Giếng Bộng làng Tỉnh Thủy

PHẠM THÔNG 27/08/2019 11:15

Tại các làng biển thuộc vùng đông Tam Kỳ, người đến để khai cơ lập nghiệp thường quần cư ở các sườn và ven chân đồi cát. Họ chọn đất dựng nhà đơn sơ phía tây và phía nam đồi cát, có lẽ để tránh gió bấc (gió mùa đông bắc), bão tố hoặc sóng thần.

Về sau trồng được cây dương liễu (phi lao) chắn gió họ mới trài ra ở nơi đất bằng. Vì thế, các xóm nơi đất bằng thường là dân đến muộn hơn. Ta hãy quan sát các làng Trung Thanh, Thượng Thanh, Vịnh Giang, Phương Tân nằm liền kề làng Tỉnh Thủy, đọc các gia phả của tộc họ dân cư sẽ thấy rõ điều đó. Làng Tỉnh Thủy cũng vậy, những dòng họ có thủy tổ đến sớm đều quần cư tại địa bàn quanh đồi cao nằm chính giữa làng. Khởi thủy hình thành làng gắn liền với sự tích giếng Bộng và gò (đồi) Rú Xứ.

Nước ngọt là thứ cần thiết nhất của con người, dân biển thì nước ngọt không chỉ sử dụng cho cuộc sống tại chỗ mà rất cần mang theo khi ra biển khơi. Tiền nhân của làng đến gò Rú Xứ định cư lập nghiệp, trước tiên phải tìm nguồn nước ngọt rất hiếm ẩn chứa trong lòng cát. Theo phong thủy và trong kinh nghiệm thực tế người xưa đã nhận ra ở những rẻo cát ven biển thì ngay dưới chân các đồi cao thường tích tụ những nguồn nước, có nơi gọi là mội, có nơi gọi bộng. Mội là nước theo mạch chảy ra trên mặt đất; bộng là nước từ các mạch quần tụ trong lòng đất, khi con người khai thông tạo thành giếng, thành ao nhân tạo.

Từ sự bức thiết của cuộc sống, tiền nhân làng Tỉnh Thủy đã tìm được nguồn nước dưới chân gò Rú Xứ, cách bờ sông Trường Giang độ 40m, nằm ngay dưới chân gò Rú Xứ ngày nay gọi là đồi Bà Lau. Các vị thủy tổ đến định cư tại đây đã khai thông mạch nước tạo thành giếng. Có nước, dân quần cư tạo thành làng. Ngay từ thuở ban sơ đó, khai thông được nguồn nước ngọt dọc bờ đông Trường Giang là rất hiếm, người đi thuyền trên sông Trường từ cửa An Hòa ra cửa Đại thường ghé vào bờ xin dân làng lấy nước ngọt nên họ gọi đây là xứ Giếng Nước, dân làng thì gọi cái giếng này là Giếng Bộng.

Giếng Bộng có nguồn nước dồi dào, cả làng lúc ban sơ chỉ uống nước tại giếng này, về sau dân cư đông, các xóm bắt đầu khai thông giếng khác ở thời kỳ muộn hơn như xóm Đình có giếng Đình, xóm dưới có giếng Dưới... Tới lúc dân cư đông, xuất hiện những ngư dân có học chữ nhiều, các bô lão hay chữ trong làng lấy chữ Hán - Việt đặt tên cho làng là Tỉnh Thủy, có nghĩa là Giếng Nước.

Nguồn gốc tên làng Tỉnh Thủy là từ cái giếng nước rất cổ này. Giếng Bộng là di tích văn hóa lịch sử của làng, các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau dẫu có đạt mức hiện đại về khoa học, công nghệ, văn hóa, xã hội đến đâu thì cũng phải “uống nước nhớ nguồn”, cũng phải luôn quý trọng, gìn giữ và tôn tạo những dấu tích của cha ông xưa. Trong đó, giếng Bộng là mạch sống đầu tiên của dân làng Tỉnh Thủy.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giếng Bộng làng Tỉnh Thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO