Gieo chữ trên nóc Ông Ní

THANH THẮNG 20/03/2017 08:49

Dù vất vả, nhưng với lòng yêu nghề, cô giáo Nguyễn Thị Tắm và Lưu Thị Liên - giáo viên điểm trường nóc Ông Ní (thôn 2, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My) vẫn ngày đêm miệt mài gieo con chữ cho học sinh nơi đây.

Điểm trường nóc Ông Ní nằm cách điểm trường chính chưa đầy 4km, nhưng đường đi khó khăn, địa hình hiểm trở, mùa nắng đường nhiều bụi bặm, mùa mưa lầy lội rất khó đi. Điểm trường này có 2 lớp học, gồm 30 học sinh là người Ca Dong, trong đó 14 em lớp 1 (thuộc Trường Tiểu học Trà Vân), 16 em lớp mầm non (thuộc Trường Mẫu giáo Họa Mi). Hoạt động dạy học do 2 cô giáo Nguyễn Thị Tắm (SN 1991, trú xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My) - giáo viên mầm non và cô giáo Lưu Thị Liên (SN 1993, quê huyện Núi Thành) - giáo viên tiểu học đứng chân dạy học.

Điểm trường nóc ông Ní, thôn 2, xã Trà Vân. Ảnh: THANH THẮNG
Điểm trường nóc ông Ní, thôn 2, xã Trà Vân. Ảnh: THANH THẮNG

Cô Tắm chia sẻ, năm 2015 sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non, cô về công tác tại điểm trường nóc Ông Ní. Ngày mới về đây, điểm trường còn nhiều khó khăn, thiết bị dạy học thiếu thốn. Nhưng là người đồng bào Ca Dong, cô Tắm hiểu được tiếng nói và tâm lý của học sinh nơi đây nên dễ dàng động viên, chia sẻ. “Học sinh nơi đây từ nhỏ đã quen với núi rừng và chưa quen với tiếng phổ thông nên việc tiếp thu con chữ còn chậm hơn so với trẻ em miền xuôi. Việc dạy học đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo và giải thích nhiều lần các em mới có thể tiếp thu” - cô Tắm nói. Còn cô giáo Lưu Thị Liên sau khi tốt nghiệp sư phạm tiểu học Trường Đại học Quảng Nam, cô nộp đơn xin về huyện miền núi Nam Trà My và được nhận dạy hợp đồng tại điểm trường này.

Điểm trường nóc Ông Ní nằm cheo leo trên dãy Ngọc Linh nên điều kiện sống của giáo viên cũng gặp không ít khó khăn. Không có internet, không có điện nên không có ti vi, có chiếc điện thoại di động thông minh cũng chỉ để nghe, gọi và chơi game. Vì điều kiện đường sá đi lại xa xôi và hiểm trở nên cô Tắm và cô Liên nửa tháng mới về nhà một lần vào cuối tuần. Nhà cô Tắm ở Bắc Trà My nên mỗi lần về  chỉ mất... hơn 2 tiếng đồng hồ chạy xe máy. Còn cô Liên ở huyện Núi Thành, mỗi lần về phải cả buổi mới đến nhà. “Tranh thủ ngày cuối tuần, chúng tôi thay phiên nhau về thăm nhà và mua thức ăn lên để dùng cho cả tuần. Chủ yếu mua đồ khô, thỉnh thoảng cũng mua ít thức ăn tươi lên để ăn vài ngày đầu tuần. Biết là vất vả, nhưng vì thương trẻ  em nơi đây nên phải gắn bó với lớp, với điểm trường” - cô Liên tâm sự.

THANH THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gieo chữ trên nóc Ông Ní
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO