Những năm 20 của thế kỷ XX, một thế hệ tuổi trẻ đầy nhiệt huyết cách mạng ở Quảng Nam như Đỗ Quang, Đỗ Quỳ, Thái Thị Bôi, Lê Quang Sung… đã sớm tiếp thu với “Đường Kách mệnh”. Bằng tình yêu nước, thấu hiểu được nỗi tủi nhục của thân phận nô lệ, họ đã sớm đi theo “Đường Kách mệnh”, và bắt đầu công cuộc gieo những hạt mầm cách mạng trên quê hương Quảng Nam.
Tập hợp lực lượng đi theo “Đường Kách mệnh”
Các phong trào đấu tranh yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX diễn ra sôi nổi, nhưng đều bị thực dân và phong kiến tay sai dìm trong biển máu. Trong bối cảnh đó, sau bao nhiêu năm bôn ba khắp thế giới, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Năm 1925, Người lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (Hội VNCMTN), mở các lớp huấn luyện, in tác phẩm “Đường Kách mệnh” - tập hợp những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, để truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin về trong nước. Trong số cán bộ tham gia lớp đầu tiên đó có đồng chí Đỗ Quang - chàng thanh niên ưu tú của xứ Quảng. Sau khóa huấn luyện Đỗ Quang được cử về nước tuyên truyền đường lối cách mạng. Vừa về đến Huế thì tại đây nổ ra cuộc bãi khóa lớn.
Lúc bấy giờ ở Huế các phong trào đấu tranh yêu nước diễn ra sôi nổi, là nơi đông đảo thanh niên, học sinh Quảng Nam sinh sống và sinh hoạt tại Nhà hội Quảng Nam. Nhà hội bị giải thể, đúng lúc đó, Đỗ Quang đã kịp thời tiếp xúc với số học sinh tham gia bãi khóa, vận động thành lập Ban Vận động Hội VNCMTN Quảng Nam. Ban Vận đồng về Đà Nẵng lấy trường Cự Tùng làm nơi dạy học và địa điểm liên lạc cách mạng. Trường Cự Tùng là ngôi trường tư thục của ông Nguyễn Văn Tùng, nay là di tích lịch sử số 52, Trần Bình Trọng, TP.Đà Nẵng. Thời Pháp thuộc, ông Nguyễn Văn Tùng là thương gia giàu có. Năm 1920, ông dành riêng lô đất kế bên dựng trường tư thục mang tên Cự Tùng. Ban Vận động ra đời đúng lúc tuổi trẻ, nhân dân tỉnh đang khao khát tìm hiểu cách mạng để chọn hướng đi.
Sau thời gian tuyên truyền vận động, tháng 9.1927, Chi bộ Hội VNCMTN ở Đà Nẵng được thành lập do Đỗ Quang làm Bí thư. Cũng thời gian này, ở Đà Nẵng còn có một tổ hội phát triển trong số cốt cán của Hội Ái hữu lái xe miền Trung, do Nguyễn Tường phụ trách. Tại Hội An, tháng 10.1927, Chi bộ Hội VNCMTN ở Hội An được thành lập, do Phan Thêm làm Bí thư.
Từ 3 chi bộ trên, đầu năm 1928, hội nghị đã chính thức bầu ra Ban Chấp hành Tỉnh bộ Hội VNCMTN Quảng Nam, do đồng chí Đỗ Quang làm Bí thư. Hội đã đề ra tôn chỉ: “Trước làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng thế giới”. Tính đúng đắn trong tôn chỉ mục đích của hội cộng với sự nhiệt tình cách mạng của tuổi trẻ Quảng Nam đã làm cho hoạt động của hội ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, hoạt động mạnh cả địa bàn thành thị và nông thôn. Hội VNCMTN nhanh chóng trở thành một tổ chức chính trị có ảnh hưởng lớn trong tỉnh. Đánh giá về sự kiện này, Kỳ bộ Hội VNCMTN đã nhận xét: “Quảng Nam lúc bấy giờ là một trong những tỉnh có phong trào khá của Kỳ bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Trong sự hoạt động biết nhắm vào thợ thuyền lao động, vận động được phụ lão, phụ nữ tham gia phong trào, nhất là biết tổ chức nữ giới”.
Sau khi ra đời Hội VNCMTN giao nhiệm vụ cho Đỗ Quỳ (em ruột đồng chí Đỗ Quang) in hàng trăm cuốn “Đường Kách mệnh” để làm tài liệu tuyên truyền. Để in “Đường Kách mệnh”, vấn đề nan giải là phải đảm bảo bí mật, nên hội đã giao đồng chí Đỗ Quỳ và đồng chí Lê Quang Sung tìm địa điểm phù hợp lập cơ sở để in. Trong hồi ký của mình, đồng chí Đỗ Quỳ ghi: “Một buổi tối, anh Đỗ Quang bàn với chúng tôi. Anh nói nhỏ vừa đủ nghe, khiến chúng tôi hồi hộp: Anh em bàn xem, ta có thể tìm chỗ nào để lập cơ sở in ấn cho Kỳ bộ hội thanh niên cách mạng đồng chí được không? Vì đã hoạt động ở Đà Nẵng một năm rồi, tôi biết rõ tình hình chung quanh, nhất là những nơi mật thám Pháp chưa để ý, nên nhất trí thuê căn nhà gần Giếng Bộng, gọi là đường Giếng Bộng (nay là đường Trưng Nữ Vương). Nhà này khá kín. Anh Sung cũng đồng tình: Được quá! Có tài liệu gì hay không? Anh Quang cười: Tài liệu này là thức ăn của bọn mình đây! Tôi chồm tới: Loại chi đó anh? Anh Quang rút từ trong túi ra tập giấy mỏng rồi nói nhỏ: Đường Kách mệnh của đồng chí Nguyễn Ái Quốc! Cả tôi và anh Sung đều xúc động. Chúng tôi đã từng đọc nhiều thứ chủ nghĩa của nước ngoài, nhưng chưa hề nghĩ rằng người Việt Nam lại có thể viết một cuốn sách lý luận về con đường kách mệnh riêng của dân tộc mình. Đêm đó chúng tôi chong đèn đọc. Thì ra những lời nói của anh Quang lúc kết nạp chúng tôi chính là nội dung quyển sách này đây. Bác viết vừa giản dị vừa dễ hiểu và thấy có thể thực hiện được”.
Thống nhất về tư tưởng tiến tới thành lập Đảng bộ
Về ý nghĩa việc “Đường Kách mệnh” được truyền bá vào Quảng Nam – Đà Nẵng, cuốn: Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng 1930 - 1975 viết: “Tuổi trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng đã tiếp thu được cách mạng qua Đường Kách mệnh, tìm thấy được nguồn sức mạnh mới, vì vậy việc phát triển hội viên Hội VNCMTN khá nhanh”.
Bằng tình yêu nước, thấu hiểu được nỗi tủi nhục của thân phận nô lệ, được tiếp thu khá sớm tinh thần cách mạng vô sản qua tác phẩm “Đường Kách mệnh”, một thế hệ thanh niên, sinh viên, học sinh Xứ Quảng, như Đỗ Quang, Đỗ Quỳ, Lê Quang Sung, Phan Long, Thái Thị Bôi… đã nhanh chóng đi theo con đường “Đường Kách mệnh”. Họ là những người có công gieo những “hạt giống đỏ” cách mạng đầu tiên trên mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Công lao, những cống hiến của họ mãi mãi là tấm gương để thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau học tập và noi theo.
Tháng 6.1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, phát đi tuyên ngôn, cương lĩnh của Đảng. Sau khi thành lập, Đông Dương Cộng sản Đảng phân công một số cán bộ lãnh đạo vào miền Trung và miền Nam để xây dựng tổ chức Đảng trong cả nước. Tháng 6.1929, Xứ ủy Trung Kỳ lâm thời được thành lập, đã cử đồng chí Nguyễn Phong Sắc vào Đà Nẵng thành lập cơ quan phân xứ ủy.
Về Tỉnh bộ Hội VNCMTN Quảng Nam, sau khi đồng chí Nguyễn Thái cho biết ý kiến của Trần Văn Cung - phái viên của Đảng là phải thành lập Đảng Cộng sản vì tổ chức Hội VNCMTN không còn phù hợp nữa, thì một số hội viên phân vân vì ngỡ lâu nay Hội VNCMTN đã là Đảng Cộng sản. Đến khi Xứ ủy vào giải thích rõ ý nghĩa, mục đích thành lập Đảng, hầu hết hội viên của Tỉnh bộ Hội VNCMTN đều hăng hái gia nhập Đảng. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, có ý kiến cho rằng nên chuyển một số chi bộ sang Đông Dương Cộng sản Đảng hay cho chuyển toàn bộ. Để đi đến kết luận, Tỉnh Hội thống nhất tiến hành kiểm tra các chi bộ về nguyện vọng chuyển sang Đông Dương Cộng sản Đảng. Cuối cùng, tất cả đều thống nhất chủ trương chuyển Hội VNCMTN thành Đông Dương Cộng sản Đảng do Phan Văn Định làm Bí thư; Phạm Thâm (Phạm Tấn Khánh) làm Phó Bí thư; Nguyễn Thái, Tỉnh ủy viên, phụ trách công tác tuyên truyền, vận động tổ chức.
Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ở Quảng Nam - Đà Nẵng, sau khi nghe phái viên của Đảng Cộng sản Việt Nam báo tin thắng lợi của hội nghị Cửu Long, phổ biến chính cương, sách lược, điều lệ tóm tắt, Tỉnh bộ lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng Quảng Nam nhất trí thực hiện chủ trương hợp nhất của Trung ương Đảng. Ngày 28.3.1930, Đông Dương Cộng sản Đảng Quảng Nam ra Thông cáo về việc thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam. Thông cáo nêu rõ: “Phong trào cộng sản tỉnh Quảng Nam ta cùng xu hướng chung với cả nước, nó phát triển trên cơ sở tranh đấu của vô sản dân cày và những người bị áp bức trong tỉnh… chúng tôi, những người trong Tỉnh bộ lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng nguyện hy sinh tranh đấu do Đảng Cộng sản Việt Nam hướng đạo, nhằm bênh vực quyền lợi cộng sản cho thợ thuyền, dân cày và những người lao khổ”.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ công tác tuyên truyền, cổ động, chủ nghĩa Mác - Lênin đã xâm nhập trong một bộ phận nhân dân Quảng Nam, nhất là thanh niên, học sinh và đó là cơ sở dẫn đến sự ra đời của Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Quảng Nam.