Gieo chữ từ tâm

NHƯ TRANG 28/07/2017 08:40

Như một món quà dành cho học trò nghèo cùng những người lao động khó khăn, Nguyễn Thị Minh Phượng (trú tại Bình Ninh, Điện Nam Bắc) và Nguyễn Thị Hồng Vân (trú tại Quảng Lăng 2, Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn) tranh thủ thời gian rảnh để mở lớp dạy học miễn phí.

1. Vừa hoàn thành việc học tại Trường Đại học Kinh tế TP.Đà Nẵng, Nguyễn Thị Minh Phượng (SN 1995) nhanh chóng tìm cho mình công việc ổn định tại công ty tư vấn luật kinh doanh. Nhận thấy quỹ thời gian trong ngày còn nhiều khoảng trống, Phượng bắt đầu thực hiện kế hoạch mở lớp học tình thương mà bản thân ấp ủ từ những năm còn là học sinh phổ thông. Theo đó, cô gái trẻ này lấy khoản tiền lương đầu tiên sắm bảng viết, thuê thợ đóng bàn ghế gỗ và tiến hành chiêu sinh 2 nhóm lớp Toán miễn phí, mỗi nhóm không quá 15 học sinh. Chia sẻ về điều này, Phượng nói: “Đối tượng đầu tiên em muốn giúp đỡ là học sinh lớp 11 lên 12. Em dự định trong thời gian một năm sẽ vừa dạy vừa lấp lỗ hổng kiến thức, đồng thời hỗ trợ chương trình học nâng cao giúp các em vững tin bước vào kỳ thi tuyển sinh 2018”.

Để mỗi tiết học mang lại hiệu quả cao giúp học sinh dễ hiểu bài, hằng đêm Phượng trăn trở tìm phương pháp giảng bài hay. Không chỉ thế, Phượng còn soạn giáo án theo chuyên đề và cách tư duy logic trong mỗi bài toán. Thành thông lệ, cứ mỗi sáng đồng hồ điểm 5 giờ, Phượng lại thức dậy chuẩn bị sách vở, mực, bảng vào tiết dạy. Sau 2 giờ đồng hồ “gieo chữ” cho các em học trò nghèo hiếu học, mặt trời bắt đầu lên cao cũng là lúc Phượng đến công ty làm việc. Em Đỗ Thị Hoàng Dung (học sinh Trường THPT Trần Quý Cáp) ngày ngày đều thức dậy từ sớm để đạp xe gần 10 cây số từ nhà ở Điện An đến lớp học yêu thương của “cô giáo Phượng”. Em Hoàng Dung chia sẻ: “Hoàn cảnh nhà em khó khăn, tìm được chỗ học miễn phí như chỗ cô Phượng rất hiếm. Không chỉ thế, cô dạy rất dễ hiểu và giúp em nhớ lâu. Kỹ năng tư duy Toán logic cũng giúp em tiến bộ hơn trước rất nhiều”. Nói về bí quyết dạy học, Phượng cho biết em giảng dạy kết hợp phương pháp truyền thống một người giảng - nhiều người nghe, thỉnh thoảng cho học sinh làm việc nhóm để tạo sự đoàn kết và ham học.

2. Với những công nhân và nhân viên Công ty TNHH Midori Safety Footwear (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc), Nguyễn Thị Hồng Vân (SN 1993) trở thành cô giáo trong lòng họ. Công việc đòi hỏi phải giao tiếp với cấp trên hoặc chủ đầu tư là người Nhật Bản khiến các anh chị là công nhân không thể truyền đạt hết điều mình trao đổi, một số nhân viên phòng hành chính phải tìm người dịch tài liệu lúc cần gấp. Nhận thấy sự khó khăn đó, Vân tình nguyện mở lớp dạy tiếng Nhật miễn phí nhằm giúp các anh chị biết thêm về tiếng Nhật. Ban đầu, Vân tận dụng khoảng không gian còn trống trong văn phòng ở xưởng rồi kê bàn ghế, sắm một chiếc bảng làm dụng cụ giảng dạy. Mỗi tuần, vào thứ Ba và thứ Sáu, sau giờ tan ca, Vân lại tập trung “học trò” vào lớp. Cứ thế, từng nét chữ và cách phát âm được Vân trao đi, tiếng đọc bài đồng thanh to, rõ là biết bao niềm vui cô gái trẻ nhận lại.

Vân chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi bị tai nạn chấn thương sọ não, nhờ chương trình nhân đạo của Mỹ tài trợ nên có điều kiện phẫu thuật ghép sọ nhân tạo. Để sống, học tập, làm việc đến bây giờ là nhờ các tấm lòng nhân ái. Vì thế, tôi tự nhủ sẽ giúp ích cho đời nếu có thể”. Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật y dược TP.Đà Nẵng, Vân tiếp tục đăng ký khóa học tiếng Nhật do nhà trường tổ chức. Nhờ sự ham học và đam mê tiếng Nhật, Vân đỗ đầu các kỳ thi, nhận chứng chỉ rồi được cử sang Nhật Bản thực tập trải nghiệm ngành. Giỏi tiếng Nhật, Vân hội đủ điều kiện vào làm phiên dịch cho Công ty TNHH Midori Safety Footwear, bén duyên với những phận đời nơi đây. Theo học lớp tiếng Nhật của Vân gần 2 tháng nay, chị Huỳnh Thị Trang vui mừng vì đã nắm kỹ năng giao tiếp cơ bản. Chị Trang chia sẻ: “Nhờ có Vân mà tôi biết tiếng Nhật. Từ nay mỗi khi máy móc bị trục trặc, tôi có thể tự giao tiếp đề nghị cấp trên sửa chữa hoặc đổi máy mới”. Hay như chị Nguyễn Thị Hương Giang làm công nhân trong xưởng. Điều kiện kinh tế không mấy khá giả nên không thể đăng ký học các khóa tiếng Nhật. Đến với lớp học của Vân là điều may mắn đối với chị, vốn tiếng Nhật không chỉ giúp chị có thể giao tiếp trả lời các câu hỏi của đối tác tham quan xưởng sản xuất, mà còn cho chị kiến thức chỉ thêm cho con tại nhà.

NHƯ TRANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gieo chữ từ tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO