Với y đức và trái tim nhân ái, các y bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (đóng tại thị xã Điện Bàn) đã trao yêu thương cho bệnh nhân có hoàn cảnh bất hạnh, gieo mầm thiện cho đời...
Bác sĩ Trần Phước Ta – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ bệnh viện trao quà cho bệnh nhân nghèo. Ảnh: N.TRANG |
Tính đến nay, đã 15 năm giữ cương vị Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ bệnh viện, bác sĩ Trần Phước Ta còn nhớ như in kỷ niệm về chương trình bát cháo tình thương cho người bệnh. Năm 2005, cơ sở vật chất của bệnh viện còn thiếu thốn, nguồn quỹ nhân đạo cũng hạn hẹp. Nhờ mối duyên lành, chị Nguyễn Thị May ở phường Vĩnh Điện đã ủng hộ chương trình “Bát cháo tình thương” mỗi tháng 2 lần. Từ sự chia sẻ này, nhiều nhà hảo tâm tiếp tục chung sức, góp tiền xây dựng quỹ từ thiện nồi cháo của bệnh viện, phát mỗi tuần 100 - 150 suất. Các năm sau đó nhân rộng ra, phát 300 - 400 suất. “Nhiều người điều trị lâu dài xem đây là mái nhà, có nơi ăn ở và sự chăm sóc tận tình. Bệnh nhân ai nấy đều cảm kích, lòng tôi vui lây” - bác sĩ Ta chia sẻ.
Từ năm 2007, một số câu lạc bộ (CLB) hoạt động từ thiện trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng tìm đến Hội Chữ thập đỏ bệnh viện ủng hộ chương trình “Bữa ăn nhân ái”. Đến nay đã có 20 CLB đồng hành bữa ăn của bệnh nhân, tất cả ngày trong tuần đều kín lịch bữa ăn sáng, riêng cơm trưa phát 3 ngày/tuần. Bà Phạm Thị Lan - Chủ nhiệm CLB Kết nối yêu thương Quảng Nam cho biết: “Tôi và các anh chị em trong CLB gắn bó với bữa ăn của bệnh nhân nơi đây 8 năm rồi. Khi biết thêm một số trường hợp bệnh không có tiền chữa, chúng tôi lại phát động kêu gọi giúp đỡ”. Còn với những thành viên trẻ CLB Yêu thương và sẻ chia TP.Đà Nẵng, chương trình đến với bệnh nhân nghèo luôn đầy ý nghĩa. Hẳn vì thế, dù thức dậy từ 3 giờ sáng để nấu bữa ăn kịp phát cho bệnh nhân, thành viên ai nấy đều nhiệt tình. Trong một lần đi nhận cháo tình thương ở bệnh viện, em Hà Công Đức (21 tuổi, trú tại thôn Triêm Trung 1, xã Điện Phương) để lại sự cảm thông trong lòng các nhà hảo tâm với dáng vẻ xanh xao, chân bị cắt cụt. Sáng nào em cũng cố lăn bánh xe một mình đi nhận cháo, hỏi ra mới biết, mẹ Đức đã mất sau một vụ tai nạn giao thông, bản thân Đức cũng bị thương tật suốt đời. Từ bát cháo tình thương, Hội Chữ thập đỏ bệnh viện đã tìm đến nhà em Đức và kêu gọi sự ủng hộ thường xuyên 200 nghìn đồng/tháng...
Anh Trương Quang Thắng - kỹ thuật viên xét nghiệm, bén duyên với hành trình gieo mầm thiện đã 4 năm nay. Mới đây, nhận thông tin về cháu Hoàng Lê Bảo Long (8 tháng tuổi, trú tại xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) mắc bệnh gan lách lớn kèm mô bào ác tính, anh Thắng vận động 4,7 triệu đồng mang đến hỗ trợ cháu Long có kinh phí ra Hà Nội chữa bệnh. Hay trường hợp em Hà Ngọc Tùy (17 tuổi, trú tại xã Điện Phong) mắc bệnh viêm tụy, gan ứ mật cũng được anh Thắng giúp đỡ số tiền 3,7 triệu đồng. Anh Thắng chia sẻ: “Sau khi xin hỗ trợ, trao xong, mình chụp hình quay phim cụ thể nên nhận sự tin tưởng, trợ giúp từ xã hội. Giờ đây, hễ có hoàn cảnh nào, mình chỉ cần đưa thông tin, chắc chắn có người tìm đến”.
Với thông điệp “giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại”, các y bác sĩ trong bệnh viện cùng nhau thành lập CLB Ngân hàng máu nóng. Theo đó, thành viên tham gia sẽ ghi lại thông tin địa chỉ, số điện thoại, nhóm máu nơi cuốn sổ Từ Tâm. Trong quá trình điều trị bệnh, hoặc có ca bệnh cấp cứu cần máu khẩn cấp, ngay lập tức y tá hoặc bác sĩ có cùng nhóm máu sẽ tình nguyện hiến máu. Chị Võ Thị Thu Nguyệt - điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, cho hay: “Với tôi, hiến máu là việc làm nhân văn. Nghĩ đến khoảnh khắc bệnh nhân nhận máu của mình, tôi thấy hạnh phúc lắm”. Cùng câu chuyện y bác sĩ hiến máu cho bệnh nhân, rất nhiều người đã thực sự xúc động trước y đức bác sĩ Nguyễn Ngọc Bách. Cách đây không lâu, bệnh viện tiếp nhận sản phụ Lê Thị Kim Lâm (trú tại phường Điện Nam Trung) trong tình trạng chuyển dạ sinh con. Sau khi khám, bác sĩ tiến hành phẫu thuật lấy thai, tuy nhiên chị Lâm có hiện tượng đờ tử cung và băng huyết, thiếu máu trầm trọng. Trước tình thế cấp bách ấy, bác sĩ Nguyễn Ngọc Bách từ nhà ở Duy Xuyên chạy đến bệnh viện, cùng 2 nhân viên y tế khác hiến máu giúp sản phụ qua cơn nguy kịch. “Tôi có nhiều lần hiến máu giúp bệnh nhân, nhưng ca bệnh sản phụ hôm ấy để lại kỷ niệm sâu đậm nhất. Nụ cười của hai mẹ con chị ấy khiến tôi có thêm động lực làm nhiều việc nghĩa”.
NHƯ TRANG