Các hội nghị thường niên giữa Quảng Nam – Sê Kông đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp đôi bên mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư, nhưng hiện tại, lượng hàng hóa qua cửa khẩu và chợ biên giới vẫn còn quá ít ỏi.
Đầu tư hạn chế
Trên đỉnh dốc cuối cùng, nơi dựng một bản đồ quy hoạch, nhìn xuống “thung lũng” trung tâm khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc là một bãi gỗ khổng lồ cạnh đám đất đá và vật liệu xây dựng ngổn ngang. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại cửa khẩu hầu như chưa có gì ngoài Mobifone, Viettel đã lắp đặt xong các trạm phát sóng từ nhiều năm trước. Một chủ cửa hàng thương mại tại đây cho biết, chủ yếu dân bên kia biên giới sang mua ít mặt hàng thiết yếu. Hàng ngày thi thoảng vài chiếc xe chở gỗ về Quảng Nam và vật tư thiết bị, lao động sang xây dựng công trình thủy điện Xê Ka Mán 3.
Gỗ là mặt hàng chủ yếu qua cửa khẩu Nam Giang – Đắc Tà Oọc .Ảnh: N.PHONG |
Theo số liệu thống kê từ Sở Ngoại vụ Quảng Nam, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, buôn bán, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu Nam Giang – Đắc Tà Oọc đã có dấu hiệu phát triển. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt hơn 4 triệu USD (kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 500 nghìn USD). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng phục vụ công trình Xê Ka Mán 3 và điện năng. Nhập khẩu trở lại chủ yếu gỗ từ Lào về. Hải quan cửa khẩu Nam Giang cũng cho biết 6 tháng qua đã kiểm soát hơn 10.690 lượt phương tiện vận tải và 1.154 lượt người qua cửa khẩu. Lý giải cho tình trạng “vắng vẻ” này, cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp cho rằng cửa khẩu Nam Giang đã được công nhận cửa khẩu quốc gia, nhưng lại không được lọt vào danh sách 10 cặp cửa khẩu được phép lưu thông hàng hóa qua lại, nên doanh nghiệp không thể đưa hàng hóa lưu thông chính ngạch qua được. Một lý do nữa, hiện tại dân số hai bên cửa khẩu quá vắng, còn doanh nghiệp thì thiếu mặn mà trong việc chủ động tìm kiếm thị trường, liên kết, hợp tác đầu tư.
Chính quyền Sê Kông đã từng tuyên bố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tìm hiểu cơ hội đầu tư và liên kết, liên doanh đầu tư sản xuất kinh doanh. Nhưng hiện nay, ngoài một số ít doanh nghiệp của Quảng Nam đang đầu tư tại Sê Kông như Công ty TNHH Tân Nghĩa Sơn, Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam hay Lâm đặc sản xuất khẩu…, 6 tháng qua cũng chỉ có 3 doanh nghiệp Quảng Nam đang tìm hiểu và chuẩn bị khởi sự đầu tư vào Sê Kông là Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang – Quảng Nam, Công ty TNHH MTV Trầm hương Hồng Ngọc và Công ty CP Tập đoàn Điện Bàn.
Giao thương nhỏ lẻ
Không khí giao thương tại cửa khẩu Nam Giang được cho là thiếu sinh khí thì cũng còn nhộn nhịp khá nhiều so với sự vắng vẻ, tiêu điều về giao thương biên giới tại 12 xã của hai huyện Tây Giang và Nam Giang. Cửa khẩu phụ Tây Giang – Kà Lừm mở, hy vọng sẽ giúp việc trao đổi hàng hóa phát triển hơn, nhưng thiếu đường đi và thiếu cả sự đầu tư của doanh nghiệp lẫn đời sống người dân vùng biên còn quá khó khăn nên thương mại biên giới dường như bằng không. Hiện có 4 chợ biên giới tại xã Lăng, A Nông, BhaLêê, A Tiêng (Tây Giang) và chợ Chà Vàl (Nam Giang) nhưng cũng là chợ tạm, thường rơi vào cảnh ảm đạm. Chính quyền địa phương hai huyện này thừa nhận dân cư thưa thớt và cuộc sống chủ yếu dựa vào tự cung tự cấp, sống nhờ vào nương rẫy và chăn nuôi gia súc… đã trở thành lực cản lớn cho việc phát triển biên mậu đôi bên. Người dân không cần chợ mà chỉ tập trung vào cửa hàng thương mại và một số hộ buôn bán nhỏ lẻ.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tiềm năng biên mậu giữa Quảng Nam và Sê Kông có rất nhiều cơ hội phát triển thông qua cửa khẩu Nam Giang và các chợ biên giới. Tuy nhiên, trên thực tế cần phải có một cái nhìn dài hơi và cụ thể hơn để tiếp sức cho các cuộc hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên trở thành hiện thực. Hiện Sở Công Thương đã mở rộng kế hoạch kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án thương mại, hạ tầng kinh tế kỹ thuật. Nhưng đây là điều hết sức khó khăn vì không biết tìm đâu ra vốn để đầu tư trong khi kinh phí chi cho đầu tư phát triển của Quảng Nam vẫn còn hạn hẹp. Hiện cả hai tỉnh đã thống nhất sẽ trình chính phủ hai nước công nhận cửa khẩu Nam Giang – Đắc Tà Oọc thành cửa khẩu quốc tế khi con đường nối Quảng Nam – Sê Kông hoàn tất. Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông Khăm-phởi Bút-đa-viêng cho biết là con đường 125km từ bản Phồn đến Nam Giang sẽ nhanh chóng được hoàn thành. Sê Kông sẽ tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới, đẩy mạnh trao đổi hàng hóa. Hy vọng Quảng Nam sẽ giới thiệu doanh nghiệp đến Sê Kông để khảo sát và tìm cơ hội đầu tư. Sê Kông sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư. Hy vọng khi con đường 14D nối sang Sê Kông hoàn thành, hạ tầng khu kiểm soát liên hợp đôi bên được đầu tư hoàn chỉnh, Bộ Công Thương Việt Nam cho phép lưu thông hàng hóa chính ngạch qua cửa khẩu kèm theo việc ghi vốn đầu tư hạ tầng thì cửa khẩu hai tỉnh sẽ nhộn nhịp hơn.
NHẬT PHONG