Không ngờ, người chở tôi từ trung tâm Thạnh Mỹ vào Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang) lại là Nguyễn Ngọc Thu. “Mười năm, có khi hơn 10 năm anh hè”. Thu thốt lên. Tôi cũng không kìm được. Những lần nghiêng ngả với nhau ở Nước Oa, khi Thu bám trên đó với đất và rừng trong đội quân mà anh Thu là Tổng đội trưởng Thanh niên xung phong. Bồi hồi ký ức. Chừng đó năm, Thu vẫn ở rừng, và bây giờ lại “di thực” từ Bắc Trà My qua Thạnh Mỹ, lại cạy đá, xoi đất, trồng cây, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng.
Nhà điều hành Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ. Ảnh: TR.VIỆT |
1. Làng hiện ra trước mắt vỡ vạc những hình khối. Heo, gà quanh quẩn trong sân. Gà ta thả tự do. Heo rừng nuôi theo phương pháp tự nhiên trên nền đệm lót sinh học, thức ăn là chuối, bột bắp, cám gạo; anh bảo sau này sẽ chăn thả trong vườn rộng chứ không nhốt nữa. Tối đó đãi khách, anh em vật một con. Khỏi phải bàn là ngon ngất ngây. Tổng đội trưởng Nguyễn Thành Vinh nhắc sơ sơ cho tôi mấy con số: 20 con heo lớn, 14 heo con, 70 con gà, tất cả đều là sản phẩm nuôi đợt hai, chứ đợt một đã tiêu thụ rồi. Khu nhà điều hành hai dãy, mặt bằng đủ có một sân bóng mi ni. Trước mặt là vườn chuối bạt ngàn, cũng là trồng đợt hai, với diện tích 5 sào - vài ngàn cây. Tôi theo Thu và anh Vinh lội vào vườn chuối. Cây đã cho trái. “Năm ngoái bão làm ngã chuối một khu vực lớn, đau điếng không kêu được một tiếng”. Giọng Thu vang lên. Dưới chân là cây ba kích, có cây đã vươn cao gần 1m. “Không cây nào chết” - Thu tiếp tục - “chỉ có thực bì nhiều quá, tụi em phát dọn không kịp”. Đá, đá và đá, xoi đất cho cây bám, thế mà nó vẫn xanh... Giờ tôi đã hiểu, không dưới hai lần tôi xin anh Vinh để lên làng coi thử, nhưng anh chối từ, rằng chưa có chi đâu.
Chưa có chi đâu không phải không có chi đâu, mà là do anh... kỹ tính. Núi chỉ... thiêng khi có người. “Thanh niên đã vào dựng nhà, anh lên đi”. Lập làng là cho thanh niên có vườn, có nhà, có công ăn việc làm, có thu nhập, mà họ chưa vào, thì biết nói chi. Sát nhà điều hành, có ngôi nhà sắp xây xong tường bao. Chủ nhân là Hieu Chưu, quê làng Mực - Thạnh Mỹ. Tôi hỏi Hoih Thị A Vía, vợ Chưu: “Sao không kiếm giường cho con nằm?”. Họ có đứa con đầu lòng, mới 8 tháng tuổi. “Tụi em chưa có tiền mua giường anh ơi”. Ba người, ba cái võng. “Ở chung với bố mẹ, không có đất, làm rẫy thì đói lắm, được vào ở làng, tụi em mừng lắm”. Vía vừa đi rẫy về, nhễ nhại mồ hôi. Chưu là đội viên sốt sắng của làng, lo toan cùng anh em đủ thứ việc. Ai được vào đây, sẽ được hỗ trợ gần 48 triệu đồng, từ mua giống, phân bón để trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, ăn quả, giống vật nuôi trong giai đoạn đầu, xây dựng chuồng trại, hỗ trợ trồng rừng sản xuất và lâm sản ngoài gỗ, làm nhà, cấp đất vườn đất ở, lương thực từ 4 - 6 tháng… Anh Vinh nói: “Lúc đầu xin đông lắm. Tôi nói rõ: vào đây là làm đúng như hướng dẫn, từ cây đến con, đất cấp mỗi người 3ha, anh chỉ làm ở đó, cấm tuyệt đối chuyển nhượng đất cho người khác, ai không thực hiện thì đừng mơ sẽ được duyệt”. Nghe vậy, 15 người xin rút. Ở đây xảy ra ít nhất hai lý do họ chùn tay: Làm ăn đúng kỹ thuật, không ầu ơ lấy được, không có cửa cho tư duy làm cho có, cốt kiếm đất kiếm tiền; hai, vô lấy đất rồi bán. Bây giờ đã tuyển xong 20 hộ, các hộ đang làm nhà để ở. Năm 2018 sẽ tuyển 30 hộ, 2019 là 10 hộ.
2. Tôi biết vì sao anh em ở đây nghiêm túc và lo lắng. Câu chuyện các làng thanh niên lập nghiệp bung ra và... bể, là bài học xương máu cho họ rồi. “Đúng đó anh, lo kinh khủng. Đừng tưởng có tiền mà làm được. Chúng tôi khởi động 4 năm, lo trồng chuối, nuôi heo, gà, trồng ba kích, sa nhân trước. Khi lãnh đạo tỉnh lên, nghe trình bày phương án, thấy khả năng tồn tại và phát triển tốt, tỉnh mới gật đầu đồng ý về cơ chế lẫn chính sách hỗ trợ, chứ không phải là qua loa lấy lệ đâu. Và cái chúng tôi cần, là cây con đã có, thanh niên, nhất là người địa phương, hãy nhìn vào đi, làm được chứ không phải là nói mà chơi, phải lấy thực tế để thuyết phục và hướng dẫn họ thực hiện” - anh Vinh nói. Không phải dễ chơi, khi đây là tiền nhà nước, lại làm kinh tế trên núi. “Theo anh, cái chi là cốt tử?”, anh Lê Phương Bình cán bộ kỹ thuật của tổng đội hỏi. “Con người - tôi nói - thanh niên lập nghiệp, thì thanh niên là đối tượng được tuyển lựa, nhưng lập nghiệp là làm ăn, phải chọn người biết làm, làm tốt, chứ không phải vì áp lực này nọ để rồi chỉ ăn không làm, cuối cùng không có ăn, bể ra, trăm dâu đổ đầu tằm. Lý luận kinh tế đúng đắn nhất, chính là thực tiễn, đừng có là lý thuyết tào lao”. “Tụi em cũng nghĩ thế, nên đang lo lắng lo đầu ra”.
