(QNO) - Con tôi ra đời ở thành phố nên bữa cơm gia đình thường có hương vị từ thức ăn công nghiệp. Làm sao con hiểu được hương đồng cỏ nội cùng những món ăn dân dã ở quê nghèo như thời thơ ấu của ba.
Còn nhớ khi con mới tập tễnh về quê thăm nội khi tuổi lên ba. Về đến quê ai cũng nhìn con mà cười, vì con không giống với những đứa trẻ ở miền quê nghèo khó. Da con trắng sáng, mắt con tròn xoe đen tuyền, mũm mỉm nhưng không rắn chắc như các bạn cùng trang lứa ở quê.
Từ đầu ngõ đến cuối làng khi thấy ai cũng hồ hởi chào hỏi ba, con liền hỏi “Sao ba có nhiều người quen thế”. Bởi vì con chưa sống ở quê nên không hiểu được tình làng nghĩa xóm đậm đà biết chừng nào. Thay vì những bữa cơm đầy đủ, ký ức của ba khó phai mờ bởi mắm kho quẹt, cá rô đồng, canh rau tập tàng nóng hổi, vị ngọt của mía lau và trái khế đầu cành...
Ba muốn dắt con đi trên bờ kênh để nhìn cá quẩy, nghe tiếng chim tu hú gọi bầy và xa xa là đàn cò trắng bay lững lơ trên đồng lúa xanh rì với những chú trâu chậm chạp gặm cỏ. Bởi cuộc sống bình yêu ấy là cội nguồn nuôi dưỡng tuổi thơ chất phác, mộc mạc trong tâm hồn ba.
Hồi ấy ba từng là đứa trẻ chăn trâu, cũng từng thơ thẩn hái hoa hay mải miết đuổi theo chú chuồn chuồn kim bay lập lờ giữa mênh mông. Còn ở phố, con chỉ thấy chú chuồn chuồn kim trong sách vở mà thôi. Chính vì vậy ba mong rằng có nhiều dịp như giỗ chạp, kỳ nghỉ... sẽ đưa con về quê ươm mầm đồng nội.
Ba hy vọng rằng, cuộc sống cùng xúc cảm quê xứ sẽ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn con giữa xô bồ phố thị. Từ đó con sẽ hiểu vòng tay gân guốc da mồi của nội ấm áp ôm chầm lấy con nhưng con không mấy mặn mà bởi mùi son trầu và hương thuốc lá. Để rồi khi trưởng thành, con sẽ thương nhớ mùi hương đặc trưng của nội, như ba từng quay quắt tìm về để tìm chút thanh thản, bình yên…
AN BÌNH