Mưa lớn đã làm huyện Đông Giang đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Nhiều tuyến đường, khu dân cư bị tắc, phập phồng lo đất vùi nhà dân.
Ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho biết, đoạn đường từ xã Macooih đi Kà Dăng và từ Đại Lộc lên Kà Dăng bị tắc; cụm dân cư A Duông (thị trấn P’rao) bị cô lập từ bão số 5, đến nay vẫn chưa có đường vào, bà con phải lội suối, nhưng nếu nước lớn thì đành chịu. Huyện đang lo lắng vì tại khu vực trường Quang Trung có nguy cơ sạt lở, nghiêm trọng hơn là khu đồi Kiểm Lâm ngay ngã ba huyện với hơn 60 hộ dân dưới chân đồi, đang bị nứt. Nếu điểm này bị sạt đất, thì quả đồi sẽ ụp xuống thị trấn.
Sạt lở đang nóng lên. Trở lại với phát biểu và giải trình từ nghị trường Quốc hội về sạt lở, độ che phủ rừng đang khiến cả nước chú ý, ông Đỗ Tài nói: “Tôi ở miền núi 36 năm rồi, đủ sức để hiểu chúng ta phải làm gì cho miền núi phát triển. Ví dụ cây keo, giải quyết thu nhập, nâng cao đời sống, nhưng đổi lại là khiến đất mất liên kết, làm khô suối. 5 năm thu hoạch một lần, nó không giữ được đất. Những điểm sạt lở đều liên quan đến việc trồng keo”. “Vậy cây gì?”. “Cây gì thì nó phải liên quan đến phát triển bền vững”. “Vậy lâu nay miền núi không phát triển bền vững?”. “Không”. “Lời giải ở đâu?”. “Cây gì không biết, nhưng phải trồng rừng phòng hộ. Đừng bắt dân trồng keo và làm lúa nước. Đi kèm là việc giữ rừng, không để tình trạng sáng trồng chiều chặt”. “Dân không mặn mà giữ rừng, vì sao?”. “Tiền hỗ trợ quá thấp, 400 nghìn đồng/ha/năm. Phải nâng lên gấp 4 - 5 lần, may ra bà con mới yên tâm. Còn nữa, khi giữ rừng hiệu quả, thì đừng cấp gạo, mà yêu cầu họ phải mua, có thể trợ giá hoặc theo giá thị trường. Để giữ văn hóa rừng, thì khoanh vùng để họ làm lúa rẫy, bởi chuyện này đi liền với tập tục cúng bái tâm linh của người miền núi. Hãy lưu ý, dân miền núi tư tưởng như nghệ sĩ, tức là đừng ép họ, mà phải hiểu họ cần gì. Ví dụ phát triển du lịch, hãy hướng dẫn để họ làm chứ đừng rập khuôn, duy ý chí”.
“Tại sao không làm lúa?”. Ông Đỗ Tài nói: “Vì nó không hiệu quả. Chặt 1ha rừng già để làm rẫy thì nó ảnh hưởng đến 2ha, vì sẽ cháy, hệ sinh thái rừng, cả cây lẫn đất bị biến dạng, mỗi héc ta thu được cao nhất là 1,8 tấn lúa, hỏi bán được mấy đồng, trong khi 2ha rừng già đó, giá trị môi trường của nó là không tính được”. “Phát triển miền núi, liên quan đến quy hoạch dân cư, cụ thể là giao thông, không mở đường, sao phát triển được?”. “Phải mở, nhưng không bằng mọi giá và bừa bãi. Núi rừng, tự nó đã tồn tại hợp lý. Nước chảy theo đường phân thủy, phá núi làm đường, nước tức chỗ này sẽ phá chỗ kia, tất dẫn tới sạt lở”. “Thế mạnh miền núi là rau củ sạch, với Đông Giang hay các huyện miền núi, không lẽ chỉ bán buôn manh mún?”. “Hệ thống siêu thị Big C rất nhạy, họ đã thiết lập điểm mua tại Tây Giang và chọn mặt bằng ở Đông Giang rồi. Tôi có nói một ý mà chưa được cấp trên quyết: Thaco Chu Lai - Trường Hải làm nông nghiệp xanh, vậy hãy hỏi họ cần chi ở miền núi Quảng Nam, nếu họ trả lời, thì ta sẽ tính mình làm được chi”.
Ngổn ngang việc rừng. Trăm sự đều từ trồng rừng.