(QNO) - Nói đến giếng làng bà Thủ Khoá thì hầu như những thế hệ trung niên trở về trước ở xã Cẩm Kim (Hội An) ai ai cũng biết. Giếng nổi tiếng vì nguồn nước luôn dồi dào, trong veo và mát lạnh. Vì điểm đặc biệt ấy mà cả vùng dân cư xung quanh, kể cả cư dân bên kia sông như vùng An Hội (Minh An), chợ cá Cẩm Hà… cũng thường xuyên đến lấy nước giếng này về dùng.
Đã rất nhiều năm, bao thế hệ lớn lên từ mạch nước trong nổi tiếng ở giếng này, không phải ai cũng biết ngoài việc cung cấp nước uống cho đời sống sinh hoạt hằng ngày của nhân dân quanh vùng, giếng bà Thủ Khoá còn gắn kết với lịch sử hình thành phát triển lịch sử của vùng đất và đời sống văn hoá tinh thần của người dân nơi đây.
Theo số liệu điều tra thực địa về di sản văn hoá ở Cẩm Kim của tác giả Nguyễn Cường - Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hoá Hội An, thì tại Cẩm Kim có 8 di tích là giếng cổ được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, trong đó có 2 di tích được ghi vào danh mục bảo vệ là giếng Tứ tộc và giếng bà Thủ Khoá.
Giếng Tứ tộc ở đầu thôn Phước Trung, giáp với thôn Triêm Tây của xã Điện Phương (Điện Bàn). Giếng bà Thủ Khoá nằm cuối làng, giếng ở gần sông cạnh bến ghe Ông Sứa.
Thông tin trên bia di tích tại đây ghi rõ: Giếng được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20, có tên gọi dân gian là giếng bà Thủ Khoá, do trước đây giếng này nằm trong vườn bà Thủ Khoá, một cơ sở quan trọng của ta trong giai đoạn cách mạng tiền khởi nghĩa ở Hội An. Kiểu giếng hình tròn, thành giếng được xây bằng gạch thẻ liên kết bởi lớp vữa khá chắc chắn. Di tích liên quan đến cuộc sống đời thường của người dân địa phương và chưa đựng nhiều thông tin về lịch sử văn hoá của vùng đất Kim Bồng xưa…
Việc được các nhà nghiên cứu xác định, cho thấy giếng bà Thủ Khoá gắn kết với đời sống sinh hoạt hàng ngày và nuôi dưỡng đời sống và tâm hồn của bao thế hệ trẻ già, trai gái lớn lên quanh ngôi giếng cổ này. Chúng tôi không rõ lắm về đời sống sinh hoạt của cha ông, những thế hệ khai thiên lập địa vùng đất này gắn kết, liên quan, gần gũi với giếng này như thế nào, nhưng với thế hệ chúng tôi, giếng bà Thủ Khoá đầy ắp những kỷ niệm buồn vui.
Thế hệ chúng tôi gắn kết một phần đời sống tinh thần ở giếng này là những năm 80 của thế kỷ trước, tức tầm sau ngày giải phóng quê hương chừng 5, 7 năm. Ngày đó chúng tôi có một vài chỗ để vui chơi kiểu trẻ con vùng mới giải phóng.
Đó là tập trung ở lăng Trung Châu chơi trò tạch đùng, trốn tìm, ném đất. Rồi chiều chiều gùi rơm thành những quả bóng kéo nhau ra những cánh đồng mới gặt chia phe đá bóng. Khi những gương mặt đỏ kè vì nắng nóng, khi những giọt mồ hôi chảy dài trên khắp cơ thể lại kéo nhau về giếng giành nhau chiếc gàu và những làn nước mát. Thời tắm giếng Thủ Khoá không được bao lâu, chúng tôi bị các chú bác xung quanh cấm, không cho tắm giặt ở khu vực này. Cũng đúng thôi, cả cái làng chỉ có một cái giếng để uống và dành nấu ăn do đó nếu cứ vục gàu mà múc rồi xối ào ào thì nước đâu cho xuể.
Được các cô bác, cha mẹ khuyên bảo từ đó chúng tôi nhắc nhau không lén ra giếng tắm nữa. Không chỉ không tắm giặt bừa bãi nơi này, chúng tôi lấy việc bảo vệ giếng làm đầu. Không nhớ ai đã sáng kiến cho thiếu nhi thôn chúng tôi lấy tên “Công tác Trần Quốc Toản”, chương trình giống như “Công trình Măng non” của thiếu nhi hôm nay, đặt cho chương trình giữ gìn giếng sạch. Hằng tuần chúng tôi phân công nhau vét giếng, góp gạch vỡ mang đến xếp quanh nền giếng.
