Chúng tôi đã gặp họ - những người gieo niềm tin cho đồng bào Ca Dong, Xê Đăng bằng tâm huyết của đời mình. Ở bất kỳ lễ hội nào của Nam - Bắc Trà My, họ đều hiện diện như những “người chỉ huy” đầy mẫn cán.
“Truyền lửa” nghề dệt
Ở hầu hết các sự kiện văn hóa được huyện Nam Trà My tổ chức, bên cạnh “gương mặt thân quen” Hồ Văn Thập, còn có một phụ nữ khác làm nhiệm vụ trình diễn nghề dệt truyền thống, phục vụ du khách. Bà ngồi đó, cần mẫn thực hiện các công đoạn dệt, luồn từng sợi chỉ, hình thành nên một dải thổ cẩm mịn màng, lung linh sắc màu văn hóa. Người phụ nữ thầm lặng ấy, là Trần Thị Kim Hoa (trú thôn 4, xã Trà Cang).
Gần 40 năm gắn bó với dệt thổ cẩm truyền thống, bà Hoa dành nửa thời gian đó để đi truyền nghề cho lớp trẻ. Năm ngoái, từ chương trình đào tạo nghề dệt thổ cẩm do Hội LHPN huyện tổ chức, bà Hoa đã đứng lớp, trở thành “cô giáo” của hơn 30 học viên là phụ nữ Xê Đăng. Miệt mài với từng đường nét hoa văn, khung dệt, sợi chỉ, với bà đó là tâm nguyện lớn nhất của đời mình.
Bà Hoa nói, với người Xê Đăng, giá trị lớn nhất của thổ cẩm không nằm ở giá bán ra của sản phẩm, mà thể hiện ở đường nét tinh tế của nghệ nhân cho mỗi tấm vải ra đời. Đó là giá trị thực, mà nhiều khi không thể quy đổi bằng tiền hoặc cũng không thể so sánh với từng món hàng nào khác. Thổ cẩm, là văn hóa, là tình yêu của người dệt gửi gắm qua từng sợi chỉ, tạo nên sắc chàm đen đỏ hòa phối một cách đặc trưng.
“Am hiểu nghề dệt, như tỏ tường cái tình của người vùng cao, bà Hoa đã truyền lửa nghề cho không biết bao nhiêu thế hệ phụ nữ trong làng, trong xã. Mà nếu có cuộc bình chọn về vấn đề này, có khi bà Hoa là nhất” - một người bạn của chúng tôi dí dỏm nhận xét về bà, sau câu hỏi liên quan đến nghệ nhân Xê Đăng ở địa phương này.
Những dịp lễ hội truyền thống, như tục cúng máng nước, ăn trâu huê… đồng bào Xê Đăng lại khoác lên mình sắc màu thổ cẩm, xúng xính như những đóa hoa rừng. Trong số rất nhiều tấm choàng, tấm khố đó, là có công sức của bà Hoa, cùng nhiều nghệ nhân nghề dệt khác của người Xê Đăng hồn hậu.
“Báu vật” dân làng Ca Dong
Chúng tôi ngồi với ông - nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Dinh, trong không gian văn hóa tết mùa của đồng bào Ca Dong, giữa nhịp chiêng ngân vang như thúc giục lòng người. Gần 3 năm gặp lại, ông vẫn như thuở trước, hiền hậu nhìn chúng tôi bằng nụ cười “được mùa” và chòm râu bạc trắng đặc trưng của một già làng vùng cao. Như lúa mùa trên rẫy, ông hào sảng với bất kỳ ai đến với mình. Miệt mài theo niềm đam mê, ông tìm cách khôi phục từng điệu múa, nhịp chiêng, khơi dậy niềm tự hào về tình yêu nguồn cội trong mỗi người con miền núi.
Rành rẽ với từng câu lý, từng điệu hát k’cheo vốn đã nhiều năm vắng bóng, ông được cộng đồng người Ca Dong xem như “báu vật” của làng. Cái tên “già Dinh” cũng là một phần của sự tôn kính ấy mà đồng bào dành cho ông - người gieo lên niềm tin cho cộng đồng bằng việc làm đậm chất… nghệ nhân.
Ở xã Trà Bui (Bắc Trà My) quê hương ông, những năm cuối thập niên 90, nạn đói hoành hành. Người lớn chú tâm công việc nương rẫy, câu chuyện cơm-áo-gạo-tiền đã vô tình khiến nét văn hóa rơi dần vào quên lãng. Trẻ em không được truyền dạy, tiếp nối, lâu dần thành mất, nên số người biết nói lý, biết cách gõ chiêng, hát điệu k’cheo cũng không còn nhiều như trước. Trăn trở với vốn văn hóa đang bị mai một, già Dinh đã tự mình sưu tầm, rồi truyền dạy cho người làng để khôi phục nét truyền thống. Ban đầu, là trong phạm vi gia đình, thôn nóc, dần dà ông mở rộng sang các làng lân cận, rồi phủ khắp toàn xã như bây giờ.
“Hồi đó, dạy cho lớp trẻ khó khăn lắm. Đánh chiêng thế nào cho vang, múa làm sao cho có hồn, có nét thật không dễ. Nhưng vì quyết tâm muốn giữ lại văn hóa truyền thống, nên già không nản chí. Đó, thấy không? Đội múa cồng chiêng đó là do già tập luyện, truyền dạy. Bây giờ trở thành đội cồng chiêng của xã” - già Dinh chỉ tay về phía nhóm cồng chiêng đang trình diễn trước lễ hội, cười mãn nguyện.
Già Dinh không phải là gương mặt lạ lẫm với truyền thông và du khách. Nhiều người biết đến ông như một “hình mẫu” trong các panô tuyên truyền về sự kiện văn hóa của đồng bào vùng cao. Giám đốc Trung tâm VH-TT và TT-TH huyện Bắc Trà My - Nguyễn Văn Bình nói, ở địa phương, già Dinh như một “pho tượng sống” trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Ca Dong. Không chỉ có khả năng thẩm âm chiêng cực giỏi, nói lý hay, già Dinh còn là người rất có tay nghề về đan lát, cũng như phục dựng lễ nghi cúng tế thần linh trong ngày hội dân làng.
“Ghi nhận những đóng góp của ông cho văn hóa người Ca Dong, mới đây, ông Hồ Văn Dinh vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú” - ông Bình nói.