Hơn 200 học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn TP.Tam Kỳ cuối tuần qua đã có buổi ngoại khóa thú vị khi tham gia diễn đàn “Học trò xứ Quảng - khát vọng khởi nghiệp sáng tạo” do Sở GD-ĐT và Tỉnh Đoàn tổ chức.
TS. Nguyễn Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Quản trị tri thức KMi, Sáng tạo và CEO Tập đoàn công nghệ Khai Minh (TP.Hồ Chí Minh), Nguyễn Mai Thảo Trâm - huấn luyện viên kỹ năng mềm, diễn giả TEDx và Trần Trung Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Hải Sơn là 3 vị khách mời tham gia và chia sẻ về con đường khởi nghiệp.
Khởi nghiệp nhỏ - Bài học lớn
Xuất hiện trên sân khấu và qua vài lời giới thiệu, Nguyễn Mai Thảo Trâm khiến cho các cô cậu học trò phấn khích bởi phần lớn ít nhiều đều biết đến lý lịch của cựu HS Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm này và cũng từng là khách quen của “Châm Garden” - shop cây cảnh nhỏ xinh tại Tam Kỳ mà Trâm là cô chủ từ khi mới học lớp 10.
Tiết lộ vốn khởi nghiệp ban đầu chỉ 384 nghìn đồng đủ để buôn bán vài chậu cảnh, Thảo Trâm cho biết khó khăn nhất khi đó là cân bằng giữa việc học và việc làm, làm sao thuyết phục được gia đình bằng một kết quả học tập tốt; sau đó Trâm đoạt giải ba học sinh (HS) giỏi cấp tỉnh như là một minh chứng để cha mẹ đồng ý. Từ đó Trâm hình thành cửa hàng và duy trì cho đến ngày nay với sự vào cuộc của cả gia đình.
“Cửa hàng nhỏ nhưng nuôi Trâm ăn học THPT rồi vào đại học, giúp cuộc đời Trâm rẽ sang hướng khác. Đó cũng là điều kiện giúp Trâm giành được suất học bổng toàn phần ngành quản trị kinh doanh của Úc” - Thảo Trâm chia sẻ.
Trả lời câu hỏi nhiệm vụ chính của HS là học nhưng vì sao nhà trường hiện nay nói nhiều đến khởi nghiệp, “cô chủ nhỏ” cho rằng khởi nghiệp giúp HS có kinh nghiệm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
“Vì vậy, lời khuyên của Trâm cho các bạn là hãy làm từ những điều nhỏ, đừng nghĩ những chuyện quá to. Điều nhỏ thực hiện sẽ dễ hơn rất nhiều, nếu có bị thất bại cũng không gây thiệt hại lớn và hãy xem mình bỏ ra số tiền nhỏ đã mang lại bài học lớn. Khởi nghiệp ban đầu luôn gặp khó nhưng hãy dấn thân, nhúng mình vào, tất cả sẽ dần tháo gỡ” - Trâm đúc kết.
Trần Trung Hiếu (cựu HS Trường THPT Trần Cao Vân, Tam Kỳ) lại chọn cách du học để học hành bài bản rồi mới khởi nghiệp. “Mình quyết định sang Nhật học cách khởi nghiệp của họ - một đất nước đi lên từ con số 0. Học cả chuyên môn, cách quản trị điều hành” - Hiếu chia sẻ.
Sau đó, chàng trai sinh năm 1998 về nước thành lập Công ty TNHH Lâm Hải Sơn tại Tam Kỳ, chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Lời khuyên cho bạn trẻ, theo Hiếu, đó là sống và làm theo đúng nghĩa thanh niên, học ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Sống phải có khát khao, hoài bão, thắng không kiêu, bại không nản, phải cố gắng học để làm việc và siêng năng. “Phương án 10 nhưng cố gắng phải 20 mới làm được” - Hiếu nói.
Cần sự khác biệt
Từng nhiều năm sống, làm cho nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia trên thế giới và hiện nay là ông chủ của một số công ty lớn tại Việt Nam, TS. Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ kinh nghiệm, rằng sáng tạo trong khởi nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến sự thành bại. “Khởi nghiệp không khéo sẽ tạo nghiệp và sạt nghiệp” - ông mở đầu bài diễn thuyết về con đường khởi nghiệp một cách đầy hóm hỉnh trước sự vỗ tay và cười ồ của cả khán phòng.
Ủng hộ ý tưởng “dấn thân và đừng sợ thất bại” của Nguyễn Mai Thảo Trâm, CEO Tập đoàn công nghệ Khai Minh cho rằng, khởi nghiệp là bắt đầu làm cái mà người ta chưa làm, có sự khác biệt, hay còn gọi là bí kíp.
Ông dẫn chứng, thấy người ta bán trà sữa thì mình cũng mở bán trà sữa. Đấy mới chỉ là khởi sự kinh doanh, là cái mà người ta đã làm rồi, khác với khởi nghiệp là bắt đầu làm cái mà người ta chưa làm.
“Nếu quyết định bán trà sữa thì người ta bán trà sữa trân châu còn mình bán trà sữa… dê, như vậy mới là khởi nghiệp” - TS. Nguyễn Thanh Tùng ví von. Vì vậy, theo ông, độ rủi ro trong khởi nghiệp rất lớn, thậm chí trên thế giới có đến 99% người khởi nghiệp bị “chết”; trong khi khởi sự kinh doanh ít “chết” nhưng lại không có sự đột phá.
Theo Phó Giám đốc Sở GDĐT ông Nguyễn Hoàng Nam, diễn đàn “Học trò xứ Quảng - khát vọng khởi nghiệp sáng tạo” được tổ chức với mong muốn tạo động lực, hình thành ý tưởng, tư duy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho HS ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng nhằm tăng cường hướng nghiệp để định hướng, giúp các em tiếp cận nghề nghiệp.
Tại diễn đàn này, HS được gặp gỡ, trò chuyện với những anh chị là cựu HS Quảng Nam vươn lên khởi nghiệp, qua đây giúp các em có được nhiều kiến thức, hình thành hoài bão, lý tưởng, thắp lên khát vọng khởi nghiệp sáng tạo.