Giấy bút trong vòng dâu bể

HỨA XUYÊN HUỲNH 19/08/2021 10:38

(QNO) - Có những trang văn in sâu vào tâm trí người đọc, và khi nhắc nhớ đến những văn tài đã khuất, chúng ta không thể không có chút ngậm ngùi liên tưởng…

Trang văn xuôi trong lời nói đầu “Đọc lại Truyện Kiều” của cố nhà văn Vũ Hạnh từng in sâu vào tâm trí độc giả. ẢNH: H.X.H
Trang văn xuôi trong lời nói đầu “Đọc lại Truyện Kiều” của cố nhà văn Vũ Hạnh từng in sâu vào tâm trí độc giả. ẢNH: H.X.H

1. Ngày còn nhỏ, có lần theo người quen đi chơi xa lên vùng tây Thăng Bình (Quảng Nam), tôi sửng sốt khi nghe cụ ông ngoài 70 tuổi đọc làu làu một bài văn xuôi. Mãi sau này, tôi mới biết đó là nguyên văn Lời nói đầu trong cuốn “Đọc lại Truyện Kiều” của nhà văn Vũ Hạnh.

Bài văn xuôi dài đến 605 chữ mà đọc vanh vách, thì không hẳn do ông cụ có trí nhớ tốt, hoặc vì có niềm yêu mến đặc biệt dành cho nhà văn đồng hương Thăng Bình, mà trước hết phải có chỗ thú vị đến mức in sâu vào tâm trí. Mà đúng là thú vị thật.

“Từ đấy, nỗi đoạn trường kia có đủ thịt xương hiện giữa dân gian, và chúng ta nghe tiếng cười bỗng nhiên lạnh lẽo, thấy giọt nước mắt bỗng nhiên long lanh. Từ đấy, tủi nhục cùng với đọa đày đã biết kêu gào thống thiết hơn bao giờ hết, vọng đến chỗ sâu thẳm nhất của đáy hồn ta, và ta chỗi dậy, biết rằng chung quanh chỗ ngồi thắp sáng leo lét bằng chút máu tủy của mình, vẫn còn mênh mông vũng tối âm u của những kiếp người quằn quại…”. Lời nói đầu được nhà văn Vũ Hạnh viết năm 1966 khởi đi bằng những câu văn mượt mà, bóng bẩy như thế.

Có quá nhiều hình ảnh được nhà văn Vũ Hạnh diễn đạt. Khi ngợi ca cụ Tố Như “đã thổi vào vần điệu một luồng sinh lực phi thường”. Khi gửi gắm tin yêu, với Nguyễn Du, như một chứng tích văn học tuyệt vời ở quá khứ, một quyền năng văn học tương lai… Nhưng tôi muốn nhắc đến hình ảnh cuối, gần gũi với những người theo đòi chữ nghĩa: Đến giấy bút cũng ở trong vòng dâu bể.

Ấy là bởi, lúc đó nhà văn Vũ Hạnh đang tự vấn về hoàn cảnh xã hội, “giấy khan, mực hiếm, điện tắt, thợ ra chiến trường” nhân 200 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du (hồi năm 1966). Các điều kiện đó khiến ông phải trì hoãn in ấn “Đọc lại Truyện Kiều”. Vì thế, ông nhắc đến “chốn bàn thờ tưởng niệm” dành cho đại thi hào Nguyễn Du với ý văn buồn bã: “Không chỉ thế nhân mới chịu đoạn trường, mà đến giấy bút cũng ở trong vòng dâu bể”.

Phải nhiều năm sau đó, tôi mới hân hạnh được gặp nhà văn Vũ Hạnh bằng xương bằng thịt, khi ông tham dự hội thảo văn hóa ở Tam Kỳ. Lúc đó, tôi hoàn toàn bất ngờ khi nhận ra cây bút hào hoa ấy lại bình dị, gần gũi và có vẻ ngoài hiền lành đến như thế.

Về sau, tôi còn nhiều phen bất ngờ với những thông tin mà ông chia sẻ, như về thói quen ăn đũa hai đầu vốn do chính thân sinh ông áp dụng rất sớm trong bữa ăn gia đình hồi ở Thăng Bình từ trước năm 1945. Khi Bác Hồ phát động Đời sống mới (năm 1946), ông đã vót hai chiếc đũa khá to và dài để đi tuyên truyền khắp nơi... “Đũa trở đầu có lúc đã được áp dụng gần như trong toàn quốc. Theo lời một vài cán bộ cấp cao kể lại, Bác Hồ có lúc cũng khuyên cán bộ, bộ đội ăn đũa hai đầu”, Vũ Hạnh viết trong lời giới thiệu khi tái bản “Người Việt cao quý”. Tất nhiên, nội dung này chỉ có trong ấn phẩm tái bản, lúc tác giả “Người Việt cao quý” được “trả” lại tên cho Vũ Hạnh sau nhiều năm ông ẩn danh dưới bút hiệu A.Pazzi.

