Tháng mười một, khi biển vừa qua những cơn bão cuối cùng của năm, sóng gợn lăn tăn êm dịu, cũng là lúc những ổ trứng rùa bắt đầu nở con. Cẩn thận nhặt từng con rùa cho vào chiếc thúng có lót vải, ba đợi lúc biển yên sẽ mang chúng ra bãi thả về với đại dương. Xong đợt thả cuối cùng của năm, ba mẹ gọi điện cho tôi mừng vui bảo rằng: “Đợt vừa rồi rùa nở nhiều lắm, con nào cũng mạnh khỏe chạy về với biển như gặp mẹ, ắt năm nay biển sẽ bình yên!”. Niềm tin của ba, thôi thúc tôi nhất định năm nay phải về ăn tết ở quê nhà, phải đón giao thừa trong mùi biển căng phồng phổi mới thôi.

Nói là nói vậy, nhưng công việc giáp tết bộn bề. Cố chạy với thời gian muốn đứt hơi, thì cũng phải mất một đoạn đường dài mấy trăm cây số, kẹt xe liên miên mới về được đến nhà. Chiếc đồng hồ đã điểm giao thừa, nhà tôi vẫn bông hoa trưng bày đón tết. Cửa mở đón đó nhưng chẳng ai ở nhà, ba mẹ đã đi đâu sao không nghe một lời dặn lại. Gọi điện mãi vẫn không được, tôi lang thang đi về phía biển. Và bất ngờ khi thấy ba mẹ đang lúi cúi với chiếc thúng kề bên. Hai cụ rùa lên bãi ngay đêm giao thừa, một cụ đẻ được tám mươi sáu trứng, cụ còn lại già nua, bị mắc lưới dính chặt hai chân sau. Cha con tôi è ạch cắt lưới, thoa thuốc, cụ rùa nằm im, lim dim mắt như mê ngủ; mẹ đánh dấu các trứng trong ổ, sắp ngay ngắn vào thúng. Khi mọi thứ đã xong, hai cụ rùa vẫn nằm đó ngó chúng tôi, đôi mắt mở to như muốn nhìn cho thật kỹ. Hồi lâu, hai cụ chầm chậm bò về với biển. Khi đã hòa vào nước, cụ còn ngoái lại nhìn chúng tôi như chúc một năm mới bình an. Giao thừa đã trôi qua, năm mới đã gõ cửa ở nhà. Và chúng tôi đã “xông đất” cho biển quê mình bằng những điều như thế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giao thừa trên bãi Bấc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO