Giếng cổ ở Quảng Huế

THÁI MỸ 02/11/2016 08:45

Anh Võ Đức (52 tuổi) nhà ở sát bên “Đình Không Chái”, một ngôi đình cổ hơn 500  tuổi, thuộc tổ đoàn kết số 4, thôn Hóa Phú, xã Đại An (Đại Lộc) dẫn tôi  ra cái giếng nằm sát con đường làng nhỏ ngoằn ngoèo rồi bảo: “Theo các bậc cao niên trong làng cũng như cụ thân sinh tôi kể lại, cái giếng này được đào cách đây hơn 500 năm rồi. Ngày trước cả làng đều đến giếng ni tắm gội, giặt giũ, gánh nước về nhà ăn uống. Từ ngày có giếng đóng, máy bơm, người trong làng không sử dụng nữa nên nó thế này đây”. Vừa nói, anh Võ Đức vừa đưa tay chỉ vào lùm cỏ mọc um tùm lu lấp kín mít miệng giếng. Tôi phải vạch đám cỏ rậm rạp mới đưa được ống kính để chụp mấy kiểu ảnh. “Giếng này có tên là gì hả anh Đức?” - tôi hỏi. “Theo truyền miệng qua nhiều đời ở vùng ni thì đây là “Giếng Bốn Trụ”. Nó gắn liền với sự ra đời của ngôi Đình Không Chái ni đây” - anh Đức giải thích và đưa tay chỉ sang phía mái đình.

Đình Không Chái được phục dựng rất nhỏ vào năm 1974. Ảnh: Thái Mỹ
Đình Không Chái được phục dựng rất nhỏ vào năm 1974. Ảnh: Thái Mỹ

Chiếu theo gia phả được lưu giữ tại các dòng họ ở đây, cuối năm 1471,  vua Lê Thánh Tông sau khi chinh phục Chiêm thành, dân của 7 châu vùng Quảng Huế, gồm Quảng Trung, Quảng Đông, Quảng Tây, Quảng Hóa, Quảng An, Quảng Phú và Quảng Đại đóng góp xây dựng một ngôi đình. Chính do dân làng của vùng đất Quảng Huế lập dựng nên đình có tên gọi là đình Quảng Huế. Đình được xây dựng theo lối thiết kế 5 gian, 2 chái, chạm trổ phượng, long, hoa văn kỳ công, tinh xảo, các cột đình rất to bằng gỗ quý hiếm lấy từ rừng đứng trên đá tán, mái lợp ngói âm dương. Vùng đất Quảng Huế hồi đó chỉ có 4 tộc đầu tiên khai phá lập canh, lập cư là các tộc Võ, Lê, Nguyễn, Trần chứ chưa xuất hiện dòng họ nào khác. Rồi không ai còn nhớ vào năm nào, chỉ biết khoảng thời gian đó con cháu các dòng tộc ngày càng sinh sôi đông đúc, nhiều chi, nhánh trong mỗi tộc họ ra đời và nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cũng gắn liền với đời sống con người, do đó đình, chùa bắt đầu phát triển theo sự tồn tại, phát triển của xã hội.

Giếng Bốn Trụ đã được xây dựng lại nhưng bị bỏ hoang.
Giếng Bốn Trụ đã được xây dựng lại nhưng bị bỏ hoang.

Bà con các châu tề tựu tại đình Quảng Huế cúng bái xin thành hoàng và các bậc tiền nhân cho tháo dỡ 2 chái chia nhau nhằm “lấy thiêng” mang về xây dựng các mái đình khác. Từ đó đình Quảng Huế chỉ còn lại phần mái lợp ngói chính nên cái tên mới “Đình Không Chái” ra đời. Có người nói, Giếng Bốn Trụ được đào trước khi dựng đình để nhân công có nước uống, tắm rửa… Tức là thợ phải đào giếng trước mới tiến hành giai đoạn dựng đình. Giếng được đào sâu hàng chục mét, phần từ miệng giếng trở xuống đáy được lắp ghép bằng đá, xây theo kiểu hình tròn, phần thành nổi trên mặt đất được xếp đá hình vuông. Dân cư các châu của 4 tộc họ đều tập trung tới Giếng Bốn Trụ gánh nước về chứa trong chum vại để sử dụng. Tuy giếng nằm ở giữa cánh đồng phèn chua nhưng suốt bốn mùa nước đều trong vắt, không hề có mùi bùn. Cả 7 châu hồi ấy chỉ có cái giếng này để dùng chung nhưng giếng không bao giờ cạn nước.

Trải qua hơn 5 thế kỷ với bao biến cố thăng trầm, giặc giã chiến tranh, Đình Không Chái bị bom đạn vùi dập, đổ nát chỉ còn lại 2 trụ biểu, bức bình phong và 4 trụ đá. Mãi đến năm 1974, dân làng Quảng Huế góp công, góp của xây dựng lại một mái đình rất nhỏ ngay trên nền ngôi đình cũ chứ không hoành tráng, đồ sộ như mái đình xưa và cái tên Đình Không Chái tiếp tục được lưu truyền. Bốn trụ đá đó được dựng lại làm trụ mái hiên của đình bây giờ. Cùng với việc xây lại đình, Giếng Bốn Trụ cũng được dân làng trục các miếng đá lắp ráp cũ kỹ cổ xưa bỏ đi để xây bằng xi măng hình tròn nên lòng giếng bị thu hẹp lại. Ngày 15.2.2005, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký Quyết định số 441/QĐ-UB công nhận Đình Không Chái là Di tích lịch sử cấp tỉnh và được đầu tư 300 triệu đồng để xây dựng tường rào bao bọc khuôn viên ngôi đình. Còn Giếng Bốn Trụ nằm ngoài bờ rào ước chừng 5m.

Như  vậy, Giếng Bốn Trụ và Đình Không Chái có mối liên kết chặt chẽ với nhau từ rất lâu đời để làm nên di tích. Bên cạnh việc bảo tồn, gìn giữ Đình Không Chái, thì Giếng Bốn Trụ cũng cần được bảo vệ để lưu truyền cho muôn đời sau, bởi đó là hồn cốt cha ông, là dấu tích của tiếng xưa sẽ còn vọng mãi ở chốn này…

THÁI MỸ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giếng cổ ở Quảng Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO