(QNO) - Các nhà khoa học máy tính Áo đã tạo ra một chiếc giày thông minh giúp người khiếm thị có thể giữ an toàn trước những chướng ngại vật trên đường đi.
Được phát triển bởi một công ty của Áo có tên là Tec-Innovation, với sự hỗ trợ của Đại học Công nghệ Graz, sản phẩm có tên là InnoMake bao gồm một cặp cảm biến siêu âm ở mũi của mỗi chiếc giày có thể rung và tạo ra tiếng động để cảnh báo người dùng về chướng ngại vật phía trước. Các nhà khoa học kỳ vọng đây sẽ là giải pháp thay thế cho cây gậy dẫn đường vốn đã quen thuộc và phổ biến ở những người bị khiếm thị.
Hệ thống đã được thiết kế để phát hiện hai loại thông tin quan trọng là bản chất của chướng ngại vật và hướng của vật cản, đặc biệt trong trường hợp đường đi hướng xuống như đi xuống cầu thang, bức tường hoặc một cái hố.
Theo ông Markus Raffer, một người khiếm thị và cũng là người sáng lập công ty Tec-Innovation, cảm biến có khả năng phát hiện chướng ngại vật cách xa tới bốn mét. Cách cảm biến cảnh báo người đeo là thông qua rung động và tín hiệu âm thanh ngày càng lớn khi người đó đến gần chướng ngại vật hơn.
“Thiết bị này hoạt động rất tốt và đã giúp ích rất nhiều cho cá nhân tôi. Không chỉ cảnh báo rằng tôi sắp gặp chướng ngại vật mà còn giúp nhận biết loại chướng ngại vật mà tôi đang gặp phải”, Raffer nói thêm.
Thiết bị đã nhận được cấp phép sử dụng và đang được bán trên trang web của công ty với giá 3.850 USD. Sản phẩm sẽ bao gồm một đôi giày cũng như hai cảm biến cho mỗi chiếc được bảo vệ trong một hộp chống thấm nước và cả chống bụi cùng một bộ sạc kết nối qua cổng USB. Pin của thiết bị có thể dùng đến 1 tuần và sạc đầy chỉ sau 3 giờ.
Người dùng có thể dễ dàng thay đổi tuỳ chỉnh thời gian thực bằng các nút bấm ở phía sau giày cũng như có thể kích hoạt chế độ thông minh. Ở chế độ này, khi người dùng đang ngồi thì InnoMake cũng có thể làm máy quét để quét và lấy thông tin về môi trường thông qua các cử động chân.
Hiện các nhà nghiên cứu đang cân nhắc việc gắn thêm một máy ảnh hỗ trợ AI để phát hiện chướng ngại vật chính xác hơn. Phó Giáo sư Friedrich Fraundorfer tại Đại học công nghệ Graz giải thích thêm: “Chúng tôi đã phát triển các thuật toán deep-learning hiện đại được mô hình hóa trên mạng nơ-ron thần kinh có thể phát hiện và giải thích nội dung của hình ảnh thu về. Thiết bị cũng sử dụng hình ảnh camera từ góc nhìn ở mũi chân để xác định khu vực nào không có chướng ngại vật và an toàn để đi bộ”.
Công ty Tec-Innovation đang nghiên cứu để kết hợp thông tin thu thập được từ những đôi giày thông minh này và biến chúng thành một bản đồ điều hướng ở chế độ xem phố cho người khiếm thị.