Không ai ngờ từ quả núi lớn, giờ thành một vùng bằng phẳng, xanh um. |
Làng có diện tích 612ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 68ha, đất lâm nghiệp 544ha (đất khoanh nuôi quản lý bảo vệ rừng 328ha, đất khoanh nuôi phục hồi rừng sản xuất 29ha, đất trồng rừng sản xuất 186ha). Một vùng rộng lớn, giờ tính sao? Trên núi, chỉ có nuôi và trồng. Đâu là đầu ra của gà heo? Và quan trọng là cây gì? Trên đường về, anh Vinh chỉ cho tôi vườn keo đã được 1 năm tuổi, nhưng cao chưa tới 2m. “Đất cằn, đá, nó sống được vậy là mừng”. Tuy nhiên, trong khu vực mà làng được giao đất, vẫn có nhiều nơi đất tốt. Trồng cây gì? Bài toán đặt ra từ cấp tỉnh bao năm, mà phần lớn huyện miền núi chưa làm được, là phát triển cây dược liệu. “Chúng tôi đã có 5 nghìn cây ba kích lên xanh rồi, còn 50 nghìn cây giống, sẽ phát cho đội viên. Đang thử nghiệm đẳng sâm. Lo nhất là đầu ra, tôi đã có thông tin một doanh nghiệp sẽ nhảy vào, bụng chưa biết mừng hay lo đây, nếu họ hợp tác làm ăn, bao tiêu sản phẩm, thì sẽ cất được gánh nặng”. Làm ăn thời buổi giờ, không thể hên xui may rủi, mà là căn cơ, tính sai là coi như toi. Nếu doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh cây dược liệu kia làm bà đỡ cho làng, hy vọng câu chuyện làm ăn không bế tắc.
3. Họ lo, thật lo. Mà đâu chỉ có chuyện cây dược liệu. Các loại cây ngắn ngày đang thử nghiệm là chuối mốc, gừng, nghệ, bắp; cây lâm nghiệp tập trung như lim, mây nước... khi nên hình nên dáng, sẽ tính sao về thị trường tiêu thụ, mà trách nhiệm của làng ghi rõ trong phương án thực hiện, là sau khi các hộ sản xuất thành công các mô hình, tổng đội sẽ là đầu mối thu mua các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt trong làng và tạo thương hiệu nông sản sạch để cung cấp ra thị trường. Làm không xong, thì chính các đội viên là người “lật đổ” họ. Tôi nói chuyện với họ, đọc ở anh em sự căng thẳng, nỗi lo âu có thực và đầy trách nhiệm, không hề có cái kiểu tiền nhà nước mà, không được chẳng ai bắt mình, lại làm trên núi, thất bại cũng là thường... Tôi nghĩ, đó là lòng tự trọng với đồng tiền. Lo cho mình, cho nhiều người. Và hình như không chỉ là thế. Sau lưng là núi, trước mặt là núi, chỗ tôi đang ngồi đây, ngày khởi thủy đâu phải đất bằng. “Khổ bầm trầy đó anh” - Thu nói - “lúc vô đây điện nước không có, nhất là nước, mùa nắng là kinh hồn, từ đây tụi em phải đi tìm nguồn nước cách 4km trên núi cao, đặt ống dẫn về. Ngán nhất là mùa mưa, rác dồn về suối, nghẽn họng ống, phải lội trèo ngược núi mà vớt rác”. Bữa tôi lên, làng khánh thành bể nước tự chảy để đội viên tắm giặt, số tiền 75 triệu đồng do đoàn viên thanh niên của Tập đoàn Cao su Việt Nam tài trợ. Có được điện, nước, đường đi, chỗ đất bằng phẳng để làm nhà ở, nào có dễ. Ngày đó, họ hạ trại ở chân núi. San ủi để dựng nhà, mất... hai năm, bởi nguyên đó là một quả đồi!
“Tất cả mới bắt đầu anh ơi, còn lắm gian truân, nhưng không thể khác” - anh Vinh trầm tư mà quyết liệt. Quân số thường trực ở đó mới có 4 anh em, nhận lãnh một khối lượng công việc không hề nhỏ. Tôi dậy thật sớm, nhìn núi mê ngủ trong sương và mây, rồi hiện hình theo đám cháy đỏ lừ lên từ phía chân trời. Họ, những người lính thanh niên xung phong thời bình đang nuôi khát vọng, nảy mầm từ cái nhìn chính xác về hướng đi, từ thị trường đến phương thức thực hiện. Họ đang bắt đầu… khởi nghiệp, một cuộc chơi không hề là mất còn của cá nhân ai, mà là chuyện sinh tử của uy tín một tập thể, niềm tin của cộng đồng và thanh niên. Họ đang bị áp lực từ nhiều cái nhìn, góc nhìn. Hy vọng mầm xanh nảy lên từ đá, bắt đầu từ mồ hôi toan lo của họ, sẽ thành hoa thành quả…
Ghi chép của TRUNG VIỆT