Cách Lê Thanh Hà khẳng định mình ngay lúc bước riêng trên con đường sáng tạo, là kiên định với những giá trị bản địa, thuần Việt.
Chúng tôi gặp lại nhau sau gần 10 năm từ dự án “Vườn giấy Việt” của anh ở Hội An. Vẫn cách nói chuyện phảng phất chút phong trần nghệ sĩ, nhưng đọng trong từng câu kể, đã lắng dư vị sương gió đời người...
Giấy dừa - hóa thân đất Việt
Gần 10 năm bắt đầu với ý tưởng làm giấy dừa, Lê Thanh Hà (sinh năm 1978, quê Nghệ An) nói mình vẫn chưa bao giờ thôi niềm hứng khởi với chất liệu đặc biệt này.
Đọc những dòng cảm xúc người đàn ông này lựa chọn để mở đầu câu chuyện sáng tạo của mình, mới hiểu vì sao Lê Thanh Hà nói, anh luôn tôn trọng những giá trị của tự nhiên.
“Giấy, nơi con người chập chững từng bước đầu tiên tiến vào thế giới rộng lớn của ngôn từ, bởi những nét dọc ngang, rồi hình thành nên từng con chữ.
Giấy gói ghém và chứa đựng cảm xúc mỹ thuật đầu đời không nghi ngại, không bị lý trí chi phối đẹp hay xấu, thật tự nhiên như cách mà chúng ta sinh ra. Giấy cũng bước ra từ tự nhiên với mẹ đất, cha trời và trí tuệ của nhân loại như chúng ta được định danh trong thế giới này.
Đặc biệt, giấy dừa là loại vật liệu được chế tác từ những cành dừa mỗi sáng đợi nắng mai, vẽ lên từng hình hài sơ khởi trên những bờ cát trắng, oằn mình trải qua thép, vôi, lửa, nước để hóa thân.
Từ đó tạo nên hoa văn hòa quyện trong từng sợi xơ, thớ giấy, kết hợp với những chất liệu thân thiện môi trường khác để làm nên món vật phẩm tâm linh thực sự đặc sắc và mang đậm hơi thở của đất trời thiên nhiên, của tấm lòng hướng thiện, biết ơn” - Lê Thanh Hà viết.
Không còn trẻ để mỗi câu chuyện là một cảm xúc nhất thời, Lê Thanh Hà bền bỉ với ý tưởng khởi nguyên của mình. Năm 2015, khi định danh với “Vườn giấy Việt”, lúc ấy, Lê Thanh Hà đã xác quyết: muốn làm điều gì chỉ của riêng người Việt, hoàn toàn thoát khỏi sự lệ thuộc ở bất cứ công đoạn nào vào một thị trường khác.
Và anh chọn cách tôn vinh những giá trị văn hóa bản địa. Ý niệm này được hiện thực hóa, bắt đầu từ nguyên liệu của sản phẩm: là dừa cạn.
Hà nói, cây dừa ở trong tiếng Phạn là “kalpa vriksha” – “loài cây đem lại mọi thứ cần thiết cho cuộc sống”.
Triết lý Lê Thanh Hà vạch ra cho nguyên liệu này, từ tính thanh sạch, thanh lương của loài cây lớn lên trên bất cứ môi trường nào, dù cát mặn hay kênh đào, nhưng vẫn không bao giờ bị nhiễm sự chát mặn.
Bản thân cành dừa bao chứa cả tính kiên nhẫn, bền bỉ khi luôn vững vàng trước gió bão. Chính những đặc tính này để thân cây và bẹ dừa có một hóa thân mới.
Sự kết nối
Những người H’mông ở bản Cang, Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) có lẽ sẽ luôn nhớ về chàng trai cao gầy, nói giọng xứ Nghệ. Lê Thanh Hà đã lặn lội từ Đà Nẵng lên Hòa Bình để cùng trải nghiệm với đồng bào về phương cách làm giấy giang truyền thống của người H’mông.
Cây giang được người H’mông đốn từ trên rẫy về, chẻ thành từng thanh nhỏ, nấu cùng tro bếp và vôi bột. Sau công đoạn ủ, người H’mông sẽ lọc lấy nước, bỏ xơ và tráng giấy bằng phương pháp thủ công truyền thống.
Giấy giang thành phẩm có màu trắng ngà, trên mặt nổi rõ những sợi tơ giang. Chúng bóng, mỏng, dai và là sản phẩm người H’mông chỉ dùng sử dụng trong những dịp linh thiêng.
Gặp nhau ở chính việc sử dụng nguyên liệu bản địa, và hơn vậy, tất cả công đoạn đều làm thủ công và phương thức truyền thống. Giấy dừa Đà Nẵng - tên gọi Lê Thanh Hà đặt cho xưởng sản xuất đặt tại TP. Đà Nẵng, bây giờ với thương hiệu “Giấy quê tôi” cũng mang tinh thần như giấy giang của đồng bào H’mông. Ấy là giữ nguyên màu tự nhiên.
“Bởi chúng tôi nghĩ rằng đã là phương thức truyền thống thì phải vẹn nguyên như nó vốn có vậy. Tranh giấy dừa là loại tranh được làm từ chất liệu là những cành dừa cạn theo phương thức đổ giấy truyền thống của người H’Mông cùng kỹ thuật in hoa văn bằng áp lực nước của Nhật Bản” - Lê Thanh Hà nói.
Sự kết nối đặc biệt làm nên sản phẩm riêng biệt. Tranh giấy dừa của Lê Thanh Hà đi qua 10 công đoạn khác nhau, để có một sản phẩm hoàn thiện.
Sau những lớp lang tạo ra được bột dừa, phương thức đổ giấy của người H’mông được áp dụng cùng kỹ thuật khắc trên bột ướt qua khuôn độc bản - phát triển từ kỹ thuật in Rakusui Washi trên giấy ướt của Nhật Bản, và thêm kỹ thuật xuyên sáng... những bức tranh dần hiện. Hoa văn, hình ảnh của mỗi bức tranh được làm theo từng dạng chủ đề mà người tạo tác nghĩ đến.
Lê Thanh Hà nói, hoa văn in bằng áp lực nước kiểu Rakusui Washi đòi hỏi người làm phải thật khéo léo để điều chỉnh mức độ nặng nhẹ của áp lực nước, tạo nên các lớp dày, mỏng theo ý muốn trên mặt giấy.
Đây là công đoạn khó khăn, quyết định tính mỹ thuật của bức tranh giấy dừa. Hiện tại, chủ đề Lê Thanh Hà và cộng sự chọn vẫn thiên về các chủ đề của nhà Phật, những hình ảnh gắn với vùng đất và con người nơi anh chọn dừng chân lập nghiệp.
Năm 2019, dòng tranh giấy dừa của Lê Thanh Hà được lựa chọn tham dự Triển lãm mỹ thuật Phật giáo thế giới vào Đại Lễ Phật Đản Vesak.
Tri ân từng vùng quê
Ở Pà Cò bây giờ có xưởng sản xuất Giấy quê tôi - giấy bản Mai Châu của chính người H’mông - là học trò của Lê Thanh Hà. Ở Bến Tre, thêm vài học trò của anh mở xưởng Giấy quê tôi - giấy dừa Bến Tre, từ kỹ thuật làm tranh dừa độc đáo do Lê Thanh Hà truyền nghề.
Lê Thanh Hà nói, đó là niềm hạnh phúc của người sáng tạo. Bởi dấu ấn một người không chỉ ở sản phẩm anh làm ra. Với người làm nghề, hạnh phúc nằm ở việc câu chuyện anh bắt đầu được tiếp nối ra sao. Cảm hứng truyền nghề cũng là cảm hứng sáng tạo.
Một tính cách khá thú vị ở Lê Thanh Hà, mà hình như ai quen biết anh đều xác nhận. Đó là người đàn ông này khá thoải mái với tất cả những gì mình có. Nhưng lại là người cực kỳ nghiêm túc với sản phẩm nghệ thuật.
Ở từng vùng đất Hà dừng chân lập nghiệp, người ta vẫn nhớ tới một “gã điên” mê mải vốn liếng văn hóa dân gian vùng miền. Ngày ở “Vườn giấy Việt” Hội An, hồi năm 2015, giấy dừa làm theo phương thức giấy Nipa, anh đã chọn hoa văn là mắt cửa, đầu hồi, kiến trúc nhà cổ phố Hội.
Bây giờ, ở Giấy quê tôi - giấy dừa Đà Nẵng, hoa văn chủ đạo là thiên nhiên của thành phố biển và núi, như voọc chà vá Sơn Trà, cảnh sắc bãi biển...
Lê Thanh Hà nói, ngoài chất liệu đặc biệt, giấy phải có hệ thống hoa văn đặc trưng của từng địa phương. Đó là sự tinh tế của người làm nghề. Và đó, cũng là cách gián tiếp khẳng định kho tàng giàu có của nền văn hóa Việt.
Làm sao để nhìn vào từng vuông giấy hay khung tranh, người xem biết tranh giấy dừa đó là của vùng đất nào từ chính hoa văn, hình ảnh ẩn trong đó. Đây cũng là giấc mơ mà Lê Thanh Hà ấp ủ, ngay khi tranh giấy dừa có nhiều hơn học trò từ nhiều vùng miền khác nhau tìm đến anh.
Chúng tôi dở dang câu chuyện khi anh phải thực hiện dự án trang trí một công trình tôn giáo ở Đà Lạt. Hẳn vì đậm dấu ấn Việt, những sản phẩm của Giấy quê tôi được lựa chọn nhiều hơn ở những dự án mang ý nghĩa tâm linh, phong thủy, thiền. Có lẽ, đây cũng là một con đường khó mà Lê Thanh Hà đang muốn dấn thân...