2. Thế giới văn chương còn có nhiều kỳ nhân, kỳ sự khác. Thuộc lòng bài văn xuôi 605 chữ của nhà văn Vũ Hạnh xem ra không quá “kỳ quái” nếu so với năng lực… thuộc lòng danh tác “Candide – Chàng Ngây Thơ” của Voltaire dài ngót 200 trang. Chuyện này được Phùng Quán kể lại trong cuốn “Ba phút sự thật” (NXB Văn Nghệ, in lần đầu năm 2006), sau đó tiếp tục được chọn đăng trong cuốn “Nhớ Tuân Nguyễn” (NXB Hội Nhà văn 2008) do Trần Phương Trà sưu tầm, biên soạn.

Chuyện kể về Tuân Nguyễn, người dịch “Con bim trắng tai đen” (Gavriil Troepolski). Cuộc đời Tuân Nguyễn có một khúc quanh ngắn hồi năm 1964, vướng vòng lao lý. Ở khúc quanh đó, Tuân Nguyễn gặp một bạn tù kỳ dị có biệt danh “thằng khùng”: ngu ngơ, cao lòng khòng, dường như câm lặng, chuyên khâm liệm bạn tù chết… Một hôm, cả hai lùa trâu xuống tắm ở con sông gần trại, ngồi tránh nắng dưới một bụi cây, đấu lưng nhau.

Và một cuộc đối thoại kỳ dị xảy ra.

“Thằng khùng” hỏi Tuân Nguyễn: “Sống ở đây anh thèm gì nhất?”.

Trả lời: - Đọc sách.

“Nếu bây giờ có sách thì thích đọc ai?”.

- Voltaire.

“Trong các tác phẩm của Voltaire, anh thích tác phẩm nào?”.

- Candide.

“Anh có thích đọc Candide ngay bây giờ không? Không phải đọc mà nghe…”.

Sau câu nói đó, “thằng khùng” liền đọc. Đọc bằng nguyên bản tiếng Pháp, chậm rãi, phát âm chuẩn và hay như mấy cha cố người Pháp từng dạy Tuân Nguyễn ở trường Providence.

“Thằng khùng” mắt không rời khỏi dòng sông lóa nắng, tưởng chừng như thiên truyện Candide đang chép lên mặt sông… Đọc đến câu cuối, cũng là lúc tiếng kẻng vang lên báo hiệu đến giờ lùa trâu về trại. Trước khi trở lại bộ dạng dở dại dở khùng, con người kỳ dị kia hé lộ cho Tuân Nguyễn biết mình là ai, cũng bí ẩn không kém: “Tôi là cái thanh ngang trên cây thập tự đóng đinh Chúa”.

Có thêm một sự trùng hợp thú vị nữa về 2 tác phẩm của Vũ Hạnh và Voltaire vừa nhắc đến trong bài viết này.

Lần đầu xuất bản, biên khảo “Người Việt cao quý” của nhà văn Vũ Hạnh được giới thiệu dưới bút hiệu A.Pazzi, mượn một cái tên người Ý xa lạ kèm theo thông tin “Hồng Cúc dịch”. “Candide – Chàng Ngây Thơ” của Voltaire cũng vậy, với những dòng ghi chú ngay trang đầu: “Dịch từ nguyên bản tiếng Đức của tiến sĩ Ralph. Với những phụ thêm được tìm thấy trong túi của tiến sĩ khi ông chết ở Minden, năm 1759, Gia tô kỷ nguyên”. Mấy dòng ghi chú này được các nhà nghiên cứu xác định là trò bịa của Voltaire, với ý che mắt và giễu cợt giới thống trị đương thời. Sự thực, tác phẩm do chính ông sáng tác bằng tiếng Pháp.

***

Hay tin nhà văn Vũ Hạnh từ trần cuối tuần vừa qua, nhiều người dẫn “bút máu” (tên một tác phẩm khác của ông) để diễn đạt những cảm nhận về một văn tài xứ Quảng, riêng tôi nghĩ thì ngay đến cụm từ “giấy bút cũng ở trong vòng dâu bể”. Dâu bể thật, vì ông cụ thuộc lòng lời nói đầu “Đọc lại Truyện Kiều” ngày nào đã sớm rời cõi tạm, giờ đến lượt nhà văn Vũ Hạnh cũng không còn bầu bạn với giấy bút. Tất nhiên, “thằng khùng” thuộc lòng “Candide – Chàng Ngây Thơ” lại càng rời xa vòng dâu bể…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giấy bút trong vòng dâu bể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO