Giếng làng

ĐIỆN NGỌC - THANH XUÂN 18/01/2015 09:48

Trong những con hẻm rất xưa của Tam Kỳ, có những giếng cổ mà người đời nay không thể biết nó có tự khi nào. Chỉ biết rằng khi sinh ra họ đã thấy nó giữa làng. Ngày xưa, nhà cửa thưa thớt, đất rộng mênh mông, giếng đứng kiêu hãnh giữa làng. Bây giờ nhà cửa san sát, những giếng xưa khép mình bên góc nhà, nằm ven đường lặng lẽ.

Giếng bốn trụ

Giếng bốn trụ ở khối phố Bàn Thạch, (phường Hòa Hương) được xem là giếng cổ nhất của Tam Kỳ xưa. Và cả Tam Kỳ ngày nay chỉ có duy nhất giếng này xây theo kiểu thành vuông 4 trụ. Giếng cổ hình vuông với kiểu kết cấu rất độc đáo. Vách giếng được ghép bằng những tấm đá xanh. Cứ bốn tấm đá như thế, người xưa ghép thành một ô vuông, mỗi cạnh được khớp với rãnh của 4 trụ đá vuông, gọi là trụ giếng. Trên thành giếng là 4 thanh đá dài đặt nằm ngang, 2 đầu thanh đá đóng vào mộng được đục sẵn trên vai trụ giếng. Hai mặt đá có hình lồi lõm khiến một số người tưởng rằng họa tiết, nhưng kỳ thực đó lại là dấu tích rất đời thường của người dân khi mài dao trên thành đá. Lòng thành giếng hình tròn được xây dựng từ những viên đá ong xếp đan xen chồng lên nhau mà không dùng chất kết dính, tạo khe hở giữa từng lớp đá, và nước từ trong lòng đất cũng chảy ra từ đó quanh năm. Có nhiều người cho rằng đây là giếng của người Chăm xưa, nhưng cũng có thể là kết quả của sự giao thoa truyền thống giữa người Việt với người Chămpa trong quá trình cộng cư. Trong khi, cư dân Chămpa khu vực ven biển Trung bộ có truyền thống xây lòng giếng hình vuông, ghép bằng các phiến đá hoặc gỗ thì người Việt thường xây lòng giếng hình tròn bằng gạch. Với kết cấu giếng bốn trụ ở phường Hòa Hương “trên vuông dưới tròn” hoặc ở một số vùng lân cận có giếng “trên tròn dưới vuông” nên có thể là đây là công trình cải tạo của người Việt trong hành trình sáp nhập cộng đồng tại vùng đất này. “Giếng bốn trụ do ông Nguyễn Tính tiền hiền của Bàn Thạch thôn từ Bắc vào xây dựng cách đây hơn 500 năm. Khi đó nước giếng nào cũng bị nhiễm phèn chỉ có giếng này là ngon và ngọt. Hạn hán mấy cũng không cạn” - ông Nguyễn Viết Tạ (90 tuổi ở khối phố Bàn Thạch) khẳng định.

Giếng bà Họa, khối phố Bàn Thạch (phường Hòa Hương).
Giếng bà Họa, khối phố Bàn Thạch (phường Hòa Hương).

Dù vẫn còn đó những bí ẩn về nguồn gốc, niên đại, nhưng hàng trăm năm nay không ai có thể phủ nhận nước giếng bốn trụ quanh năm đầy ắp, nước giếng trong và mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, dùng nấu các món truyền thống thì không gì sánh bằng. Cũng bởi giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, tinh thần và cả giá trị sử dụng lâu bền nên giếng bốn trụ vẫn là một phần linh thiêng trong cuộc sống của người dân làng Tứ Bàn cho đến ngày nay.

Và những giếng khác...

Ra đời sau giếng bốn trụ là những giếng làng được xây dựng từ cách chọn long mạch tài tình của người xưa. Kết cấu vẫn có phần giống giếng bốn trụ đó là lòng giếng được xây dựng từ những phiến đá ong xếp chồng lên nhau, không chất kết dính, tạo ra những khe hở để mạch nước tuôn trào quanh năm. Hiện nay còn 4 giếng như thế ở Bàn Thạch thôn xưa, nay thuộc các khối phố Bàn Thạch, Hồng Phong  (phường Hòa Hương) và khối phố 5 (phường Phước Hòa). Và mỗi giếng gắn với tên của người sống gần kề, người được xem là có công gìn giữ cải tạo giếng. Giếng bà Họa ở khối phố Bàn Thạch (phường Hòa Hương), sau khi bà Họa rời làng thì giếng lấy tên ông Năm Rìu sống bên cạnh. Đây cũng là giếng còn được sử dụng nhiều nhất cho đến nay. Bởi phần lớn người dân sống xung quanh là dân lao động thu nhập thấp, nên họ vẫn thường xuyên dùng nước giếng thay vì dùng nước máy.

Nhiều người kể lại rằng nước giếng rất ngon nên được ông Năm Rìu dùng để nấu rượu và trở nên có tiếng trong vùng. Trước đây, khi chưa có nhà cửa đông đúc thì giếng nằm ngay dưới gốc đa và miếu bà Hỏa, tương truyền là ngôi miếu có từ thời khởi thủy làng Tam Kỳ xưa. Ngày nay, ngăn cách giữa khu miếu bà Hỏa và giếng làng là một hai ngôi nhà cấp bốn của người dân. Dù có thay đổi, nhưng quần thể “cây đa, giếng nước, sân đình” ở đây vẫn được người dân nhắc đến như một sự kết dính về văn hóa và tâm linh cùng sự biết ơn của người đời nay đối với cổ nhân. “Cả làng này ai cũng dùng nước giếng Năm Rìu, hàng năm thì người làng đều góp công góp của cải tạo giếng. Vừa để sử dụng lâu dài vừa để tưởng nhớ người đời xưa đã có công khai thác nguồn nước ngọt” - bà Võ Thị Kim Mai, người sống lâu năm ở đây cho biết.

Ngày nay, giếng cổ ít được cộng đồng sử dụng như xưa, mà phần lớn được bảo tồn như một tín ngưỡng linh thiêng. Giếng bà Kiều ở khối phố Hồng Phong (phường Hòa Hương) xưa là nguồn nước ngọt cung cấp cho cư dân cả hai phường Hòa Hương và Phước Hòa thì nay chỉ còn vài hộ dân lấy nước về dùng để giặt giũ hoặc chỉ có những người già đôi khi tìm lại ký ức xa xôi. “Giếng này trước đây thấp ngang mặt đất, sau này, gia đình tôi xây thêm thành giếng lên cao để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Hồi trước hằng năm người đến lấy nước giếng đều có tục cúng tạ thần giếng, nhưng sau này thì ít ai còn dùng nước giếng nên tục lệ cũng dần mất đi. Chỉ có những người già lâu lâu đến lấy nước về pha trà” - ông Nguyễn Văn Tấn, cháu nội của bà Kiều kể lại.

Người xưa quan niệm, mỗi cái giếng đều có một vị thần bảo hộ cho nguồn nước ngọt lành. Nên cứ đến ngày rằm, mùng một hay lễ tết, những người đến gánh nước đều thắp nén nhang nhớ ơn vị thần này. Theo đó mà nhiều giai thoại dân gian về công dụng nước giếng cổ được truyền đời này sang đời khác. Và cũng chỉ có những giếng làng mới có được những đặc trưng mà không một giếng nhà nào có thể có được. Cuộc sống đô thị tiếp diễn làm đổi thay nhiều thứ. Sẽ không còn nhiều giếng làng, và giếng làng cũng không còn nhiều giá trị sử dụng nữa. Nhưng trong tâm thức mọi người, giếng làng đã là một giá trị văn hóa vô cùng sâu sắc, có thể thấy trong đó cả phần tâm linh cùng cuộc sống đời thường của bao thế hệ.

ĐIỆN NGỌC - THANH XUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giếng làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO