(QNO) - Bám sát cơ sở, thấu hiểu những nguyện vọng của đồng bào trong quá trình đưa “con chữ” đến học sinh đã giúp các thầy giáo, cô giáo công tác tại Nam Trà My trở thành lực lượng cán bộ dân vận đầy hiệu quả.
Bằng việc kiên trì bám cơ sở, các thầy cô giáo đã tạo niềm tin trong lòng đồng bào dân tộc. |
Ăn ở cùng bà con
Năm 1987, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Năm rời đồng bằng lên công tác trên huyện Trà My (cũ) với sứ mệnh và khát vọng “cõng chữ lên non”. “Hồi đó tôi được phân công về xã Trà Linh. Sức thanh niên cũng thấy mỏi rục trong lần đi bộ mấy ngày trời liên tiếp để đến nơi dạy học. Bởi ngày xưa làm gì có đường bê tông, đường nhựa để đi như bây giờ. Ngoài ra, còn phải cõng theo nhu yếu phẩm, sách vở” - thầy Nguyễn Văn Năm (Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Nam) chia sẻ.
Để vận động bà con cho con em đến trường chẳng phải chuyện dễ dàng trong ngày một ngày hai mà đó là một cuộc vận động bền bỉ. Thầy giáo Nguyễn Văn Năm kể, thời bấy giờ, tất cả giáo viên phải xuống ở cùng đồng bào để họ tin tưởng. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, từ đó các thầy cô tuyên truyền vận động người dân cho con em đến trường. “Bất đồng ngôn ngữ là rào cản lớn nhất, vì vậy mỗi giáo viên phải tự học tiếng đồng bào để có thể vận động hiệu quả. Chưa kể phải học phong tục tập quán của đồng bào để trở thành một người của làng thực thụ” - thầy Năm chia sẻ. Trong hồi ức của thầy giáo Nguyễn Văn Năm, thứ Bảy, Chủ nhật là những ngày đặc biệt khi cùng bà con lên non đi rẫy để kiếm lương thực. Cuộc sống của giáo viên những năm đó gắn chặt vào cuộc sống dân làng, đói no đều có nhau.
Hơn 15 năm dạy học ở Nam Trà My, thầy Nguyễn Văn Chiến (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Nam) dường như thuộc lòng từng nóc làng ở xã Trà Nam. “Hồi xưa muốn tuyên truyền, vận động bà con phải vào từng nóc, chờ đến tối để họp dân, rồi ở lại ngủ cùng bà con. Các điểm trường ngày đó thường nằm giữa các nóc nên mối quan hệ giữa giáo viên và nhân dân gần gũi lắm. Lúc chúng tôi đói, đi xin gạo, bà con cho ngay và có cái gì ngon bà con cũng để phần biếu giáo viên” - thầy Chiến tâm sự. Không riêng gì thầy Năm, thầy Chiến mà những giáo viên công tác lâu năm trên vùng miền núi Nam Trà My đều phải vượt qua gian khổ, trở thành những cán bộ dân vận “thứ thiệt” để có thể vận động con em đồng bào dân tộc đến trường học chữ.
Người dân tin yêu
“Chuyện vận động học sinh ra lớp những năm trước gian nan lắm. Bà con đồng bào ngày đó lo cái ăn chống đói nên chẳng màng con chữ. Có em ngày trước vừa ra lớp thì ngày sau bỏ học theo gia đình lên rẫy kiếm cái ăn. Những lúc như vậy, giáo viên ở nóc phải đến tận nhà khuyên nhủ, mà thuyết phục phải thật khéo chứ nói giáo điều thì chẳng người dân nào nghe cả” - thầy Nguyễn Văn Chiến cho biết. Cùng với việc mang con chữ đến cho con em đồng bào, chính lực lượng giáo viên là những người làm thay đổi một số tập tục lạc hậu nơi đây. Trong lúc đi vận động học sinh ra lớp, gặp lúc đồng bào có người đau ốm, giáo viên thường giải thích, vận động họ đến trạm y tế khám chữa bệnh thay cho việc mời thầy cúng. Hay như chính người giáo viên cũng phải giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất như trồng lúa, nuôi heo… sao cho có hiệu quả hơn.
Thầy Nguyễn Văn Năm - một điển hình người giáo viên làm dân vận ở Nam Trà My (Trong ảnh: Thầy Nguyễn Văn Năm thăm hỏi các học sinh tại khu nội trú của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Nam). |
“Giờ thì bà con khác xưa nhiều lắm rồi. Khoảng tháng 7, tháng 8 hằng năm là bà con tự nguyện xẻ gỗ làm trường, dọn vệ sinh trường học để con em họ đến khai giảng năm học mới. Hằng tuần, học sinh nào vắng, chúng tôi viết giấy khuyên nhủ gửi cho phụ huynh là ngay lập tức họ dẫn con đến trường lại. Có được thành công này là bởi qua các thầy giáo, cô giáo đã gieo niềm tin lớn trong lòng của đồng bào. Bây giờ, trong tâm thức người dân, các giáo viên là một thành viên trong làng rồi” - thầy Năm cười vui vẻ.
Cũng theo thầy Năm, những thắc mắc về giấy tờ, chính sách hỗ trợ… bà con tìm giáo viên để hỏi. Vì vậy, các thầy cô còn tự mình tìm hiểu tường tận mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để cùng với chính quyền xã làm công tác dân vận, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho bà con. Đánh giá về vai trò của lực lượng giáo viên trong việc cùng với chính quyền địa phương làm công tác dân vận, ông Nguyễn Văn Điền - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nam Trà My nói: “Chính các thầy cô giáo là những người bám sát cơ sở nhất, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Chính vậy mà có nhiều thầy cô giáo ở Nam Trà My tham gia vào hệ thống chính trị ở xã, làm công tác tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nâng cao đời sống cho bà con”.
ĐOÀN ĐẠO