Giếng bà Thủ Khoá trở nên gần gũi, gắn bó với chúng tôi từ những việc làm nhỏ như vậy. Bây giờ, nhắc về những ngày thơ ấu ấy, chắc ít ai quên những lần đầu tiên gánh những gàu nước mát, trong từ giếng về những chiếc chum, ảng nhà mình. Những đôi vai non nớt tập tành giúp đỡ cha mẹ và muốn thể hiện mình đã lớn khôn của những đứa trẻ chúng tôi ở đây có lẽ bắt đầu từ những đôi gàu nước này.
Hồi đó, đôi gàu gánh nước rất khó sử dụng, chúng có đáy nhọn, chỉ dành cho người lớn gánh nước tưới rau. Bọn nhỏ chúng tôi phải rất cẩn thận, khéo léo mới sử dụng được. Tuổi nhỏ, sức yếu đâu thể gánh một mạch đôi nước dù chỉ nửa thùng về thẳng nhà mà phải nghỉ dọc đường. Mỗi lần dừng nghỉ, không khéo ngã đổ cả đôi, thành công cốc. Rồi những lần rủ nhau gánh nước tập thể cũng qua đi, từ nửa thùng mà chân đã run, nghỉ liên tục dọc đường đến khi gánh cả đôi nước đầy chạy một mạch về thẳng nhà mà không xi nhê gì.
Nghĩa là chúng tôi đã lớn! Chúng tôi lớn lên cùng với làng quê thay đổi cảnh sắc và đời sống. Chúng tôi lớn lên, đời giếng cũng lớn lên và già đi!
Điện về, những mạch nước trong được lấy lên ngay dưới chân nhà, trong vườn. Những đôi gàu gánh rỉ sét theo chân những người thu mua phế liệu. Những chiếc mô tơ hút nước lên những bồn cao, chỉ cần vặn vòi là nước chảy, muốn đến đâu chúng sẽ đến đó. Thế là một thời gian dài, giếng bà Thủ Khoá bị bỏ hoang. Lũ lụt, phù sa, bùn non, rác rưởi của thời gian cùng với sự quên lãng của mọi người làm cho giếng trở nên tội nghiệp, rác rến, cành cây lấp đầy miệng giếng.
Không biết điều gì mách bảo, một lần chúng tôi ngồi nhắc chuyện xưa, tự dưng những ký ức về giếng làng bà Thủ Khoá trở về như mới hôm qua… Thế là không ai bảo ai, người góp công, kẻ góp của, vài bao xi măng, vài khối cát mà quan trọng là cái công, cái tấm lòng.
Hàng chục người và hơn hai ngày hò dô ta, tất cả bùn đất trong lòng giếng được lấy lên, nền giếng được đắp cao, lối đi vào được đúc bằng bê tông sạch sẽ, tươm tất… hơn cả ngày xưa. Mạch nước giếng làng được khơi thông trở lại. Xong việc, nhìn xuống làn giếng nước trong veo, chúng tôi cảm thấy ấm lòng. Đó là mùa hè 2017.
Mới đây, chính quyền thành phố Hội An đã đầu tư kinh phí xây dựng khu vực này thành địa chỉ Di tích lịch sử văn hoá cấp thành phố gắn với khu vườn bà Thủ Khoá.
Theo đó, giếng bà Thủ Khoá nằm trong Khu di tích vườn bà Thủ Khoá. Đây là cơ sở cách mạng quan trọng của các tổ chức đảng ở Hội An trong thời kỳ tiền khởi nghĩa đầy khó khăn.
Tháng 10/1942, liên Thành uỷ Quảng Nam - Hội An - Đà Nẵng chọn đặt cơ quan dự bị để thống nhất chỉ đạo phong trào cách mạng. Cuối năm 1943, nơi đây diễn ra cuộc họp quyết định thành lập Thành ủy lâm thời Hội An nhằm phục hồi tổ chức đảng sau thời gian bị địch khủng bố.
Đặc biệt, vào tháng 8/1945, Thành uỷ Hội An tổ chức hội nghị mở rộng chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa và lãnh đạo quân dân Hội An nổi dậy giành chính quyền thắng lợi sớm trong Cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Đêìu rất mừng là thành phố Hội An và xã Cẩm Kim đã kịp thời xây dựng tại khu vườn này một khuôn viên sạch đẹp. Khu vườn và giếng nước bà Thủ Khoá không chỉ chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hoá cách mạng tại địa phương mà còn ghi dấu kỷ niệm của bao thế hệ, bao lớp người sinh ra và lớn lên từ mạch nước trong ở giếng nước này.