Gần 5 năm thành lập cũng là ngần ấy thời gian Hội từ thiện Sông Hàn lan tỏa thông điệp yêu thương đến những mảnh đời gieo neo ở các cộng đồng vùng cao xa xôi...
Những bữa ăn ấm áp
Từ 8 giờ sáng, các thành viên Hội từ thiện Sông Hàn làm việc ở quán cơm xã hội tại số 77 Ba Đình, TP. Đà Nẵng tất bật chuẩn bị các công đoạn để phục vụ khoảng 300 suất cơm trưa cho người nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Anh Nguyễn Văn Vinh - một thành viên phụ trách tại quán cho biết, trong năm 2016 hội đã lập được 2 địa chỉ phục vụ cơm xã hội với giá 5 nghìn đồng/suất. Năm ngoái, quán cơm này phục vụ các ngày trong tuần nhưng do nhân lực hạn chế nên tạm thời chỉ phục vụ vào các thứ 3, 5, 7 hằng tuần. Nhiều hôm khách đông quá, thức ăn hết sớm, quán chỉ cho mua tối đa 2 suất đem về để thức ăn đến được với những người thực sự cần. Bà Lê Thị Từ quê ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, làm nghề bán vé số dạo bộc bạch: “Tôi đi bộ bán vé số khắp nơi trong thành phố nhưng trưa vẫn băng bộ hàng chục cây số về đây để ăn cơm vừa rẻ lại vừa ngon, có nhiều thức ăn”.
Người nghèo xếp hàng đợi đến lượt mua cơm xã hội do Hội từ thiện Sông Hàn mở phục vụ. Ảnh: Q.T |
Ngoài những bữa cơm xã hội, một số thành viên khác trong Hội từ thiện Sông Hàn cũng thường xuyên tận dụng thời gian rảnh rỗi để làm ấm lòng người nghèo. Cứ đều đặn vào Chủ nhật, chị Hà Trần Tiểu My - làm việc tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cùng bạn bè thân thiết tổ chức phân phát bánh bao, bánh bèo, sữa… miễn phí tại khu vực đường Lê Duẩn. Ngoài ra, nhóm bạn này còn tổ chức phát dạo nhiều nơi, trao tận tay những người lao động khó khăn lo việc mưu sinh không thể đến nhận. Chị My vui vẻ cho biết, có những ngày trời mưa lạnh, thấy nhóm từ thiện nhiệt tình, một số người đi đường đã dừng lại trao tiền ủng hộ khuyến khích hoạt động làm tăng thêm động lực cho các thành viên trong hội.
Đem yêu thương đến vùng cao
Từ khi thành lập năm 2012, Hội từ thiện Sông Hàn đặc biệt quan tâm đến việc giúp đỡ các huyện miền núi khó khăn của tỉnh Quảng Nam, nhất là huyện Tây Giang, với hàng chục chuyến thiện nguyện. Với mục đích đem lại niềm vui lâu dài cho đồng bào vùng cao, hội ưu tiên những chuyến thiện nguyện lắp đặt điện, bể nước sạch lồng ghép với các chương trình “áo ấm mùa đông”, “vui rằm trung thu”… Gần đây nhất vào tháng 11.2016, hàng chục thành viên trong hội đã vượt hàng trăm cây số đường đèo với các vật dụng cồng kềnh như máy phát điện, tivi, dây điện, đầu DVD… để giúp đồng bào thôn Atu 2 (xã Ch’ Ơm, huyện Tây Giang) lần đầu tiên có được ánh điện để sinh hoạt. Trước đó, tại làng Aur (xã A Vương, huyện Tây Giang), các thành viên trong hội đã dành toàn bộ thời gian nghỉ lễ 30.4 và 1.5 để sửa chữa, thay mới và bảo trì hệ thống điện nước, giúp đồng bào định cư tại thôn mới có nguồn nước sạch sinh hoạt. Theo anh Nguyễn Văn Kỳ - Phó Bí thư Huyện đoàn Tây Giang, hoạt động thiện nguyện nào cũng rất ý nghĩa nhưng việc làm của Hội từ thiện Sông Hàn trên địa bàn huyện là niềm mơ ước lâu nay của người dân nơi vùng núi cao.
Cái tâm và sự chân thành của các thành viên trong Hội từ thiện Sông Hàn càng được thể hiện rõ qua các chuyến đi xa này. Nhận thấy trẻ em và thầy cô giáo của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Ch’ Ơm (xã Ch’ Ơm, huyện Tây Giang) phải mang can nhựa tìm kiếm nước sinh hoạt sau giờ học, dù đã một lần lắp đặt hệ thống ống dẫn nước về đến trường để sinh hoạt vào năm 2015, các thành viên trong hội lại tiếp tục lên đây xây thêm 2 bể chứa và gia cố đập ngăn nước vào đúng dịp Quốc tế thiếu nhi 1.6. Theo anh Phạm Thanh Hoàng - Hội trưởng Hội từ thiện Sông Hàn, kinh phí để thực hiện những chuyến đi như thế khá lớn nhưng có chứng kiến các thành viên tỏa đi khắp nơi hơn chục cây số tìm cát xây tô bể dự trữ mới thấy cái tình và nhiệt huyết của họ còn lớn hơn gấp bội. Tháng 3 này, hội sẽ lại lên đường mà điểm đến dự định tiếp theo sẽ là xã Ga Ry, huyện Tây Giang để gieo những yêu thương mới. Cuối năm 2016 vừa qua, đơn vị đã vinh dự là một trong 10 đơn vị được nhận Giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2016.
QUỐC TUẤN